Vượt lên những tâm tư, bùi ngùi...
Trong công cuộc tinh gọn bộ máy, quyền và lợi ích của nhiều cá nhân bị ảnh hưởng, có thể từ cấp trưởng xuống cấp phó, từ cấp bộ trưởng xuống thứ trưởng, tổng cục trưởng xuống cục trưởng hay giải quyết việc nghỉ hưu trước thời hạn... Thực tế đó nảy sinh những tâm tư, bùi ngùi, những luyến tiếc về 'thời oanh liệt' là không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên, cuộc cách mạng nào cũng phải chấp nhận những thách thức, khó khăn và điều quan trọng chính là sự hi sinh lợi ích của cá nhân, vượt lên chính mình, vì lợi ích chung của quốc gia, đất nước.
Tâm lý cuộc sống, khi mình được thăng chức, tiến cao, ai cũng hào hứng; ngược lại, nếu bị "teo tóp", phải hạ cấp, xuống chức hay buộc phải nghỉ trước thời hạn hẳn sẽ gây nhiều tâm tư, bùi ngùi. Chả thế mà trước đây, nhiều bộ, ngành khi bàn chuyện tách cục này, cục kia, rồi nâng cấp từ tổng cục lên bộ, nâng từ cục lên tổng cục, nâng cấp phòng lên cấp cục thì ai cũng hoan hỉ, đồng tình. Nhiều nơi cũng tổ chức hội thảo, tọa đàm, đưa nhiều lý lẽ và cơ sở thực tiễn để chứng minh rằng, việc nâng cấp cơ quan của họ lên cấp bộ hay tổng cục là cấp thiết, là quan trọng.
Trong bối cảnh đó, nhiều tổng cục đã ra đời, cái nhìn thấy trước mắt là một người hôm qua mới ngồi ghế cục trưởng, hôm sau đã "nở" thành tổng cục trưởng; cùng với đó lập ra các vụ, cục và những vị trưởng phòng, phó phòng sau "một đêm thức giấc", ai nấy đều hồ hởi khi trở thành cục trưởng, cục phó...
Cấp càng cao, chế độ càng nhiều, vị thế càng oai hơn, hoành tráng hơn. Rồi thì "đẻ" ra hàng loạt cấp trung gian là các vụ, cục, tuyển thêm nhân sự, những tưởng như thế mới đủ nhân lực, bộ máy để lãnh đạo, quản lý. Kỳ thực, việc "phình nở" các cấp trong bộ máy hành chính giống như cỗ xe càng cồng kềnh, tiêu tốn ngân sách và phát sinh thêm các nhũng nhiễu, tiêu cực. Có người bảo, thực ra khi bộ máy phình lên thì người ta mới chỉ có thể đo đếm số nhân sự tăng lên, cùng với đó là ngân sách chi cho họ. Tuy nhiên, có những thứ tiêu cực mà không thể đo đếm được. Giả sử một đơn vị cấp vụ, cục với quy mô chỉ dăm phòng, nhân sự gọn, nếu một bộ phận trong đó họ nhũng nhiễu, tham ô, nhận hối lộ thì mức độ tiêu cực và thiệt hại hiển nhiên sẽ bé hơn nhiều so với bộ máy đó khi phình ra thành tổng cục hay cơ quan ngang bộ với dàn lãnh đạo nhiều tầng nấc.
Qua các vụ án cũng như kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương thời gian qua cho thấy, sự nhũng nhiễu, tham ô biến của công thành của tư ở nhiều nơi mang tính hệ thống, liên quan nhiều cán bộ lãnh đạo các thời kỳ khác nhau. Với cán bộ đó, bộ máy đó nếu phình ra, rõ ràng sự tổn hại không chỉ ở ngân sách, tài chính nhà nước mà còn gây hệ lụy khó lường đối với đời sống xã hội, trực tiếp là các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chịu sự quản lý, điều phối của họ.
Nhiều người cũng băn khoăn, sau sáp nhập, tinh giản, liệu đang từ cấp trưởng xuống cấp phó thì thế nào, hay từ lãnh đạo tổng cục xuống lãnh đạo cục hoặc cũng có thể phải nghỉ hưu trước thời hạn. Tất cả suy cho cùng là lợi ích và địa vị cá nhân, những thiệt thòi so với trước rõ ràng giảm đi trông thấy. Cũng có những đơn vị tồn tại hàng chục năm, qua nhiều giai đoạn cách mạng, nay bị thay đổi hay sáp nhập về đơn vị khác, không còn "lãnh địa riêng" nữa, tất nảy sinh những tâm tư, bùi ngùi, sự luyến tiếc về những gì mình đã gắn bó, cống hiến. Tuy nhiên, điều quan trọng là mỗi người trong cuộc phải ổn định tâm lý để nhìn ra toàn cục. Chúng ta thấy rằng, trong công cuộc tinh giản này, có những lĩnh vực có phạm vi quản lý khá rộng và qua các giai đoạn đều có những thay đổi, nay khi kiên quyết tinh gọn thì sẽ thành công. Điển hình như lĩnh vực du lịch và thể dục, thể thao.
Ngày 27/6/1978, Tổng cục Du lịch được thành lập trực thuộc Hội đồng Chính phủ theo quyết nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ngày 12/8/1991, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII đã thông qua nghị quyết sáp nhập Tổng cục Du lịch vào Bộ Thương mại và Du lịch. Ngày 26/10/1992, Chính phủ ra Nghị định số 05-CP thành lập Tổng cục Du lịch là cơ quan thuộc Chính phủ. Từ 31/7/2007 đến nay, Tổng cục Du lịch được sáp nhập vào Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL).
Trong sự phát triển của Tổng cục Du lịch, có thời kỳ từng được đề xuất nâng lên cấp bộ với lý do đây là ngành "công nghiệp không khói", đem lại nguồn thu, lợi nhuận lớn cho ngân sách và xã hội. Tuy nhiên, việc tinh gọn bộ máy, bãi bỏ cấp tổng cục là một xu thế khách quan. Nghị định 01/2023/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ VH-TT&DL được Thủ tướng ký ngày 16/1/2023 quy định Cục Du lịch quốc gia thay cho Tổng cục Du lịch.
Cùng với đó, mô hình Tổng cục Thể dục Thể thao (TDTT) được chuyển đổi thành cấp Cục TDTT. Cơ quan Cục TDTT chính thức đảm nhiệm vai trò quản lí lĩnh vực này cho Bộ VH-TT&DL từ ngày 1/7/2023.
Nhìn lại lịch sử hình thành, phát triển thì mô hình tổ chức của ngành TDTT cũng thay đổi nhiều lần. Sau khi đất nước thống nhất năm 1975, Tổng cục TDTT từ cơ quan quản lý nhà nước trên miền Bắc trở thành cơ quan lãnh đạo TDTT trên toàn quốc. Từ tháng 3/1990 đến tháng 10/1992, Cục TDTT lại đưa về là một trong các đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch. Tổng cục TDTT được thành lập lại trong giai đoạn từ tháng 10/1992 đến tháng 9/1997. Từ tháng 9/1997 đến tháng 8/2007, Tổng cục TDTT đã chuyển thành Ủy ban TDTT (cơ quan ngang bộ). Từ tháng 8/2007, Ủy ban TDTT được sáp nhập vào bộ và sau đó thành Tổng cục TDTT trực thuộc Bộ VH-TT&DL từ tháng 3/2008. Và nay, Tổng cục TDTT chuyển thành cấp cục.
Như vậy, mô hình TDTT biến đổi từ cấp cục lên tổng cục, rồi thành cơ quan ngang bộ, nay lại trở về với thuở ban đầu là cấp cục. Khi hạ xuống cấp cục, có ý kiến cho rằng, thể thao là một lĩnh vực có nhiều công việc cần giải quyết nên với mô hình là Cục TDTT thì bé quá, người làm thể thao sẽ gặp nhiều khó khăn trong triển khai, phối hợp công tác với các ngành, địa phương. Khi thảo luận, sự nuối tiếc quá khứ (cấp ủy ban, cơ quan ngang bộ) là tâm trạng khó tránh khỏi. Trong các văn bản kiến nghị gửi Bộ VH-TT&DL từ năm 2019 đến nay, Tổng cục TDTT từng nhiều lần khẳng định việc duy trì mô hình tổng cục như hiện nay là phù hợp với sự phát triển của thể thao Việt Nam, hội nhập quốc tế...
Tuy nhiên, cần thấy rằng, việc phối hợp hiệu quả hay không đâu phụ thuộc vào chiếc ghế mà người điều hành ngồi bởi ghế to mà năng lực không tương xứng, lại giao chuyển cho các đơn vị "nghiên cứu, phối hợp" thì việc đơn giản cũng hóa lòng vòng, nhiêu khê. Cái chính là việc đề cao trách nhiệm, khi được giao rõ người, rõ việc thì không phải chờ đợi hay đùn đẩy sang cấp nào khác. Thực tế cho thấy, các bộ máy khi nâng lên tổng cục thì những vị lãnh đạo tại đây chỉ ký chuyển xuống các vụ, cục, một việc nhưng giao cho nhiều đầu mối, rốt cuộc văn bản chuyển lòng vòng qua nhiều tầng nấc.
Như vậy, việc tinh gọn bộ máy thì không nên tâm tư việc mình mặc áo rộng cỡ nào bởi áo rộng hơn người cũng là một khuyết điểm mà nhiều khi người mặc không nhận ra được, chỉ người ngoài nhìn vào mới thấy. Rõ ràng, việc sắp xếp bộ máy hành chính là phải trên cách nhìn toàn cục, vì lợi ích quốc gia, xã hội. Một bộ máy nhà nước phát triển thì không thể cồng kềnh như cỗ xe, cứ xe này kéo xe khác. Bộ máy cồng kềnh thì chỉ những người ngồi trên cỗ máy đó hưởng lợi vì dù nhanh hay chậm, họ cũng được kéo đi còn cái hại là làm chậm và nghẽn cả lộ trình, khiến những người đóng thuế nuôi cỗ xe càng thêm vất vả. Chưa kể, khi những người ngồi trên cỗ xe cồng kềnh ấy, vì quá đông, quá nhiều tầng nấc nên rất dễ việc họ lợi dụng các vị trí để "tháo vít, hút dầu" trục lợi cá nhân, làm tình trạng tham nhũng, quan liêu càng thêm trầm trọng.
Một điểm nữa, khi sắp xếp, sáp nhập, việc giải quyết chế độ, chính sách ra sao cho ổn thỏa, có tính động viên, nhân văn là vấn đề lớn. Được biết, hiện Bộ Nội vụ đã hoàn thành dự thảo nghị định về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng trong sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Dự thảo nghị định này đưa ra quan điểm và nguyên tắc rất quan trọng, tinh thần của chính sách là nhân văn, công bằng, bảo đảm tương quan hợp lý giữa các đối tượng nhằm ổn định cuộc sống, bảo đảm quyền, lợi ích cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để "không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy". Tập trung ưu tiên đặc biệt, nổi trội để khuyến khích các đối tượng nghỉ ngay và nghỉ trong 12 tháng kể từ khi cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện sắp xếp theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Về vấn đề này, tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2024, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu Ban Tổ chức Trung ương, Ban Cán sự Đảng Chính phủ sớm báo cáo Bộ Chính trị cho chủ trương về chế độ, chính sách đối với cán bộ khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. Tổng Bí thư lưu ý, phải làm tốt công tác tham mưu, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ.
Theo Tổng Bí thư, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị là vấn đề khó, thậm chí là rất khó. Khi tiến hành tinh gọn bộ máy sẽ liên quan đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, lợi ích của một số cá nhân, tổ chức. Do vậy, công tác này cần phải được tiến hành khách quan, thận trọng, dân chủ, khoa học, bài bản. Ban Tổ chức Trung ương nói riêng, ngành tổ chức xây dựng Đảng nói chung phải phát huy cao độ vai trò tham mưu để triển khai nhiệm vụ này.
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/vuot-len-nhung-tam-tu-bui-ngui--i754433/