Vượt thác, vượt ghềnh tham gia cứu hộ

Bên cạnh việc huy động lực lượng tổ chức đào bới trên diện rộng để tìm kiếm các nạn nhân mất tích trong vụ sạt lở đất kinh hoàng tại thôn 1 xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, những ngày qua, gần 100 cán bộ, chiến sĩ thuộc Lữ đoàn Công binh 270 (Quân khu 5), Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam, bộ đội, công an, dân quân, đoàn viên thanh và những người dân Nam Trà My và các địa phương khác của Quảng Nam còn sử dụng ca nô, xuồng máy tích cực tìm kiếm trên dòng sông Leng, sông Dơn, sông Nước Xa, sông Nước Ta và sông Tranh.

Hai ngày theo chân đội cứu hộ vượt, lũ vượt ghềnh tìm kiếm đồng bào, chúng tôi thực sự cảm phục trước tinh thần, trách nhiệm vì dân mà những vất vả, hiểm nguy mà ngày ngày họ vẫn trải qua.

Để chuẩn bị đón lũ, từ tối ngày 1-11, Thủy điện Sông Tranh 2 bắt đầu xả lũ, thế nhưng hiện nay, mực nước trên các con sông đổ về thủy điện vẫn ở mức rất cao, cả ngày lẫn đêm, sóng nước cuồn cuộn chảy. Sau bữa ăn sáng vội vàng, đúng 5 giờ 30 phút sáng, dưới sự chỉ huy của Đại úy Cao Quý Hữu, cán bộ công an huyện Nam Trà My, các lực lượng khẩn trương mặc áo phao, vận chuyển lương khô, mỳ tôm, nước uống xuống thuyền. Ít phút sau, dưới chân cầu Trà Dơn, những chiếc ca nô, thuyền máy lần lượt nổ máy, chia làm hai ngả, một nửa xuôi dòng nước tiến dần về thủy điện Sông Tranh 2, nửa còn lại bơi ngược dòng về khu vực xảy ra vụ sạt lở tại Trà Leng.

 Trên lòng sông ngập tràn củi, rác, nhưng các lực lượng miệt mài tìm kiếm người trên sông Leng.

Trên lòng sông ngập tràn củi, rác, nhưng các lực lượng miệt mài tìm kiếm người trên sông Leng.

Suốt buổi sáng quần lượn khắp các mặt sông, mặt suối nhưng không có kết quả gì, gần trưa, theo hiệp đồng từ trước, gần 20 chiếc thuyền tụ cả về khu Đá Hang, nơi hút gió nhất Sông Tranh nên có hàng vạn tấn củi khô, gỗ mục, cành cây, rác rưởi và rất nhiều vật dụng của người dân dồn về, kín đặc cả một khúc sông dài hơn 2 cây số. Trước những vật cản quá lớn, "chân vịt", bánh lái trở thành vô dụng của những chiếc thuyền đều trở nên vô dụng. Lực lượng cứu hộ phải dùng chính sức mình, dùng chèo, dùng gậy mở đường tiến về phía trước.

Thiếu tá Trần Quốc Anh, Phó chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Nam Trà My cho biết: "Tuy rất vất vả, nặng nhọc nhưng ngày nào chúng tôi cũng tập trung tối đa lực lượng để lật tung toàn bộ khúc sông tại khu vực Hàng Đá. Có chỗ gỗ, rác, cành cây dày đến 2-3 mét, nếu không gạt ra, xác người hay động vật chìm bên dưới sẽ không thể nổi lên trên được".

Là một trong những lực lượng đầu tiên băng rừng, lội suối đến Trà Leng tham gia công tác cứu hộ, khi tuyến đường huyết mạch được nối thông, các phương tiện chuyên dụng được tăng cường đến hiện trường, phần lớn lực lượng của Lữ đoàn Công binh 270 được lệnh tham gia công tác tìm kiếm dưới các con sông. Binh nhất Y Gin Niê, chiến sĩ Đại đội 12, Tiểu đoàn vượt sông 4 chia sẻ: "Khi lũ tràn về, mực nước trên các con sông dâng lên rất cao so với bây giờ, quá trình cơ động, chúng tôi vừa tập trung quan sát trên mặt sông, lòng suối vừa phải để ý cả trên bờ, phòng khi các nạn nhân bị mắc lại trên các lùm cây, hốc đá. Từ Trà Leng xuống thủy điện Sông Tranh 2 dài mấy chục cây số, thế mà khi quần thảo quanh đây chúng tôi vẫn tìm thấy rất nhiều những vật dụng, vật nuôi, tài sản của người dân trôi xuống. Thế mà tung tích 14 nạn nhân mất tích vẫn chẳng thấy đâu. Lần nào trước khi đi tôi cũng khấn nhẩm, chúng cháu là bộ đội, đến đây để được đưa các cô, các chú, các em về với gia đình, mọi người sống khôn chết thiêng, hãy phù hộ, độ trì để chúng cháu sớm tìm được. Cả tuần lội bùn, đạp nước, bộ đội bị nước ăn chân, ngứa ngáy rất khó chịu, song tất cả đều rất cố gắng, quyết tâm".

 Tìm kiếm người trên sông Tranh 2.

Tìm kiếm người trên sông Tranh 2.

Thông thạo địa hình sông nước, khi biết tin lực lượng chức năng đang gặp khó khăn trong việc huy động phương tiện tham gia tìm kiếm dưới lòng sông, chẳng chút ngại ngần, từ huyện Tiên Phước, chú Trần Đình Chiến, 60 tuổi cùng 6 người anh em, hàng xóm đã rủ nhau góp tiền thuê xe, chở thuyền của mình vượt hàng trăm cây số lên Trà Leng hỗ trợ. Nói về công việc thiện nguyện đầy ý nghĩa của mình, chú Chiến cười hiền: "Ông bà ta vẫn dạy, một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ, thấy đồng bào mình không may gặp nạn, chúng tôi đau xót, thương cảm lắm. Sông Tranh có nhiều ngã rẽ, nếu không thông thuộc địa bàn hoặc không có kinh nghiệm sông nước, các lực lượng rất dễ đi lạc hoặc rơi vào khu vực nước xoáy, đá ngầm rất nguy hiểm. Tôi rất vui vì được góp phần nhỏ bé với mọi người để giúp đỡ người dân".

Trên lòng sông ngập tràn củi, rác, những con thuyền nhỏ tiến lên đầy khó nhọc. Nhiều vị trí tuy đã tìm đi tìm lại, tìm tới tìm lui nhưng nếu chưa chắc chắn họ lại tiếp tục tìm thật kỹ. Các chiến sĩ cứu hộ cho biết, từ kinh nghiệm thực tế, quá trình tìm kiếm nếu phát hiện khu vực nào có nhiều quạ, diều hâu, ruồi nhặng, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc là họ lập tức tiếp cận và tổ chức tìm kiếm ngay, bởi ở đó thường có xác động vật hoặc thi thể người đang phân hủy. Ngày nào cũng gặp rất nhiều xác trâu, bì, lợn gà chết thối, trôi xuống cuối nguồn, thế mà các nạn nhân đến giờ vẫn bặt vô âm tín là trăn trở khôn nguôi của những người hùng thầm lặng trên sông.

Trong bữa ăn trưa đạm bạc với lương khô, bánh mì, trong khoảng thời gian ít ỏi, các thuyền tranh thủ họp bàn, thống nhất hiệp đồng phương án triển khai lực lượng, tổ chức tìm kiếm khi chiều xuống. Cơn mưa rào bất chợt khiến mọi người chẳng kịp nghỉ ngơi, í ới nhắc nhau tát nước ra khỏi thuyền.

Chia sẻ khó khăn với đồng bào vùng lũ, đều đặn mỗi ngày, ngoài việc tìm kiếm các nạn nhân, hàng chục cán bộ, chiến sĩ các đơn vị vẫn tham gia hỗ trợ cô trò các trường mẫu giáo, tiểu học ở Trà Leng, Trà Dơn, Trà Mai tổng dọn vệ sinh trường lớp, sửa chữa bàn ghế, đồ dùng học tập. Sáng 3-11, Đoàn y bác sĩ Bệnh viện quân y 103 (Học viện Quân y) và Bệnh viện quân y 17, Đội Y học dự phòng Quân khu 5 đã hành quân đến Trà Dơn, tổ chức khám bệnh, tặng quà, phun khử khuẩn, vệ sinh trường lớp giúp bà con.

Đồng chí Trần Văn Mãn, Phó chủ tịch huyện Nam Trà My xúc động: "Lúc khó khăn, hoạn nạn đau buồn nhất, chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ sẻ chia rất kịp thời, trách nhiệm của các anh bộ đội, công an, biên phòng và nhân dân. Một miếng khi đói bằng một gói khi no, những việc làm trách nhiệm, nhân văn của bộ đội được bà con vùng cao đón nhận với tất cả tấm lòng. Trong tình quân dân thắm thiết, dạt dào, nỗi đau dường như cũng nguôi ngoai".

Bài và ảnh: VIỆT HÙNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/vuot-thac-vuot-ghenh-tham-gia-cuu-ho-642854