Vườn rau bên nhà

Cứ rảnh là nội ngắt dây ra giâm cho đến lúc ra đọt non nhiều thì gọi mấy đứa cháu đến hái về ăn. Xế chiều, chơi đã, tụi tôi đến luống rau của nội moi củ lang lên luộc để nhấm nháp mùi vị của khoai lang bốc khói.

Ngày còn bé, mỗi lần mẹ muốn nấu canh chua là biểu tôi đến vườn rau nhà nội cách đó chừng vài chục mét để bứt lá giang. Giàn lá giang nhà nội mọc xen trong hàng rào kẽm gai, lá nhỏ, vị chua thì khỏi nói. Một tay cầm rổ, một tay tôi bứt lá, mủ lá giang bắn lên tay trắng tươi, rít chịt. Được lưng chừng rổ là về. Tiện thể ghé bẻ thêm vài cọng bạc hà trong vườn nhà nội nữa đem về cho mẹ bổ sung vô nồi canh.

Nội thích giâm rau lang nữa. Cứ rảnh là nội ngắt dây ra giâm cho đến lúc ra đọt non nhiều thì gọi mấy đứa cháu đến hái về ăn. Xế chiều, chơi đã, tụi tôi đến luống rau của nội moi củ lang lên luộc để nhấm nháp mùi vị của khoai lang bốc khói. Cái thú moi được củ khoai lang lên khỏi mặt đất chỉ với cái cây củi khô lại là một cảm giác đặc biệt khác.

Còn nhà ngoại đất rộng hơn nên ngoại trồng cả vườn bắp. Trong lúc đợi cho bắp có trái, ngoại tưới cho đám rau dền cơm lên tược để tụi tôi nhổ về ăn. Trong đám rau dền đó, có khi còn có cả dền gai, dù luộc rồi mà cái gai của nó vẫn đâm vô đầu lưỡi, tê tê.

Những ngày nắng chói chang, tụi tôi thích lang thang trong vườn bắp của ngoại để hóng mát, gặp lúc ngoại tưới cây, sẵn “tưới” luôn đám con nít đang chơi trong đó. Bên hông nhà ngoại còn có hai cây mận rụng đỏ cả cây mà chẳng đứa nào bén mảng tới. Bởi, chúng còn “bận việc” với mấy cây ổi trước nhà.

Mà ngày đó, khắp xóm tôi, nhà nào cũng trồng đồ hàng bông, không rau cải thì bạc hà, đậu bắp, cây ớt, bụi hành để hàng xóm qua lại trao đổi, có khi cả tuần không cần ra chợ.

Có lẽ, xôm tụ nhất là mùa tết, nhà nào cũng trồng nhiều hơn chút để đem ra chợ bán. Phần dành cho hàng xóm. Nào là cải bẹ sậy, khổ qua, dưa leo, bông cải, bông vạn thọ, chia sớt nhau để nhà nào cũng có thêm ít đồ dùng những ngày tết.

Mấy chục năm đã trôi qua, diện tích đất dành cho trồng trọt giảm nhiều để dành cho nhà cửa, đường sá, cơ sở kinh doanh nhưng thói quen làm nông của người dân xóm tôi vẫn chưa thể dứt ngang. Dù thế nào đi nữa thì vườn rau vẫn hiển hiện bên nhà, mặc kệ phần đất dành cho việc trồng rau còn nhiều hay ít.

Tôi vẫn thấy nhà dì Năm trồng giàn mướp cạnh nhà hay luống rau muống hột xen lẫn cải bẹ xanh của nhà chị Dung lên tươi tốt. Dường như việc cải tạo đất, lên luống, gieo hạt, bón phân, tưới nước, được tận mắt nhìn thấy từng ngọn rau, cây cải mọc mầm vươn lên là niềm vui không gì có thể thay thế của người gốc làm nông, dù bây giờ, đó không còn là nghề chính để họ kiếm sống.

Có những công việc quen thuộc đến nỗi, chỉ một ngày không làm cũng khiến người ta nhớ da diết! Như người nông dân, ngày nào mà không cầm cây cuốc, không ra thăm vườn, thăm ruộng lại cảm thấy thiếu thiếu cái gì đó.

Nhờ vậy mà, dù đô thị hóa đến các hẻm của xóm tôi- giờ đã được gọi là khu phố của một phường nội thị, thì vườn rau bên nhà vẫn chiếm một vị trí quan trọng từ trong tâm trí lẫn ngoài đời thực của người dân trong xóm.

Để - tụi tôi dù có trưởng thành, có đi bôn ba khắp nơi mưu sinh, mỗi khi trở về nơi mình sinh ra vẫn cảm thấy ấm áp, quen thuộc và cảm nhận lòng mình bình yên quá đỗi khi nghe tiếng chim hót trong vườn.

X.V

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/vuon-rau-ben-nha-a142433.html