Vượt lên… khuyết tật

Vượt qua trở ngại khiếm khuyết, những người khuyết tật trên địa bàn huyện Diên Khánh (tỉnh Khánh Hòa) đã nỗ lực từng ngày để khẳng định giá trị của bản thân, vươn lên trong cuộc sống, tự tin hòa nhập cộng đồng. Song hành với họ là sự hỗ trợ, tiếp sức từ các chính sách của Đảng, Nhà nước, địa phương và các hội, đoàn thể...

Chịu khó chăm sóc, mỗi lứa gà bà Thủy cũng kiếm được vài chục triệu để lo cho con ăn học và trang trải cuộc sống

Chịu khó chăm sóc, mỗi lứa gà bà Thủy cũng kiếm được vài chục triệu để lo cho con ăn học và trang trải cuộc sống

Tàn nhưng không phế

7 giờ sáng, anh Nguyễn Xuân Huy (thôn Trung 1, xã Diên Điền) đã ngồi vào bàn đục đẽo, tạo hoa văn trên những khúc gỗ thô kệch.

Tiếng đục lách cách ấy đã khá quen thuộc với người dân nơi đây gần 20 năm qua.

Nở nụ cười tươi, anh Huy chia sẻ: “Nhờ có cái nghề chạm khắc gỗ mà tôi có điều kiện lo cho cuộc sống gia đình, tự tin hòa nhập với cộng đồng”.

Anh cho biết, lúc lên 3 tuổi, cơn sốt bại liệt đã lấy đi đôi chân lành lặn của anh. Càng ngày, đôi chân cứ teo lại và không thể bước đi được.

Vì khiếm khuyết, anh sống thu mình, không giao tiếp với bạn bè cùng trang lứa. Sau nhiều năm bố mẹ và người thân động viên, bản thân anh dần thấu hiểu, chấp nhận với số phận và chọn đi học nghề mộc mỹ nghệ.

Cần cù, chăm chỉ trong học tập, chỉ sau 3 năm anh trở về mở cơ sở mộc và nhận hàng về gia công. Với nghị lực vươn lên, cùng sự động viên, hỗ trợ của gia đình, địa phương, các hội, đoàn thể, giờ đây anh Huy đã chứng minh được mình tàn nhưng không phế.

Tự tin trong cuộc sống, anh tham gia sinh hoạt trong Hội người khuyết tật huyện Diên Khánh và bén duyên, lập gia đình với chị Đỗ Thị Xuân Nhàng - một người cùng cảnh ngộ.

Nhờ có nghề chạm khắc gỗ mà anh Huy có điều kiện lo cho cuộc sống gia đình, tự tin hòa nhập với cộng đồng

Nhờ có nghề chạm khắc gỗ mà anh Huy có điều kiện lo cho cuộc sống gia đình, tự tin hòa nhập với cộng đồng

Băng qua con đường quanh co, chúng tôi đến thăm gia đình bà Hồ Thị Bích Thủy (thôn Đông 3, xã Diên Điền) khi bà đang băm rau, trộn cám cho đàn gà ăn.

Đôi chân tập tễnh bước đi nhờ cây nạng, bà Thủy dẫn chúng tôi ra khu chuồng trại rộng hơn 100m2, khoe với chúng tôi về lứa gà hơn 100 con sắp đến ngày xuất bán.

Ánh mắt rạng rỡ, bà nói: “Lứa này, tôi chăm khoảng 1 tháng nữa là xuất bán được rồi. Nhìn con nào con nấy khỏe mạnh, lớn từng ngày là tôi vui lắm. Mình bị tàn tật, không có việc làm, nhờ được học nghề nuôi gà nên mới có kiến thức, kinh nghiệm nuôi cũng được 5 năm rồi. Chịu khó chăm sóc, mỗi lứa cũng kiếm được vài chục triệu để lo cho con ăn học và trang trải cuộc sống”.

Bà Thủy bị sốt bại liệt từ khi 2 tuổi dẫn đến teo, khuyết tật chân trái. Để không trở thành gánh nặng của gia đình, bà Thủy đi học nghề may, nhưng vì khách hàng ít nên bà đành gác lại công việc.

Khi địa phương phối hợp với Cơ sở dạy nghề mở lớp đào tạo nuôi gà, bà Thủy đăng ký theo học 3 tháng rồi vay vốn đầu tư chuồng trại chăn nuôi. Dù chân không lành lặn, nhưng bù lại, bà luôn tràn đầy nghị lực sống và thành công với nghề nuôi gà.

Ngược lên xã Diên Sơn, chúng tôi ghé thăm cơ sở sửa chữa đồ điện tử của anh Võ Ngọc Châu. Trong căn nhà rộng hơn 100m2, anh Châu đang cặm cụi sửa những chiếc tivi, đầu máy, loa, nồi cơm điện...

“Dạo này việc nhiều nên nhà cửa bề bộn, chưa dọn được nên mọi người thông cảm. Cũng nhờ cái nghề này mà giúp tôi mỗi ngày kiếm được 500 - 700 ngàn đồng để lo cho gia đình”, anh Châu nói.

Với tay nghề tốt, uy tin, chất lượng, giá cả hợp lý, cơ sở của anh Châu ngày càng có nhiều khách tìm đến sửa chữa

Với tay nghề tốt, uy tin, chất lượng, giá cả hợp lý, cơ sở của anh Châu ngày càng có nhiều khách tìm đến sửa chữa

Qua tìm hiểu được biết, hồi lên 3 tuổi, anh Châu bị sốt bại liệt dẫn đến 2 chân bị teo, không thể đi lại được. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, học hết lớp 9, anh xin bố mẹ cho đi học nghề sửa chữa điện tử tại một cơ sở ở Nha Trang. Sau 3 năm học, anh trở về nhà mở tiệm sửa chữa đồ điện tử. Với tay nghề tốt, uy tin, chất lượng, giá cả hợp lý, cơ sở của anh ngày càng có nhiều khách tìm đến…

Điểm tựa vươn lên

Với những người khuyết tật chúng tôi gặp, ẩn trong thân hình khiếm khuyết của họ là sức mạnh của ý chí, nghị lực vươn lên mạnh mẽ. Vượt qua khó khăn, họ đã vươn lên làm chủ cuộc sống và tiếp sức, gieo niềm tin, động lực, hy vọng, trở thành những tấm gương sáng để nhiều người noi theo.

Có được sự thành công đó, một phần nhờ sự giúp đỡ, hỗ trợ của các cấp, ngành, địa phương, đặc biệt là Hội Người khuyết tật huyện Diên Khánh trong nhiều năm qua.

Thành lập vào năm 2013, Hội Người khuyết tật huyện Diên Khánh đã thực sự trở thành điểm tựa vững chắc về tinh thần, nghị lực vươn lên cho hơn 160 người khuyết tật trên địa bàn.

Với trách nhiệm của những người cùng cảnh ngộ, Ban Chấp hành Hội đã tích cực, khéo léo vận động, kết nối với các tổ chức từ thiện trong và ngoài nước triển khai nhiều dự án về hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe, sinh kế, vốn, máy móc thiết bị… cho hội viên.

Đặc biệt trong những năm qua, Hội đã phối hợp với các Cơ sở giáo dục nghề nghiệp mở lớp đào tạo nghề cho hội viên. Đồng thời, thông qua nguồn kinh phí vận động, mỗi năm được từ 300 triệu đến gần 1 tỷ đồng để hỗ trợ vốn cho hội viên đầu tư, ứng dụng kiến thức đã học vào phát triển kinh tế, vươn lên tự chủ cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Bên cạnh đó, Hội còn thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, giao lưu với người khuyết tật trong và ngoài tỉnh. Mỗi hội viên khi bị ốm đau, hoạn nạn đều được Hội tổ chức thăm hỏi, động viên kịp thời.

Hội Người khuyết tật huyện Diên Khánh thực sự trở thành điểm tựa vững chắc về tinh thần, tiếp nghị lực vươn lên cho người khuyết tật trên địa bàn

Hội Người khuyết tật huyện Diên Khánh thực sự trở thành điểm tựa vững chắc về tinh thần, tiếp nghị lực vươn lên cho người khuyết tật trên địa bàn

Ông Đinh Công Thạnh - Chủ tịch Hội Người khuyết tật Diên Khánh chia sẻ: “Mỗi hội viên khi tham gia sinh hoạt đều được Hội giúp đỡ và dần xóa nhòa đi sự mặc cảm, tự ti. Sau một thời gian, ai cũng trở nên tự tin, có việc làm để tạo thu nhập, sống hòa nhập với cộng đồng”.

Không chỉ kết nối các nhà hảo tâm hỗ trợ về sinh kế, vốn, xe lăn, xe lắc, chân tay giả… Hội cũng là điểm kết duyên vợ chồng cho 10 hội viên. Cuộc sống của những cặp vợ chồng được Hội kết duyên đều sống hạnh phúc, nương tựa, giúp đỡ nhau trong cuộc sống gia đình, sinh con lành lặn, chăm ngoan, học giỏi.

Tuy nhiên, một số ngành nghề như: May mặc, làm ốc mỹ nghệ, đũa tre… hoạt động kém hiệu quả do tay nghề của hội viên còn yếu, sản phẩm làm thủ công kém tinh xảo nên chưa được khách hàng ưa chuộng; vì vậy, một số hội viên hoạt động cầm chừng, nhiều hội viên thậm chí đã bỏ nghề.

Do đó, Hội rất mong được các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề, đầu tư máy móc và giới thiệu đầu ra cho sản phẩm.

Cùng với đó, Hội Người khuyết tật huyện hoàn toàn không có kinh phí để hoạt động. Vì vậy, Hội rất mong được chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân tiếp tục quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ cho Hội hoạt động ngày càng hiệu quả hơn nữa…

Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh có gần 27.000 người khuyết tật, trong đó có 24.339 người đang được hưởng trợ cấp hàng tháng.

Trong những năm qua, tỉnh Khánh Hòa đã triển khai đồng bộ, kịp thời các chính sách trợ giúp xã hội dành cho người khuyết tật. Mức hỗ trợ được tỉnh điều chỉnh cao hơn mức quy định của Trung ương đã phần nào tạo điều kiện cho người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề cho người khuyết tật cũng được tỉnh hỗ trợ tổ chức đào tạo cho khoảng 100 người/năm...

HOA PHONG LỮ

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/doi-song/vuot-len-khuyet-tat-136311.html