Vượt nghìn trùng dương đến vùng cao sương trắng
Cách đây hơn 1 thế kỷ, vượt qua nghìn dặm trùng dương từ Tây Âu lạnh lẽo, những hạt mầm tìm thấy khí hậu phù hợp nơi vùng cao sương trắng, để rồi dưới sự chăm bón, thuần hóa từ đôi tay của con người, sự ưu đãi của thiên nhiên, những loại cây 'ngoại quốc' bén rễ, đâm chồi và cứ thế sinh sôi tại vùng đất Sa Pa.
Đã ở độ tuổi “thất thập cổ lai hy”, đều đặn mỗi ngày, ông Đỗ Minh Ngọc ở tổ 6, phường Sa Pa (thị xã Sa Pa) ra vườn chăm sóc rau. Cuối năm, trời lạnh sâu, sương trắng phủ kín các sườn đất dốc, những mầm su su thiếu nắng ngả sang màu vàng nhạt. Trong tiết trời ảm đạm ấy, những luống rau ô dây vẫn bền bỉ với màu xanh mướt mắt ngay cả khi không cần bất cứ sự che chắn, bảo vệ nào.
Ông Ngọc lý giải, đây là loại rau đặc hữu của Sa Pa, có vị chua nhẹ, thường được làm rau gia vị ăn kèm các món chính, trộn gỏi, ăn sống. Nổi tiếng ở Sa Pa là thế nhưng ít ai biết loại rau này có nguồn gốc từ Pháp. Vì có nguồn gốc từ xứ lạnh nên rau chịu lạnh rất tốt, thậm chí có băng tuyết, rau vẫn sống khỏe.
Ô dây là tên đọc phiên âm từ Sorrel trong tiếng Pháp (cây có tên khoa học là Rumex acetosa), lá xanh mềm, dài khoảng 20 cm, hương chanh, vị chua, giàu dinh dưỡng, đặc biệt là axit oxalic. Trong ẩm thực Pháp, loại rau này thường được trộn với các loại rau khác để làm salad hoặc tạo vị cho món súp, nước sốt, đặc biệt là các món từ cá. Tại Việt Nam, rau Sorrel còn gọi là rau lá chua, rau chua…
Nói về nguồn gốc của loại cây này, ông Ngọc trầm ngâm: Mẹ tôi năm nay ngoài 100 tuổi, đã gắn bó với Sa Pa gần một thế kỷ. Gia đình tôi nhiều đời nay làm nông nghiệp, loại rau này đã gắn bó với chúng tôi bằng ấy thời gian. Theo lời những người cao tuổi thế hệ trước kể lại thì người phương Tây thích ăn salad, nên loại rau này được người Pháp mang đến trồng tại Sa Pa để sử dụng. Sau này, nhiều người dân nhân giống bằng cách tách chồi từ các bụi cây gốc, từ đó trở nên phổ biến, dẫn đến sự lầm tưởng đây là một giống cây bản địa của Sa Pa.
Có lẽ cũng vì lý do thèm nhớ nền ẩm thực Tây phương mà nhiều giống cây khác cũng theo chân người Pháp tới Việt Nam. Trong tiết trời se se lạnh, một người Pháp nào đó nhớ đến hương vị rượu vang nổi tiếng của quê hương, thay vì lích kích mang theo những chai vang được ủ từ Pháp, họ đã mang theo giống nho chuyên dùng để ủ rượu đến trồng tại Việt Nam. Như một cuộc “du hành” thú vị, nho được trồng thử tại nhiều nơi nhưng chỉ có thể ra hoa, sai quả tại Sa Pa lạnh giá. Người Pháp cũng dùng loại nho đó để ủ nên loại rượu vang trứ danh, uống thay những bát rượu ngô, rượu thóc cay nồng của người dân bản địa. Những chùm nho khi chín chuyển màu tím thẫm được người Sa Pa gọi là nho đen. Ngày nay, nho đen có mặt tại trung tâm thị xã Sa Pa và trồng dọc khu vực đèo Ô Quý Hồ. Ở những khu vực thấp hơn, khí hậu ấm áp, nho không đậu quả.
Nếu như rau ô dây hoặc nho đen thường được gặp ở Sa Pa như một loại cây bản địa thì hoa hồng cổ có “độ phủ” rộng hơn khi thích hợp với khí hậu tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Gọi là hồng cổ Sa Pa bởi loại hoa hồng này được giới chơi hoa “tìm thấy” ở Sa Pa và Sa Pa cũng được coi là “thiên đường” của loài hoa này. Thế nhưng, loài hoa có tên “rất nội” này lại là một giống hồng ngoại khi có nguồn gốc từ đất Pháp xa xôi. Dù có thể phù hợp với khí hậu của nhiều tỉnh, thành trong cả nước và được giới chơi hoa hồng săn lùng, chăm sóc công phu nhưng khi được trồng ở Sa Pa, loài hoa này như được “về nhà”, ra hoa quanh năm, cánh to, bền, form đẹp, gần như không bị sâu bệnh.
Ông Trần Mạnh Hùng, Trưởng Phòng Kinh tế huyện Sa Pa cho biết: Tìm hiểu kỹ hơn một chút thì hồng cổ Sa Pa còn được gọi là giống hồng Pháp bốn mùa. Ngoài giống hồng cổ thân gỗ, hoa có màu hồng thì Sa Pa còn có giống hồng leo bạch, có màu phớt vàng cũng là hồng Pháp, từng được người Pháp trồng quanh các biệt thự thời xa xưa. Cả giống hoa lay ơn nhiều màu hiện vẫn thấy mọc hoang tại các triền đồi ở Sa Pa, đây cũng là loại hoa có nguồn gốc từ Pháp. Bỏ qua yếu tố về chính trị trong lịch sử thì các loại cây này đã có một hành trình dài để đến và gắn bó với Sa Pa…
Ông Hùng là người sinh sống tại Sa Pa từ nhỏ và cũng có nhiều năm gắn bó với ngành nông nghiệp của vùng đất quanh năm sương trắng. Theo ông Hùng, một số loại cây có nguồn gốc từ Pháp “bén duyên” với Sa Pa đã góp phần làm phong phú thêm các loại cây trồng của địa phương. Một số loại cây đã được nghiên cứu khoa học, thử nghiệm, chọn tạo để tạo ra giống cây trồng có giá trị kinh tế như cây đào Pháp chín sớm đã được nghiên cứu, nhân giống và trồng rộng rãi tại Sa Pa và Bắc Hà. Cùng với đó, một số loài rau, quả, hoa… được “thuần hóa”, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương và tạo nên sắc màu riêng, độc đáo cho Sa Pa thêm huyền bí, thú vị.
Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/vuot-nghin-trung-duong-den-vung-cao-suong-trang-post379466.html