Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23-11-1922 - 23-11-2022), UBND tỉnh Vĩnh Long đã chính thức khánh thành đưa vào sử dụng nhà trưng bày “Vườn ông Sáu Dân” nằm trong Khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ảnh: BẢO PHƯƠNG
Theo bà Đặng Thị Phương Thảo, Trưởng Ban Quản lý Khu lưu niệm Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, cho biết công trình "Vườn ông Sáu Dân" đã được tỉnh Vĩnh Long, gia đình Thủ tướng Võ Văn Kiệt và nhiều chuyên gia ấp ủ hơn 11 tháng từ khâu lên ý tưởng đến khâu xây dựng. Ảnh: BẢO PHƯƠNG
Vườn ông Sáu Dân mang thông điệp trưng bày là "Sáu Dân - nhà cách mạng, nhà lãnh đạo mang cốt cách Nam bộ, suốt đời vì dân, vì nước, có tầm nhìn xa trông rộng, bản lĩnh kiên cường, đổi mới, sáng tạo". Ảnh: BẢO PHƯƠNG
Nơi đây được trang bị nhiều thiết bị hiện đại như màn hình, tai nghe để khách tham quan có thể theo dõi, khám phá từng giai đoạn cuộc đời của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Tất cả tư liệu tại đây đều được nhà nước, người thân Thủ tướng Võ Văn Kiệt và các đài truyền hình, đài phát thanh cung cấp. Ảnh: BẢO PHƯƠNG
Từ TP.HCM về Vĩnh Long tham quan nhà trưng bày nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông Hà An Huy (ngụ TP.HCM) cho biết bản thân rất bất ngờ vì khi nghe tên "Vườn ông Sáu Dân" cứ ngỡ đây là vườn cây. Ông Huy chia sẻ: "Ban đầu nghe tôi nghĩ là vườn bonsai nên khi tới rất bất ngờ và thấy thú vị. Việc trang bị âm thanh, hình ảnh số như thế này tôi nghĩ sẽ giúp khách tham quan dễ dàng tìm hiểu về cuộc đời Thủ tướng Kiệt hơn". Ảnh: BẢO PHƯƠNG
Nhiều lần đến tham quan Khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhưng đây là lần ông Nguyễn Văn Xưa (Ngụ tỉnh Vĩnh Long) cảm thấy ngạc nhiên nhất. "Tôi đã tới đây đôi ba lần nhưng hôm nay cũng rất bất ngờ vì sự thay đổi, cách bố trí của khu Vườn ông Sáu Dân. Theo tôi việc có thể nghe luôn thuyết minh, nhìn hình ảnh, đọc chữ nói chung rất đầy đủ và kích thích người đến tham quan", ông Xưa nói. Ảnh: BẢO PHƯƠNG
Giải mã cái tên "Vườn ông Sáu Dân" nhưng lại là nhà trưng bày và không có cây cối, sân vườn, bà Thảo cho biết, đó là ý tưởng của công trình này. Ảnh: BẢO PHƯƠNG
Theo bà Thảo, nhà trưng bày không chỉ trưng bày hình ảnh, tư liệu về Thủ tướng Kiệt mà họ còn gợi mở bằng từ khóa để khách tham quan giải mã như Sáu Dân là gì? Tại sao gọi là Thủ tướng điện,... Điều này sẽ kích thích sự tò mò, tìm hiểu của du khách để họ tự động tìm hiểu về cuộc đời ông. Ảnh: BẢO PHƯƠNG
Hình ảnh Thủ tướng Võ Văn Kiệt được dựng lại ngay tại nhà trưng bày. Ảnh: BẢO PHƯƠNG
Nơi đây sẽ ghi lại những dấu ấn của công như công trình như Đường dây tải điện 500kV Bắc - Nam, Nhà máy Thủy điện Trị An, Nhà máy lọc dầu Dung Quất,… Ảnh: BẢO PHƯƠNG
Theo bà Thảo, Vườn ông Sáu Dân được trưng bày theo 7 chủ đề riêng biệt nhưng đều thể hiện một dòng chảy về một đời người mang tên là Sáu Dân. Ảnh: BẢO PHƯƠNG
Những bút tích của Thủ tướng Kiệt được lưu giữ. Ảnh: BẢO PHƯƠNG
Điều đặc biệt tại triển lãm là cây vú sữa được những người nghệ nhân, những kĩ sư làm suốt trong vòng 2 tháng. Bà Thảo cho biết thêm đây là một hình ảnh gợi mở. "Nhà trưng bày mang 7 chủ đề riêng biệt về cuộc đời của Thủ tướng Võ Văn Kiệt và ở đoạn cuối cuộc đời ông là hình ảnh cây vú sữa có trái già, trái non, có lá xanh, lá vàng, rễ cây, thân cây với ý nghĩa nếu như ai yêu quý ông và cuộc đời ông thì hãy bước tiếp con đường mà ông đã chọn", Trưởng Ban Quản lý Khu tưởng niệm Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt chia sẻ. Ảnh: BẢO PHƯƠNG