Vượt qua trầm cảm bằng cách nào?

Theo báo cáo của Bộ Y tế năm 2023, ước tính có khoảng 3,2 triệu người Việt Nam mắc bệnh trầm cảm. Bởi vậy cuốn sách mới ra mắt bạn đọc 'Hãy nói rằng con cần mẹ' của chuyên gia tâm lý PGS.TS Nguyễn Phương Hoa thu hút sự chú ý của nhiều người, nhất những người có người thân mắc bệnh trầm cảm.

Để viết cuốn sách này, chị đã tham khảo 500 tài liệu uy tín trong nước và quốc tế viết về trầm cảm. Chị chia sẻ với PV VOV.VN về căn bệnh trầm cảm cũng như cuốn sách của chị.

Trầm cảm đòi hỏi người thân kiên nhẫn hơn

PV: Là một người mẹ có con bị trầm cảm, chị có thể chia sẻ những việc gia đình cần làm để giúp con vượt qua căn bệnh này?

PGS.TS Nguyễn Phương Hoa: Tôi yêu các con vô cùng. Từ khi chúng còn bé bị sốt cao, nhiễm vi-rút, viêm phổi, hen phế quản, sốt xuất huyết, viêm ruột thừa,… hay chỉ cảm cúm thông thường, tôi đều lo lắng, bất an, mất ngủ; kể cả khi chúng đã bình phục một thời gian.

PGS.TS Nguyễn Phương Hoa ký sách “Hãy nói rằng con cần mẹ” cho độc giả.

PGS.TS Nguyễn Phương Hoa ký sách “Hãy nói rằng con cần mẹ” cho độc giả.

Tuy nhiên, trầm cảm không giống những căn bệnh kể trên, không có thuốc gì điều trị khỏi ngay. Trầm cảm có vẻ như không đe dọa tính mạng của con, nhưng lại âm thầm rút hết nhựa sống khỏi con, vô hình đầu độc cuộc sống của mỗi thành viên trong gia đình, làm khó và phá hủy dần dần các mối quan hệ tốt đẹp giữa những người thân yêu. Nó thực sự nguy hại.

Thế nhưng, trầm cảm cũng là một căn bệnh cần được chữa trị. Gia đình, người thân vừa khuyến khích vừa bằng mọi cách đưa con em mình đi khám đúng chuyên khoa, đừng tự chẩn đoán, nhất là đừng tự tìm cách chữa trị theo các thông tin khó kiểm chứng lan truyền trên mạng. Thông tin rất nhiều nhưng phải biết tìm kiếm những thông tin khoa học, có cơ sở đúng đắn. Nếu chưa thuyết phục được con đi khám, cha mẹ hãy tự mình đi gặp bác sĩ trước và bàn bạc với bác sĩ về những phương án chữa bệnh tốt nhất cho con.

PV: Trong gia đình, đứa con bị trầm cảm có cần được đối xử khác với những đứa trẻ khác hay không, thưa chị?

PGS.TS Nguyễn Phương Hoa: Chúng ta thường không đưa thuốc giảm sốt cho một người không sốt cao trên 38,50C. Chúng ta sẽ không thức đến sáng để lắng nghe, trò chuyện với con mình nếu ngày thường nó không đóng cửa trong phòng, từ chối mọi giao tiếp và đột nhiên lại có nhu cầu muốn nói chuyện. Chúng ta cũng sẽ không cần thiết phải tiếp tục ở bên khi con đã đủ trưởng thành.

Trầm cảm đòi hỏi người thân kiên nhẫn hơn, đồng hành lâu hơn và quan tâm, hiểu biết nhiều hơn trong đối xử với con em mình. Trẻ bị trầm cảm sẽ cần được khuyến khích để có thể tự chủ, cần học nhiều kỹ năng để tự ra quyết định đúng đắn,… thậm chí học từ những kỹ năng cơ bản, như cách sử dụng thời gian có hiệu quả, đến học những kỹ năng quản lý cảm xúc và kỹ năng đối phó trong những tình huống khó khăn.

Tuy nhiên, trong gia đình có đứa trẻ mắc bệnh trầm cảm, chắc chắn những đứa trẻ khác cũng bị ảnh hưởng. Chúng có thể trở nên lo lắng hơn, thấy hoang mang, bất an trước những rối loạn cảm xúc thường gặp của anh, chị em mình. Việc quan tâm hơn đến tất cả các con khi gia đình có một đứa trẻ bị trầm cảm là vô cùng cần thiết.

PV: Trầm cảm có thể chữa được. Vậy muốn khỏi bệnh, người bệnh và gia đình cần thực hiện những việc gì, thưa chị?

PGS.TS Nguyễn Phương Hoa: Trước hết, gia đình cần đưa con đi khám bệnh đúng chuyên khoa sức khỏe tâm thần càng sớm càng tốt. Theo một nghiên cứu khoa học năm 2019, trầm cảm là một trong những rối loạn tâm thần có tỷ lệ đáp ứng điều trị cao nhất: “Khoảng 80 - 90% người bệnh có tiến triển tích cực nếu được điều trị kịp thời”.

Thứ hai, cần xác định điều trị bệnh trầm cảm sẽ lâu dài và đòi hỏi sự kiên trì, sự đồng hành và can đảm của cả gia đình. Sẽ có những lúc chúng ta cảm thấy bất lực và tuyệt vọng do các biểu hiện thiếu kiểm soát về cảm xúc và hành vi mà trầm cảm gây ra cho người thân của bạn và có thể cho chính bạn. Hãy lường trước những khó khăn này.

Thứ ba, các liệu pháp hỗ trợ có ích như: nghệ thuật, âm nhạc, kết nối xã hội, nuôi thú cưng và thay đổi lối sống chỉ có tác dụng khi người bệnh nhận thức rõ rằng mình đang gặp khó khăn và muốn thay đổi, muốn chiến thắng căn bệnh đang gây ra đau khổ mỗi phút, mỗi giây. Tình yêu thương, sự hy vọng, sự kết nối và sự hiện diện của gia đình, bạn bè luôn là yếu tố quan trọng giúp người bệnh phục hồi. Hãy kiên trì, dù có chậm đến đâu, người bệnh và gia đình cũng đừng từ bỏ.

Hãy nhớ, trầm cảm là một căn bệnh nặng, nhưng không phải là không thể chữa trị và khả năng tiến triển tốt và phục hồi là rất cao.

Người trầm cảm và gia đình đừng “buông tay”

PV: Khi đã chữa khỏi bệnh, người bệnh và gia đình cần lưu ý điều gì để bệnh không tái phát, thưa chị?

PGS.TS Nguyễn Phương Hoa: Người bệnh và gia đình cần nhận thức rõ, chữa khỏi bệnh không phải là quay lại thể trạng như trước khi ốm. Nếu chúng ta từng bị bệnh nặng, ví dụ như bị gãy xương, sau khi liền lại, vẫn phải cẩn thận đề phòng chấn thương và chấp nhận đau nhức mỗi khi trái gió trở trời.

Với trầm cảm cũng tương tự, khỏi bệnh, hồi phục, nghĩa là chúng ta biết rằng mình từng bị tổn thương nặng. Chúng ta hiểu rõ về ảnh hưởng của căn bệnh rối loạn cảm xúc với cá nhân người bệnh và người thân. Chúng ta có thể kéo dài thời gian giữa các đợt trầm cảm, khiến những đợt trầm cảm ngày càng ngắn, ngày càng nhẹ về biên độ, cường độ và quan trọng nhất là chúng ta biết cách ứng xử như thế nào để vượt qua những “thời gian xấu khi mây đen kéo tới”.

Gia đình cần nhận thức đầy đủ về cảm xúc của con em mình. Dù có tiêu cực đến đâu, xin đừng phủ nhận chúng, đừng coi cảm xúc tiêu cực là đáng xấu hổ, là không xứng đáng. Bằng lời nói và hành động, người thân hãy thể hiện sự luôn ở bên, luôn có mặt khi con cần.

Việc bạn có thể giúp con nhận thức đúng cảm xúc mình đang có chính là bước đầu tiên để giúp con thay đổi. Bạn cũng có thể giúp con duy trì động lực, giá trị bản thân, lòng tự trọng bằng cách khuyến khích con tự chủ trong sinh hoạt thường ngày, vì cảm giác có thể kiểm soát cuộc sống của mình là điều quan trọng hàng đầu đối với người trầm cảm.

PV: Cuốn sách “Hãy nói rằng, con cần mẹ” do chị viết dựa trên hơn 500 tài liệu nghiên cứu quốc tế cộng thêm những trải nghiệm thực tế. Vậy người đọc có thể áp dụng những kiến thức chị đưa ra trong sách để giúp người trầm cảm vượt qua căn bệnh này hay không?

PGS.TS Nguyễn Phương Hoa: Các nhà khoa học trên khắp thế giới đã bỏ rất nhiều thời gian và nỗ lực phi thường để giúp chúng ta đối mặt với căn bệnh trầm cảm, một căn bệnh mang lại nhiều đau khổ cho những người mắc phải và gia đình của họ. Lượng tài liệu về trầm cảm trong thời gian gần đây là khổng lồ, tôi thực sự ấn tượng trước những nỗ lực của các nhà nghiên cứu từ khắp các châu lục. Tôi đã rất cố gắng trong nhiều năm, nhưng cũng chỉ có thể đọc được một phần rất nhỏ trong đại dương thông tin khoa học ấy.

Cuốn sách đề cập đến những kiến thức được nghiên cứu khách quan và tỉ mỉ, trong đó có những nghiên cứu kéo dài hàng chục năm. Cho nên, tôi tin rằng cuốn sách có thể giúp các bệnh nhân trầm cảm, cũng như người nhà của họ tìm thấy những gợi ý để vượt qua những giai đoạn rối loạn cảm xúc và kéo dài những giai đoạn bình an.

PGS.TS Nguyễn Phương Hoa chia sẻ về căn bệnh trầm cảm và cuốn sách của chị.

PGS.TS Nguyễn Phương Hoa chia sẻ về căn bệnh trầm cảm và cuốn sách của chị.

Tôi hy vọng khi đọc sách, người trầm cảm và gia đình của họ sẽ không “buông tay”, sẽ vượt qua những thời khắc khó khăn khi sự bất lực và đau khổ kéo chúng ta xuống. Người thân, gia đình người bị trầm cảm sẽ không còn tự trách mình là nguyên nhân gây bệnh, sẽ bớt mặc cảm, không tuyệt vọng, sẽ tìm mọi cách đưa con em mình đi khám càng sớm, càng tốt để nhận được sự trợ giúp đúng cách.

Qua các thông tin từ cuốn sách, xã hội cũng sẽ có cái nhìn khách quan, toàn diện hơn, sẽ bớt kỳ thị với bệnh trầm cảm. Mỗi khi ở đâu đó có những tai nạn đáng thương, có những hành vi thiếu kiểm soát của thanh thiếu niên thì cộng đồng sẽ thông cảm hơn với những nỗi đau, cũng như sự chịu đựng của gia đình người bệnh.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng, trầm cảm không chỉ là một căn bệnh, nó còn có thể là “một cách phản ứng thích nghi” trong những điều kiện đặc biệt khó khăn. Hơn thế, nhiều bộ óc “siêu việt” có thể sẽ phải chịu đựng những khó khăn hơn những người khác. Vậy nên, quan trọng là “đừng bao giờ từ bỏ”, chúng ta nhất định chiến thắng căn bệnh mang lại nhiều đau khổ này.

PV: Cảm ơn những chia sẻ của chị!

PGS.TS Nguyễn Phương Hoa từng là Trưởng phòng Thực nghiệm và ứng dụng Tâm lý học, Viện Tâm lý học (nay là Viện Xã hội học và Tâm lý học) thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam; Viện trưởng Viện Tâm lý học và Truyền thông thuộc Hội Tâm lý học Việt Nam, đồng thời là cố vấn của diễn đàn Beautiful Mind Việt Nam.

Nguyễn Vân/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/suc-khoe/vuot-qua-tram-cam-bang-cach-nao-post1213488.vov