Vươn ra biển lớn

(QNg)- Con tàu Dung Quất có "trái tim - động lực" là Nhà máy lọc dầu đang từng ngày chuyển động vươn về phía trước. Nhưng để đi xa hơn, ra biển lớn, thì Dung Quất cần khai thác tốt hơn lợi thế cảng biển nước sâu, yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành tổ hợp công nghiệp nặng tại đây.

ĐƯỜNG LÊN… ĐÃ MỞ

"Khúc ruột" miền Trung có vị trí đẹp, mặt trước hướng ra biển đông, sau lưng là các nước tiểu vùng sông MêKông. Để tận dụng được lợi thế đó, trước tiên, miền Trung phải có cảng biển nước sâu để kết nối, liên thông nội địa và thế giới, kéo theo sự hình thành các khu kinh tế (KTT), khu công nghiệp (KCN) và các hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu.

Bốc dỡ hàng hóa ở bến cảng Dung Quất I.

Bốc dỡ hàng hóa ở bến cảng Dung Quất I.

Đã từng xảy ra nhiều cuộc tranh luận gay gắt về câu chuyện miền Trung đi lên bằng cách nào. Nhiều ý kiến cho rằng, miền Trung, nhất là Quảng Ngãi không nên làm cảng nước sâu vì vùng đất này còn nghèo, tài nguyên khoáng sản không nhiều, hàng hóa sản xuất không đáng kể. Quan điểm ngược lại thì cho rằng, vị trí mặt tiền đắc địa của vùng này cần có cảng nước sâu để thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Chính vào lúc ấy đã diễn ra một sự kiện đặc biệt quan trọng là Thủ tướng Võ Văn Kiệt đi thị sát Vịnh Dung Quất, nghe báo cáo về dự án Cảng biển nước sâu và KCN Dung Quất. Qua chuyến thị sát, Thủ tướng khẳng định, Vịnh Dung Quất là địa điểm tốt để làm cảng nước sâu. Nơi đây có vị trí thuận lợi để xây dựng Nhà máy lọc dầu đầu tiên của đất nước.

Vịnh Dung Quất là vịnh kín gió mùa, có độ sâu lý tưởng, nên từ khi đưa vào khai thác đã trở thành yếu tố thuận lợi cho thu hút đầu tư vào KKT Dung Quất. Có thể khẳng định, nếu không có cảng biển nước sâu, thì chắc chắn Dung Quất sẽ không có các nhà máy lọc hóa dầu và công nghiệp nặng. Sự ra đời của cảng biển nước sâu và KKT Dung Quất đã thật sự là chiếc chìa khóa mở ra sự phát triển về kinh tế - xã hội của Quảng Ngãi, là động lực cho vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Điều này được minh chứng bằng những con số thật ấn tượng.

Cụm Cảng Dung Quất hiện có rất nhiều bến: Bến chuyên dụng xuất sản phẩm dầu khí, Bến nhập nguyên liệu dầu thô, Bến cảng số I, Bến chuyên dụng của Doosan - Vina, Gemadept. Sắp tới sẽ có thêm bến tổng hợp và dịch vụ dầu khí, bến chuyên dụng cho nhà máy thép.

Dung Quất chủ yếu phát triển công nghiệp nặng với đặc trưng là hoạt động của các nhà máy luôn đi kèm với xây dựng cảng chuyên dụng để vận chuyển nguyên vật liệu, sản phẩm có khối lượng, kích thước lớn. Chính vì điều này nên Cảng Dung Quất bị "xé lẻ" và trở nên quá chật, không thể đáp ứng đòi hỏi của các nhà đầu tư công nghiệp nặng đến sau.

THÊM CẢNG NƯỚC SÂU ĐỂ VƯƠN RA BIỂN LỚN

Thật ra không phải đến đầu năm 2011 khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định phê duyệt mở rộng KKT Dung Quất từ 10.300 ha lên 45.332 ha, chuyện làm Cảng Dung Quất II mới được tính đến. Mà ý tưởng này đã có từ năm 2006. Một nhóm nhà khoa học do Tiến sĩ Trương Đình Hiển làm Trưởng nhóm là tác giả nghiên cứu cảng Dung Quất I tiếp tục nhận "sứ mệnh" nghiên cứu Cảng Dung Quất II.

Địa điểm được chọn để xây cảng là Vịnh Mỹ Hàn nằm trên hai xã Bình Phú, Bình Châu thuộc huyện Bình Sơn. Vịnh Mỹ Hàn kéo dài từ mũi Gò Nhan đến mũi Ba Làng An với chiều dài khoảng 10 km. Khảo sát bước đầu cho thấy, địa hình dưới nước ở đây khá bằng phẳng, độ dốc thoải đều từ bờ ra biển. Vịnh rộng 2.721ha, phần diện tích có độ sâu từ 10 đến 24 m là 1.458 ha. Các nhà khoa học khẳng định: Vịnh nước sâu Mỹ Hàn không có hiện tượng bồi lấp nên các loại tàu có thể ra vào tự do. Nếu xây dựng cảng có thể tiếp nhận tàu đến 300.000 tấn.

Quy hoạch về hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2030 của Bộ Giao thông Vận tải xác định Cảng Dung Quất là cảng tổng hợp quốc gia, là đầu mối khu vực bao gồm các khu bến chức năng chính là Dung Quất I, Dung Quất II và các bến vệ tinh Sa Kỳ, Lý Sơn. Ông Cao Khoa, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Cảng Dung Quất II là dự án rất quan trọng đối với Quảng Ngãi và khu vực miền Trung bởi nếu làm sớm sẽ mở ra rất nhiều cơ hội cho vùng đất này. Để phát huy được hiệu quả của cảng thì vấn đề quan trọng là kết nối cảng biển với cơ sở hạ tầng sau cảng và mạng lưới giao thông trong khu vực, cũng như tính toán làm con đê chắn sóng và lượng hàng hóa thông qua cảng trong mỗi thời kỳ.

Cảng nước sâu Dung Quất II được xây dựng ở Vịnh Mỹ Hàn là điều kiện tiên quyết để KKT Dung Quất thực hiện việc mở rộng lên gấp 4 lần hiện nay. Nó sẽ là điểm nhấn, là thỏi nam châm thu hút đầu tư vào KKT Dung Quất trong giai đoạn mới khi mà ở vùng phía đông KKT gắn với Cảng Dung Quất I quỹ đất dành cho nhà đầu tư còn rất ít.

Để vươn ra biển lớn Dung Quất phải làm nhiều việc, nhưng quan trọng nhất là khởi động sớm Cảng Dung Quất II. Bởi lẽ, nếu không có cảng nước sâu này Dung Quất mãi mãi chỉ là một khu công nghiệp của lọc hóa dầu và một vài dự án công nghiệp nặng, không thể là "đường băng" cho Quảng Ngãi và miền Trung cất cánh.

Bài, ảnh: Thanh Tánh

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2025/201301/vuon-ra-bien-lon-2210393/