Vượt khó khăn, doanh nghiệp Việt hướng đến năm 2025 đầy triển vọng

Năm 2024, doanh nghiệp Việt Nam đã phải đối mặt với một loạt các thách thức lớn, từ suy thoái kinh tế, lạm phát tăng cao đến cạnh tranh khốc liệt trên thị trường trong và ngoài nước. Điều này đã đặt ra những yêu cầu cao hơn về khả năng thích ứng và đổi mới của doanh nghiệp.

Chia sẻ với KTSG Online, ông Trần Lâm, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Natural House, cho hay môi trường kinh doanh trở nên cạnh tranh khốc liệt hơn rất nhiều, đặc biệt là trên các sàn thương mại điện tử. Sự gia tăng của hàng hóa Trung Quốc và xu hướng mua sắm trực tuyến đã làm khó khăn thêm cho hoạt động kinh doanh truyền thống.

Để vượt khó, công ty Natural House đã tập trung đầu tư mạnh vào việc xây dựng vùng nguyên liệu và nhà máy sản xuất thay vì tối ưu hóa năng lực bán hàng như những năm trước. Điều này giúp doanh nghiệp đảm bảo được nguồn cung ổn định, nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Tương tự, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group, chia sẻ sau đại dịch, mọi người đều nghĩ rằng tất cả khó khăn đã qua. Thế nhưng thực tế, doanh nghiệp và nền kinh tế còn phải đối mặt với nhiều vấn đề như biến đổi khí hậu, chiến tranh, đặc biệt là an ninh lương thực.

Trước tình hình đó, Phúc Sinh Group đã nhanh chóng tìm cách mở rộng thị trường, ổn định giá, lên kế hoạch ngắn và dài hạn. Nhờ đó, công ty đã đạt được những kết quả khả quan, với doanh số xuất khẩu trong năm 2024 đạt gần 320 triệu đô la Mỹ, mở rộng thị trường ra 102 quốc gia.

Bước sang năm 2025, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp nhận định, tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều biến động, với những yếu tố như lạm phát, xung đột địa chính trị và biến đổi khí hậu. Vì vậy, việc điều chỉnh chính sách của các quốc gia, như việc Mỹ có thể tăng thuế quan, cũng tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là đối với các ngành hàng xuất khẩu.

Theo bà Nguyễn Thị Việt Hòa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Dây Sợi Rồng Á Châu, việc Mỹ áp thuế cao lên hàng hóa Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến Việt Nam nếu không xác nhận được nguồn gốc hàng hóa.

Cũng cùng ý kiến trên, ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jeans, chia sẻ các chính sách thương mại của Mỹ có thể mang tới những tác động sâu rộng đến các ngành hàng, điển hình là ngành may mặc.

"Các chính sách của Mỹ ảnh hưởng rất lớn đến các thị trường thế giới và đặc biệt là trong ngành dệt may của chúng tôi. Hiện nay, chúng ta đang bị áp thuế ở mức 16,2% nhưng trong tương lai có thể tăng từ 10-20%", ông nói.

Để đối phó với những thách thức này, nhiều doanh nghiệp đang xây dựng các kế hoạch dự phòng, tăng cường hợp tác với đối tác trong chuỗi cung ứng và tìm kiếm các thị trường mới.

Dù có nhiều thách thức đang hiện hữu, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn lạc quan và đặt ra những mục tiêu tăng trưởng cao hơn cho năm 2025 với những chiến lược rõ ràng và bền vững.

Ông Bùi Lê Anh Hiếu, Giám đốc Tiếp thị Kinh doanh Công ty Cổ phần Long Hậu, chia sẻ công ty hiện có 240 khách hàng và sẽ nâng lên con số này lên 300 trong năm 2025 để tạo thành một cộng đồng doanh nghiệp có thể củng cố với nhau trong chuỗi cung ứng tốt hơn.

Để đạt được mục tiêu trên, công ty sẽ tập trung vào việc phát triển các sản phẩm bất động sản công nghiệp mới như nhà xưởng cao tầng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Cùng với đó, Long Hậu cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện khu công nghiệp Đức Hòa III - Slico.

Theo ông, chiến lược China Plus One (chiến lược giảm phụ thuộc vào Trung Quốc) đang được các doanh nghiệp đa quốc gia điều chỉnh thành Local for Local (mô hình sản xuất kinh doanh tại chỗ) và Local for Global (mô hình sản xuất tại chỗ, kinh doanh toàn cầu), đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ vừa duy trì sản xuất tại Trung Quốc để phục vụ thị trường nội địa, vừa tìm kiếm các địa điểm mới như Việt Nam để phục vụ thị trường toàn cầu. Đây sẽ là cơ hội mới để Việt Nam thu hút dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển này.

Ngành du lịch cũng được kỳ vọng là lĩnh vực bứt phá. Ông Nguyễn Khoa Luân, Tổng giám đốc Công ty Ảnh Việt Hop On Hop Off Việt Nam, cho biết với những chính sách hỗ trợ và tiềm năng lớn của thị trường, du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ.

Hiện tại, công ty Ảnh Việt đã có hơn 45 sản phẩm, trong thời gian tới, doanh nghiệp này sẽ tiếp tục đầu tư vào việc phát triển các tour kết hợp nhiều điểm đến hấp dẫn như Hà Nội - Hạ Long - Sa Pa, TPHCM - Đà Lạt - Nha Trang.

Nhiều doanh nhân cũng cho hay, xu hướng phát triển bền vững đang trở thành tiêu chuẩn mới cho các doanh nghiệp. Việc đầu tư vào phát triển bền vững không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn mang lại lợi ích kinh tế lâu dài cho các doanh nghiệp.

Ông Thông của Phúc Sinh Group, chia sẻ công ty đã tích cực triển khai các dự án phát triển bền vững trong suốt 14 năm qua. Xu hướng phát triển bền vững trên toàn cầu ngày càng được quan tâm hơn. Việc tuân thủ các tiêu chuẩn phát triển bền vững sẽ là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp có thể thâm nhập vào thị trường quốc tế.

Tương tự, ông Việt của Việt Thắng Jeans cũng cho biết sẽ có nhiều nỗ lực để thích ứng với tình hình mới. Bên cạnh duy trì tăng trưởng, công ty cũng đang tập trung xây dựng một chuỗi cung ứng bền vững và phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường. Cùng với đó là đầu tư vào các kênh bán hàng trực tuyến và tận dụng dữ liệu khách hàng để cải thiện chất lượng dịch vụ.

Gia Nghi

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/vuot-kho-khan-doanh-nghiep-viet-huong-den-nam-2025-day-trien-vong/