Vượt cửa tử vào giải phóng Vũng Tàu
Đã 50 đất nước thống nhất, nhưng người dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chưa bao giờ quên những cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn Bộ binh 3 - Sao Vàng đã dũng cảm, mưu trí, không tiếc máu xương vượt cửa tử vào giải phóng Vũng Tàu. Góp phần làm nên thắng lợi trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Cựu chiến binh Sư đoàn Bộ binh 3 - Sao Vàng bên Bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ hy sinh tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 1975.
Tháng Tư, nắng vàng như mật, chúng tôi về Bà Rịa - Vũng Tàu trong tâm thế phấn chấn hướng đến ngày 30 tháng Tư lịch sử, ngày thống nhất đất nước.
Bên cây cầu Cỏ May - cây cầu nối 2 thành phố Bà Rịa và Vũng Tàu, một cây cầu mới được thiết kế cách điệu mang hình dáng đôi cánh chim Hải Âu dang rộng hướng về biển lớn. Trong khung cảnh bận rộn tấp nập người, xe qua lại giữa 2 thành phố biển, chợt trong tôi liên tưởng đến những trận đánh công phá cánh cửa thép, mở đường vào giải phóng TP. Vũng Tàu của cán bộ, chiến sĩ quân đội ta ở những ngày cuối của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Ông Vương Minh Sơn, Trưởng Ban Liên lạc Sư đoàn 3 Sao Vàng tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trầm tư: 75 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong trận đánh cầu Cỏ May. Tất cả đều còn trẻ, nhiều người là con em ở các tỉnh ngoài miền Bắc, trong đó có tỉnh Thái Nguyên... Chưa đầy hai mươi tuổi, nhập ngũ với các khóa huấn luyện nhanh và được đưa về cảng Hải Phòng, xuống tàu vượt biển về cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) để bổ sung vào Sư đoàn. Rồi khẩn trương hành quân tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Cũng bên cây cầu vững chãi bắc qua dòng sông Cỏ May, câu chuyện về trận đánh ở nơi đây đã được những người lính năm xưa kể lại cho cháu con nghe bao lần. Nhưng luôn tươi mới, bởi đó là câu chuyện của những người trực tiếp cầm súng chiến đấu với khát vọng hòa bình, vì non sông Việt Nam vẹn toàn, nung nấu ý chí sẵn sàng “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.
Đó là những ngày cuối tháng Tư năm 1975, bộ đội ta đã đánh “thần tốc” làm chủ hầu hết các măt trận. Ngụy quân tháo chạy về Vũng Tàu rất đông. Để ngăn bước tiến mạnh mẽ như vũ bão của quan ta, chúng đánh sập cầu Cỏ May, đồng thời tổ chức một lực lượng được trang bị hỏa lực mạnh, tạo cánh cửa thép chốt giữ bên kia đầu cầu để khống chế không cho bộ đội vượt sông.
Cựu chiến binh Phạm Quang Lập (TP. Vũng Tàu), người chiến sĩ trực tiếp tham gia đánh trận cầu Cỏ May, kể: Cầu Cỏ May là nơi ta và địch giằng co quyết liệt, 2 bên đã “xả” xuống khu vực diễn ra trận đánh vô số đạn dược để uy hiếp đối phương với mục đích giành quyền kiểm soát. Bên ta liên tục tổ chức đánh vượt sông, phía Ngụy quyết liệt chốt giữ.
Nhiều lần đơn vị tổ chức vượt sông nhưng vì hỏa lực địch bắn quá rát làm nhiều cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Đến 3 giờ sáng 29-4, nước thủy triều dâng cao khiến địch phải lui sâu vào phía trong. Ngay khi đó 2 đại đội thuộc Tiểu đoàn 3 đã vượt sông chiếm được bãi sú.
Trời sáng, địch phát hiện, lập tức huy động xe tăng, xe bọc thép có lực lượng bộ binh theo sau đánh phản kích. Trận đánh diễn ra ác liệt, đạn 12 ly 7, đạn đại liên địch xối như vãi chấu. Cán bộ, chiến sĩ quyết bám chắc trận địa như rễ đước, rễ sú. Đánh quá trưa, mệt lả, người bê bết bùn đất, máu chiến sĩ bị thương vong loang đỏ sình bùn, hòa vào dòng nước sông Cỏ May.
Đánh trực diện để vượt sông hết sức khó khăn, nên Sư đoàn chuyển phương án tác chiến. Theo đó, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 12, được lệnh vượt qua eo biển Phước Tĩnh đổ bộ lên bãi cát phía đông, tổ chức đánh vu hồi từ hướng Cửa Lấp, vượt cầu Cháy tiêu diệt chốt phòng ngự Phước Thành, đánh chiếm điểm cao 31 và ấp Chí Linh, tràn đến tiêu diệt cụm quân địch ở trại nghỉ mát Thủy Vân.
Cùng lúc đó, Đại đội 2, Tiểu đoàn 6, bất ngờ đánh chiếm ấp Phước Thành bên trục đường số 15, cô lập bọn địch ở cầu Cỏ May với trung tâm thành phố.
Ông Sơn phấn chấn nói: Mũi chia cắt lợi hại này đã làm cho bọn địch chốt chặn ở cầu Cỏ May hoảng loạn. Khi bị lực lượng Trung đoàn 2 tổ chức tấn công, chúng tuyệt vọng bỏ trận địa tháo chạy… Cánh cửa thép được phá bỏ, bộ đội vượt sông Cỏ May, thần tốc đánh địch giải phóng TP. Vũng Tàu.

Cầu Cỏ May hiện nay.
Nơi cây cầu Cỏ May năm xưa bị Ngụy quân đánh sập, nay được xây dựng thay thế bằng cây cầu vững chãi vươn mình sang sông, với đôi cánh Hải Âu hướng về biển lớn. Bên cầu, nơi Ngụy quân thất thủ trở thành khuôn viên Đài tưởng niệm liệt sĩ cầu Cỏ May, trở thành địa chỉ đỏ về nguồn cho các thế hệ…
Hằng năm, vào các dịp lễ, Tết, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đều tổ chức dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ anh linh các Anh hùng liệt sĩ. Đặc biệt, vào các ngày 30-4 và ngày 27-7 hằng năm, các cựu chiến binh Sư đoàn 3 Bộ binh - Sao Vàng lại về đây gặp gỡ, tri ân động đội, cùng nắm tay kể chuyện xưa.