Để không còn những lời ru buồn…
Trên những sườn núi thuộc xã Sơn Tân (nay là xã Cam Hiệp), tỉnh Khánh Hòa, không hiếm gặp những 'bà mẹ trẻ con' ở độ tuổi 15-16. Dù chính quyền địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp nhưng 'cuộc chiến' đẩy lùi nạn tản hôn ở đây vẫn còn gian nan.

Người mẹ trẻ Bo Bo Thị Thắm địu con
Vòng luẩn quẩn tảo hôn - đói nghèo
Dưới ánh nắng chói chang, ngồi trước hiên nhà, Mấu Thị Kim Ngân (ở thôn Valy) đang dỗ dành cậu con trai 9 tháng tuổi. Ở tuổi 21, Kim Ngân đã có 2 mặt con, con gái đầu được 6 tuổi. Chồng của Kim Ngân là lao động chính trong nhà, thường làm thuê tại các nương, rẫy.
Ngày nào công việc nhiều thì anh có thể kiếm được 200 nghìn đồng, có ngày không kiếm được đồng nào. Còn Kim Ngân ở nhà chăm con, chuẩn bị cơm nước ngày 2 bữa đợi chồng về. Cuộc sống của gia đình trẻ này càng khó khăn vì hai vợ chồng không có việc làm ổn định, khi con đau ốm không có tiền mua thuốc…
"Em nghỉ học sớm, bản thân không có nghề nghiệp nên cuộc sống gia đình thiếu thốn quanh năm. Nếu biết thế này, em đã không lấy chồng sớm", Kim Ngân thở dài.
Tương tự, Bo Bo Thị Thắm, 20 tuổi, cũng bỏ lại sau lưng sách vở, trường lớp để lấy chồng ở tuổi 16. Đến nay, cô đã có 3 mặt con. Thắm trông già hơn so với tuổi thật của mình. Thắm cho biết, ở đây không ít trường hợp nữ sinh 15-16 tuổi bỏ dở việc học để lấy chồng, sinh con.
Việc sinh con của những "bà mẹ trẻ con" này thường diễn ra tại nhà, không có sự hỗ trợ của y tế thôn bản hoặc vào rừng dựng chòi sinh con. "Không bắt vợ đâu. Đó là chuyện xưa lắm rồi! Bọn em thích nhau thì về sống với nhau thôi. Người thân không cấm cản chuyện này. Mẹ em cũng lấy chồng sớm mà", Thắm giải thích.
Địu đứa con mới 2 tháng tuổi trước ngực, Thắm tâm sự, việc phải chạy ăn từng bữa của hai vợ chồng rất vất vả nên càng không nghĩ đến chuyện tương lai.
Cần tăng cường truyền thông thay đổi hành vi
Không chỉ Thắm hay Ngân, nhiều cô gái khác ở vùng đất này đã bỏ dở ước mơ đến trường cùng các bạn đồng trang lứa. Thay vào đó, các em bước vào cuộc sống hôn nhân, sinh con ở cái "tuổi ăn tuổi lớn".
Những lời ru thêm buồn khi các "bà mẹ trẻ con" nhận ra những khó khăn, hệ lụy từ việc tảo hôn. Đó là những ảnh hưởng về mặt sức khỏe của cả đứa trẻ và người mẹ, thiếu cơ sở kinh tế, việc làm ổn định khiến nhiều cặp "vợ chồng trẻ con" dễ nảy sinh mâu thuẫn, dẫn đến ly hôn…
Để đẩy lùi nạn tảo hôn, thời gian qua, chính quyền, đoàn thể địa phương đã tổ chức nhiều lớp tuyên truyền về phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Các hoạt động này đã thu hút sự tham gia của hơn 1.000 người ở các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Đồng hành cùng chính quyền, các cấp Hội LHPN tỉnh đã triển khai tổ chức các buổi truyền thông dưới hình thức sân khấu hóa, với chủ đề "Tảo hôn và hôn nhân cận huyết" tại các thôn;
kết hợp triển khai các hoạt động thuộc Dự án "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em", dự án "Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em" thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/de-khong-con-nhung-loi-ru-buon-20250708145903086.htm