Vượt khó để thay đổi cuộc sống

HNN - Vợ chồng anh Lê Ka Rơn, chị Hồ Thị Ngữ, người dân tộc Pa Cô (ở thôn 4, xã Hồng Thủy, huyện A Lưới), từ nghèo khó đã bứt phá, trở thành hộ gia đình kinh tế vững chắc nhờ mạnh dạn và biết chọn mô hình phát triển kinh tế phù hợp.

 Chị Ngữ vợ anh Rơn chăm đàn vịt

Chị Ngữ vợ anh Rơn chăm đàn vịt

Khi dẫn chúng tôi đến nhà vợ chồng anh Lê Ka Rơn, chị Hồ Thị Ngữ, ông Hoàng Văn Dơi, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Thủy luôn miệng “tấm tắc” về đôi vợ chồng trẻ mạnh dạn, quyết đoán để “bỏ lại” cái nghèo từng đeo bám bao năm qua.

Sinh sống ở nông thôn, nơi mà người nông dân lấy công việc làm ruộng, làm rẫy để mưu sinh, thì ít ruộng nương như vợ chồng anh Rơn, chị Ngữ là một bất lợi lớn. Chỉ có mảnh rẫy trồng ngô nằm cheo leo trên sườn đồi, bấp bênh vì vụ được vụ mất, vợ chồng anh Rơn bán thêm vài món lặt vặt như bịch muối, gói mì, chai dầu… cho người dân quanh xóm. Thu nhập bấp bênh, đến việc lo đủ bữa ăn hằng ngày cho hai đứa con cũng là gánh nặng.

Sau nhiều đêm suy nghĩ, bàn bạc, thống nhất với vợ, anh Rơn quyết định vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thông qua “kênh” Hội Nông dân, với hướng phát triển chăn nuôi và mở rộng quán tạp hóa.

“Chạm ngõ” nhà anh Rơn, khi cái nắng đã đứng bóng, lúc này, anh vừa lùa đàn vịt vừa đi tắm ở suối trở về. Mặt đỏ au vì cháy nắng, mồ hôi ròng ròng, nhưng người đàn ông vẫn thoăn thoắt mở tấm lưới để đàn vịt chạy vào khu nuôi thả. Những con vịt lông trắng phau, thi nhau ùa xuống chiếc ao nhỏ xanh mát, dưới bóng cây.

“Mỗi ngày mình lùa vịt ra suối Cron tắm hai lần vào buổi sáng và buổi chiều. Ngoài suối có con tôm, con tép... là nguồn thức ăn tươi bổ sung cho đàn vịt. Nước suối lại mát lành, giúp đàn vịt nhanh lớn, thịt ngọt và thơm, đặc biệt là không có mùi hôi đặc trưng của vịt. Nhờ vậy, ai ăn vịt nhà mình một lần là thích, rồi quay lại đặt mua hoài”, đưa tay quẹt những giọt mồ hôi chảy dài trên mặt, anh Ka Rơn chia sẻ với nụ cười hiền.

Từ chuồng trại phía sau nhà, đàn gà cũng bắt đầu đòi ăn. Rời tiệm tạp hóa, chị Ngữ vội phụ chồng lấy thức ăn cho vịt, thay nước cho gà. Chị vui vẻ kể, mỗi năm vợ chồng chị thả ba lứa gà vịt, gối đầu nhau để quanh năm lúc nào cũng ổn định thu nhập. “Mỗi lứa tầm hai trăm con vịt, một trăm con gà. “Mình nuôi gà, vịt chủ yếu bằng hạt ngô, bả sắn, không chất tăng trọng nên thịt ngọt thơm, da giòn; có con nặng hơn 3kg. Với giá bán 100 nghìn một kg, tính ra mỗi năm cũng ngót nghét cũng thu về hơn 100 triệu đồng”.

Từ ngày chuyển hướng sang chăn nuôi, ngoài tận dụng rẫy ngô sẵn có của gia đình, vợ chồng anh Rơn, chị Ngữ còn thu mua thêm ngô từ người dân trong thôn để làm thức ăn cho đàn gà, đàn vịt. Từ mô hình đơn giản, họ dần mở rộng quy mô, kết hợp với việc kinh doanh nhỏ, tạo nên nguồn thu nhập kép.

Chị Ngữ kể, giờ nhà có thêm 2 con bò sinh sản đang thả trên đồi cỏ phía sau làng, hứa hẹn sẽ có thêm bò con để phát triển đàn. Mỗi ngày, vợ chồng tất bật với quán tạp hóa, chăm gà, vịt, làm cỏ, vun gốc cho rẫy ngô. Anh Rơn bộc bạch, thấy vui trong bụng, khi không để chút thời gian nào bị lãng phí.

Vợ chồng Lê Ka Rơn, Hồ Thị Ngữ đã vượt qua cái đói, cái nghèo, vươn lên khá giả nhờ dám nghĩ, dám làm, là điển hình của sự vượt khó; lan tỏa tinh thần lao động, tạo động lực cho bà con trong thôn, trong xã cố gắng phát triển kinh tế, vươn lên cuộc sống tốt đẹp hơn” - ông Hoàng Tô Ni San, Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy nói.

Bài, ảnh: NGỌC HÀ - QUỲNH ANH

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/vuot-kho-de-thay-doi-cuoc-song-153732.html