Số lượt khám, chữa bệnh nội, ngoại trú ở TPHCM 6 tháng đầu năm đều tăng

Qua 6 tháng đầu năm 2025, Sở Y tế TPHCM ghi nhận số lượt khám, chữa bệnh nội, ngoại trú ở cả 3 địa phương TPHCM (cũ) Bình Dương (cũ), Bà Rịa – Vũng Tàu (cũ) đều tăng so với cùng kỳ năm 2024. Đặc biệt là số lượt điều trị nội trú, ghi nhận tăng từ 5.9% tới 9,9% so với cùng kỳ.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2025, trên địa bàn TPHCM (cũ) ghi nhận hơn 22,4 triệu lượt khám, chữa bệnh ngoại trú, tăng 10,5% so với cùng kỳ. Còn tại Bình Dương (cũ) ghi nhận hơn 2,5 triệu lượt, tăng 46,6% so cùng kỳ.

Riêng tại Bà Rịa – Vũng Tàu (cũ) số khám, chữa bệnh ngoại trú là 1,9 triệu lượt, giảm 4,4% so cùng kỳ.

Cũng trong 6 tháng đầu năm, số lượt điều trị nội trú tại TPHCM (cũ) là hơn 1 triệu lượt, tăng 9,9% so cùng kỳ.

Tại Bình Dương, con số này ghi nhận hơn 126 nghìn lượt, tăng 5,9% so với cùng kỳ. Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, trong khi số lượt khám, chữa bệnh ngoại trú giảm thì số lượt điều trị nội trú lại tăng 6,6% so cùng kỳ (hơn 153 nghìn lượt).

Ê-kíp bác sĩ thực hiện thông tim can thiệp bào thai giúp sản phụ Singapore. Ảnh: BVCC

Ê-kíp bác sĩ thực hiện thông tim can thiệp bào thai giúp sản phụ Singapore. Ảnh: BVCC

Lãnh đạo Sở Y tế TPHCM nhận định, trong 6 tháng đầu năm, các bệnh viện tuyến cuối đã thực hiện thành công nhiều kỹ thuật y khoa chuyên sâu, phức tạp, gây tiếng vang trên trường quốc tế, bao gồm: Hồi sức bảo vệ tạng trên bệnh nhân chết não, đồng thời thực hiện ghép thận cho người nhận (Bệnh viện Nhân dân Gia Định); Ghép gan từ người hiến chết não cho bệnh nhi 21 tháng tuổi (Bệnh viện Nhi đồng 2); Phẫu thuật tạo hình niệu đạo phức tạp cho bệnh nhân người Mỹ (Bệnh viện Bình Dân); Can thiệp lấy huyết khối và nong vị trí hẹp mạch máu não đối với bệnh nhân người Nga (Bệnh viện Nhân dân 115); Phẫu thuật can thiệp thông van tim cho bào thai ngay trong bụng sản phụ người Singapore ...

Cũng theo lãnh đạo Sở Y tế TPHCM mới, để đạt kết quả tích cực nói trên là nhờ định hướng phát triển các kỹ thuật chuyên sâu tại các bệnh viện tuyến cuối. Hiện định hướng này vẫn tiếp tục tại các bệnh viện đa khoa trong giai đoạn 2025 – 2030. Theo đó, sắp tới sẽ nghiên cứu thành lập bệnh viện thực hành của Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch; phát triển chuyên ngành sản – phụ khoa; phát triển mạnh Bệnh viện Chấn thương – Chỉnh hình...

Bên cạnh đó, Y tế TPHCM mới cũng đã và đang thực hiện chiến lược nâng cao năng lực chuyên môn tại các bệnh viện cửa ngõ TPHCM.

Liên quan tới công tác đánh giá chất lượng bệnh viện, Sở Y tế TPHCM thông tin thêm, trong 6 tháng đầu năm trên địa bàn có 2 bệnh viện công lập là Bệnh viện Hùng Vương và Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM đạt chuẩn quốc tế. Đây là tín hiệu vui cho ngành y tế thành phố, trong nỗ lực nâng cao chất lượng phục vụ người dân.

Toàn địa bàn TPHCM mới trong 6 tháng đầu năm có tổng cộng 165 bệnh viện, Trung tâm y tế (có giường bệnh) được đánh giá chất lượng.

Đáng chú ý là top 10 bệnh viện dẫn đầu về chất lượng năm 2024, trong đó Bệnh viện Bình Dân dẫn đầu, kế đến là Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Tâm Anh, Bệnh viện Nhi đồng thành phố, Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện TP Thủ Đức, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Ung Bướu TPHCM.

Một vấn đề cần lưu ý khác là qua tạo lập dữ liệu sức khỏe người cao tuổi, Sở Y tế TPHCM đã chỉ ra mô hình bệnh tật với các số liệu cụ thể.

Theo đó, đối với 526.292 người cao tuổi trên địa bàn được ghi nhận dữ liệu (chiếm 52% tổng số người cao tuổi), hiện có hơn 61% người cao tuổi tăng huyết áp; hơn 25% mắc và nghi ngờ đái tháo đường; hơn 17% có dấu hiệu tiền suy yếu; 7,9% cần người khác hỗ trợ trong sinh hoạt hằng ngày ...

Thanh Giang

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/so-luot-kham-chua-benh-noi-ngoai-tru-o-tphcm-6-thang-dau-nam-deu-tang-169250710120209022.htm