Vươn tầm Giải báo chí Quốc gia

Đối với mỗi cơ quan báo chí, mỗi người làm báo, dù chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp, việc có tác phẩm để góp mặt vào Giải báo chí Quốc gia luôn là một ước mơ cháy bỏng, khát vọng chiến thắng không có điểm dừng và báo chí Đất Tổ cũng không ngoại lệ.

Các phóng viên ghi hình hoạt động của người dân tại khu 10, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì sau khi dỡ bỏ cách ly.

Các phóng viên ghi hình hoạt động của người dân tại khu 10, xã Kim Đức, thành phố Việt Trì sau khi dỡ bỏ cách ly.

Từ “sân chơi” lớn...
Hàng năm, Giải báo chí Quốc gia (Giải BCQG) được tổ chức, tạo nên một sự kiện thu hút sự quan tâm đặc biệt của báo chí cả nước, một “sân chơi” lớn cho những người làm báo chuyên và không chuyên, là “giải thưởng quan trọng, giải nghề cao quý nhất của lĩnh vực báo chí” dành cho các tác phẩm xuất sắc như cách nói của nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Giải BCQG.Đi qua 15 mùa giải, Giải BCQG vẫn vẹn nguyên sức hút và giàu ý nghĩa bởi theo đồng chí Thuận Hữu - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải BCQG, ngoài giá trị nghề nghiệp, tôn vinh các tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm báo chí xuất sắc, Giải BCQG còn nhằm thực hiện có hiệu quả Quyết định số 369/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Giải BCQG và Quyết định số 1694/QĐ-TTg ngày 22/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng Giải BCQG...Thực tế cho thấy, Giải BCQG ngày càng khẳng định uy tín, “thương hiệu”, vị thế lớn của mình, nơi hội tụ các tác phẩm báo chí thấm đẫm hơi thở cuộc sống, phản ánh đa chiều, góc nhìn toàn cảnh và cận cảnh về thực tiễn phát triển của đất nước với nhiều cách thể hiện mới lạ, đa dạng, phong phú, hấp dẫn, có tác động tích cực, tạo hiệu ứng xã hội rộng lớn, nơi kết tinh công sức, trí tuệ, niềm đam mê nghề nghiệp, ý thức, trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân, sự kết hợp hài hòa giữa cẩn trọng, cần cù trong từng con chữ với khát vọng dấn thân, sáng tạo, tìm tòi, vươn tới cái mới, cái khó, cái “nóng” để chắt lọc, tạo nên những sản phẩm tinh thần tinh túy... của đội ngũ những người làm báo. Điều này lý giải vì sao, Giải BCQG ngày càng thu hút sự tham gia của đông đảo các cấp Hội, cơ quan báo chí, hội viên nhà báo và các cộng tác viên trong cả nước.Bằng sức hút của mình, Giải BCQG đã trở thành niềm mong mỏi, khát khao của những người cầm bút, nhất là khát vọng, ước mơ được vinh danh ở ngôi vị cao, cao nhất tại “sân chơi”, “đấu trường nghiệp vụ” danh giá này. Với 4 cơ quan báo chí của tỉnh, trong đó Báo Phú Thọ, Đài PT - TH Phú Thọ là những cơ quan báo chí chủ lực đã không chỉ trở thành lực lượng xung kích, đi đầu trong công tác thông tin, tuyên truyền, bám sát và phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh mà còn thực sự tiên phong trong sáng tạo tác phẩm tham gia Giải BCQG được tổ chức thường niên.

Phóng viên Báo Phú Thọ tác nghiệp tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, tỉnh Quảng Trị. (Ảnh chụp trước khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp).

Phóng viên Báo Phú Thọ tác nghiệp tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, tỉnh Quảng Trị. (Ảnh chụp trước khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp).

...đến những nỗ lực cho kỳ vọng, hiệu quả caoĐể hoàn thành nhiệm vụ, “sứ mệnh cao cả” của mình, báo chí Phú Thọ đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng các ấn phẩm, tác phẩm, hòa nhịp vào dòng chảy, bước phát triển chung của báo chí cách mạng cả nước, tích cực tham gia các “sân chơi” lớn như Giải BCQG, Giải Búa liềm vàng... Bằng sự chỉ đạo sát sao, tích cực, Hội Nhà báo và các cơ quan báo chí của tỉnh đã động viên, khích lệ đội ngũ cán bộ, phóng viên... trăn trở, tìm tòi, sáng tạo các tác phẩm báo chí để tham gia Giải BCQG hiệu quả. Chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây, Hội Nhà báo tỉnh đã hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao cho hơn 170 tác phẩm, góp phần để có thêm hành trang, tự tin tham dự Giải.Bằng sự say mê, sáng tạo không ngừng, các tác giả, nhóm tác giả của các cơ quan báo chí, đặc biệt là Báo Phú Thọ, Đài PT - TH tỉnh đã gặt hái được khá nhiều thành công khi tham dự Giải BCQG, tiêu biểu như năm 2016, nhóm tác giả Phương Thúy, Thiện Phong, Tạ Thanh, Xuân Trường (Đài PT - TH tỉnh) đạt giải C; năm 2018, nhóm tác giả Quốc Hội, Tùng Linh, Thanh Trà (Báo Phú Thọ) và nhóm tác giả Hà Dung, Minh Đạo, Trần Kiên (Đài PT - TH tỉnh) đạt giải Khuyến khích; năm 2019, nhóm tác giả Việt Hà, Lệ Oanh, Ninh Giang, Thu Hương (Báo Phú Thọ) và nhóm tác giả Thu Phương, Lê Thủy, Trần Nhật (Đài PT- TH tỉnh) có tác phẩm lọt vào vòng chung khảo. Đặc biệt, năm 2019, nhóm tác giả Tuyết Chinh, Duy Khoa, Gia Thái, Việt Hưng, Mạnh Hùng, Lê Minh (Đài PT - TH tỉnh) đã xuất sắc đạt giải A với tác phẩm “Ông rũ rối”, đánh dấu bước phát triển mới của báo chí Đất Tổ trong “sân chơi lớn” - Giải BCQG.

Giải BCQG lần thứ XV - năm 2020 có 114 đơn vị cấp hội, 190 cộng tác viên tham gia với 151 tác phẩm thuộc 11 loại giải lọt vào vòng chung khảo qua lựa chọn từ 1.823 tác phẩm. Đây là năm thứ ba có tất cả 63/63 Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố tham dự, đồng thời có 112 tác phẩm sẽ được vinh danh, trong đó có 1 giải Đặc biệt, 9 giải A, 25 giải B, 45 giải C và 32 giải Khuyến khích. Lần đầu tiên sau 15 năm tổ chức đã có tác phẩm tiêu biểu, nổi trội để Hội đồng trao giải Đặc biệt.Tuy nhiên, dù đã chạm tay vào một trong những giải thưởng danh giá nhất của Giải BCQG (tính đến thời điểm hiện tại) nhưng nhìn chung, báo chí Đất Tổ vẫn chưa có nhiều tác phẩm được vinh danh tại “sân chơi lớn”, nhất là những giải cao, điều này đã trở thành mối quan tâm không chỉ riêng Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí mà còn là nỗi trăn trở, nghĩ suy của chính mỗi hội viên, nhà báo. Bởi thế, làm thế nào để báo chí Phú Thọ hội nhập một cách sâu rộng vào Giải BCQG, hay nói cách khác, có thêm nhiều tác phẩm đạt giải và đạt giải cao tại “sân chơi lớn” này là bài toán cần tìm ra lời giải.Trước hết, có thể kết hợp hài hòa giữa động thái mang tính hành chính là tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt nâng cao nhận thức, mục đích, yêu cầu tham dự Giải (như Đảng ủy Báo Phú Thọ có Nghị quyết chuyên đề về nội dung này) với động viên, khích lệ, khơi dậy niềm đam mê, ý tưởng tìm tòi, sáng tạo, tinh thần tự nguyện dấn thân, khát vọng cống hiến, làm nghề của mỗi cán bộ, phóng viên, thôi thúc nhu cầu tự thân thành động lực, khát khao vươn tới vinh quang nghề nghiệp. Cùng với đó, tập trung cho công tác lựa chọn đề tài, thể tài, nội dung và hình thức thể hiện, cần hội tụ trí tuệ, ý tưởng của nhiều người để có những đề tài mang tính phát hiện, sáng tạo, đột phá, phản ánh kịp thời vấn đề mới, vấn đề nóng, được dư luận xã hội quan tâm, vừa đề cập đến những thành tựu, sự kiện chính trị lớn vừa phản ánh chân thực, sinh động muôn màu cuộc sống, hàm chứa nội dung sâu sắc, nhân văn, chạm đến cảm xúc, trái tim của người đọc, người xem, những đề tài có tính phản biện, chiến đấu cao, tạo sức lan tỏa, hiệu ứng xã hội tích cực, rộng lớn.Trên một bình diện khác, cần lựa chọn những tác giả, nhóm tác giả có bản lĩnh chính trị, có kỹ năng, trình độ và kinh nghiệm trong triển khai thực hiện; chú trọng hình thức thể hiện chuyên nghiệp, đa dạng, sinh động, hấp dẫn (ví dụ sử dụng hình thức mới như megastory, e-magazine... với báo điện tử, chau chuốt về ngôn từ, hình ảnh với truyền hình), đầu tư công phu, bài bản, kỹ lưỡng cho các tác phẩm theo phương châm “nhanh, đúng, trúng, hay, đẹp”; quan tâm, hỗ trợ kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho quá trình thực hiện; huy động sự tham gia của không chỉ lực lượng nhà báo chuyên nghiệp mà còn cả đội ngũ những người làm báo không chuyên để có thêm những tác phẩm báo chí dự thi mang đậm chất liệu, dung lượng về hiện thực cuộc sống...

Tiến Dũng

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/202106/vuon-tam-giai-bao-chi-quoc-gia-177753