Phát hiện 2 ca dương tính vi khuẩn 'ăn thịt người', Đắk Lắk hành động khẩn

Sau khi ghi nhận 2 người dương tính với vi khuẩn 'ăn thịt người', ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk lập tức triển khai các biện pháp ngăn ngừa dịch.

Ngày 10/7, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết, trên địa bàn vừa phát hiện 2 trường hợp được xác định mắc bệnh Whitmore. Hiện ngành Y tế đang triển khai nhiều biện pháp tránh lây lan ra cộng đồng.

Một bệnh nhân nhiễm vi rút Whitmore đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Ảnh: ML

Một bệnh nhân nhiễm vi rút Whitmore đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Ảnh: ML

Trước đó, vào ngày 11/6, ông B.I.C. (SN 1970, trú tại thôn Hiệp Đoàn, xã Ea M’roh, tỉnh Đắk Lắk) bất ngờ xuất hiện các triệu chứng sốt cao liên tục, khó thở kèm ho có đờm.

Từ ngày 18 đến 23/6, bệnh nhân đi khám, điều trị tại Trung tâm Y tế Buôn Đôn với chẩn đoán suy hô hấp cấp, viêm phổi nặng, đái tháo đường type 2, tổn thương thận cấp, viêm khớp háng, đau thắt ngực, tăng mỡ máu...

Ngày 23/6, bệnh nhân nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Ngày 2/7, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm mắc bệnh Whitmore.

Trường hợp thứ 2, vào ngày 14/6, ông D.L.M. (SN 1960), trú tại thôn Quảng Đông, xã Hòa Sơn bất ngờ có triệu chứng sốt, tiểu buốt...

Ngày 24/6, bệnh nhân đi khám, nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên với chẩn đoán bí tiểu do phì đại tiền liệt tuyến, tăng huyết áp. Đến ngày 30/6, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm mắc bệnh Whitmore.

Bác sĩ H'Nuen Hđớk - Phó trưởng khoa Phụ trách khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) cho biết, sau khi tiếp nhận 2 người mắc bệnh Whitmore, đơn vị đã tiến hành điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế. Hiện tại, sức khỏe 2 bệnh nhân đều ổn định và trong 5 ngày tới, 2 bệnh nhân sẽ được xuất viện.

Theo bác sĩ Hoàng Nguyên Duy, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, do bệnh Whitmore có nguy cơ tử vong cao nên sau khi ghi nhận 2 trường hợp nói trên, Sở đã đề nghị các đơn vị triển khai nhanh các biện pháp phòng, chống bệnh.

Trong đó, yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn triển khai công tác tập huấn, phổ biến hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh Whitmore tới toàn thể nhân viên y tế trong đơn vị.

Do bệnh có biểu hiện lâm sàng đa dạng, khó chẩn đoán nên khi có ca bệnh nghi ngờ, các cơ sở y tế cần tổ chức hội chẩn khoa, liên khoa, liên viện để kịp thời chẩn đoán và chỉ định xét nghiệm cho phù hợp, tăng cường truyền thông trong bệnh viện để người bệnh, người nhà người bệnh nắm được các biện pháp phòng, chống bệnh.

Đồng thời, yêu cầu các cơ sở y tế chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, trang thiết bị, tổ chức thu dung, cấp cứu bệnh nhân, điều trị tích cực để hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong do bệnh Whitmore.

Tổ chức điều tra, phân tích về dịch tễ các trường hợp mắc bệnh Whitmore, phân tích nguy cơ nhằm triển khai các biện pháp phòng chống bệnh có hiệu quả.

Tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình dịch Whitmore tại các địa phương để tăng cường chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị thực hiện nghiêm túc công tác giám sát ca bệnh; giám sát véc tơ để kịp thời xử lý...

Bệnh Whitmore là bệnh truyền nhiễm, nguy cơ tử vong cao, do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra và thường được gọi là "vi khuẩn ăn thịt người" do khả năng gây tổn thương, hoại tử các mô trong cơ thể.

Hải Dương

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/phat-hien-2-ca-duong-tinh-vi-khuan-an-thit-nguoi-dak-lak-hanh-dong-khan-2420113.html