Vượt thách thức nhờ sửa Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Quán triệt, thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước để hoàn thiện hành lang pháp lý, loại bỏ những vướng mắc, rào cản, tạo thuận lợi, tăng cường các cơ chế khuyến khích, thúc đẩy hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là nhiệm vụ cấp bách hiện nay.

Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả đang là thách thức lớn của Việt Nam. Ảnh minh họa

Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả đang là thách thức lớn của Việt Nam. Ảnh minh họa

Những thách thức đặt ra trong bối cảnh mới

Trong Tờ trình gửi Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã tạo hành lang pháp lý, tháo gỡ rào cản, cụ thể hóa các quy định về biện pháp quản lý, kỹ thuật và chính sách thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong toàn bộ hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng dân dụng, chiếu sáng và sinh hoạt của cộng đồng, tạo điều kiện triển khai đồng bộ hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả bền vững của đất nước.

Tác động của Luật đã được thể hiện rõ thông qua sự vào cuộc của các Bộ, ngành và địa phương. Kết quả tiết kiệm năng lượng đạt được ở giai đoạn 2011-2015 là rất lớn, tăng gần gấp đôi của giai đoạn trước (2006-2010) và góp phần tiết kiệm năng lượng cho cả 2 giai đoạn. Theo báo cáo của Viện Năng lượng (2016), giai đoạn 2011-2015, mức tiết kiệm thực tế đạt được là 5,65%, tương đương với 11.2 KTOE.

Tuy nhiên, sau 15 năm triển khai thi hành, đến nay đã bộc lộ bất cập cần phải rà soát để sửa đổi, bổ sung một số nội dung được quy định tại Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, cũng như các luật liên quan để kịp thời điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong thực tiễn hoạt động sử dụng năng lượng trong các ngành công nghiệp sản xuất, chế biến các sản phẩm công nghiệp để ứng phó với các thách thức mới. Đây là nhiệm vụ cần thiết trong giai đoạn hiện nay!

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, thách thức lớn hiện nay là các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) có nguy cơ không đạt được đúng hạn vào năm 2030 do sự biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường diễn biến phức tạp, xu hướng tăng cường kiểm soát phát thải khí nhà kính diễn ra trên toàn cầu đang gia tăng.

Tác động đến thương mại có thể thấy qua các chính sách về môi trường của các thị trường Châu Âu, Mỹ… như quy định đánh thuế các bon của Liên minh Châu Âu áp dụng vào 2026, các quy định về hộ chiếu xanh đối với hàng dệt may, hay các quy định về truy vết cacbon đối với sản phẩm hàng hóa khi vào thị trường các nước Châu Á - Thái Bình Dương và thị trường Mỹ là các hàng rào kỹ thuật về môi trường của các thị trường.

Các quy định trên ngày càng dày đặc, tạo ra sức ép lớn lên các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực của của Việt Nam như dệt may, da giày, nhựa, thép, điện, điện tử chế biến thủy sản… khi tham gia vào các thị trường Châu Âu và thị trường Mỹ, Trung Quốc…; trực tiếp tác động lên lực lượng lao động trực tiếp của Việt Nam ước khoảng 20/52 triệu lao động trực tiếp và ảnh hưởng đến GDP của Việt Nam.

Việt Nam đã cam kết đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Vì vậy, cùng với việc chuyển đổi mạnh mẽ cơ bản nguồn năng lượng hợp lý theo hướng giảm thiểu nguồn năng lượng có nguồn gốc hóa thạch, tăng mạnh nguồn năng lượng tái tạo, Việt Nam cần phải xem xét sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo hướng tăng cường các quy định, chế tài mang tính bắt buộc, thay vì khuyến khích thực thi các giải pháp tiết kiệm năng lượng.

Chưa hết, cuộc cách mạng công nghiệp đang tác động toàn diện lên quá trình quản lý sản xuất, thay đổi mô hình kinh doanh đem lại tiềm năng lớn trong việc sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên, nguyên vật liệu trong sản xuất và kinh doanh. Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sửa đổi cũng cần thiết phải tạo ra hành lang để thúc đẩy các quá trình chuyển đổi phù hợp với trình độ công nghệ mới.

Đồng thời, theo các chuyên gia năng lượng, việc tăng cường thực hiện các giải pháp về tiết kiệm năng lượng cũng là một trong những đòi hỏi để góp phần thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; giúp Việt Nam kịp thời tận dụng, thu hút và huy động được các nguồn lực quốc tế để hỗ trợ, thúc đẩy quá trình đầu tư tiết kiệm năng lượng, chuyển đổi thị trường các sản phẩm tiết kiệm năng lượng.

Ngành điện có nhiều doanh nghiệp gương mẫu trong triển khai các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Ảnh minh họa

Ngành điện có nhiều doanh nghiệp gương mẫu trong triển khai các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Ảnh minh họa

Nâng cao tính tuân thủ pháp luật sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, dự thảo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (sửa đổi) gồm 12 chương, 48 điều, quy định các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các ngành, các lĩnh vực kinh tế, xã hội và quy định quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Những nhóm vấn đề được tập trung giải quyết thông qua Luật sửa đổi lần này xoay quanh việc tháo gỡ bất cập, hạn chế trong quá trình thi hành luật. Cụ thể gồm: quy định về quản lý nhà nước trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với cơ sở sử dụng năng lượng; quy định quản lý đối với dịch vụ tư vấn năng lượng, kiểm toán năng lượng, đào tạo nhân lực trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đồng thời có những quy định về chính sách ưu đãi, công cụ hỗ trợ tài chính cho lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; chính sách chuyển đổi thị trường và quản lý hiệu suất phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng; tổ chức triển khai thực hiện và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Trong đó, các quy định về việc quản lý năng lượng tại các doanh nghiệp, đặc biệt là cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm là nội dung trọng tâm khi sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả lần này.

Vụ Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết, số lượng các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm hiện nay là 3.068 doanh nghiệp, trong đó có 2.596 cơ sở sản xuất công nghiệp, 10 cơ sở sản xuất nông nghiệp, 55 đơn vị vận tải, 407 công trình xây dựng; chiếm khoảng 50% tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng của cả nước.

Do đó, cần nghiên cứu, điều chỉnh theo hướng tăng số lượng cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, đảm bảo mục tiêu tăng cường quản lý bắt buộc đối với nhóm đối tượng sử dụng nhiều năng lượng. Mục tiêu phải đạt tổng năng lượng tiêu thụ của các cơ sở sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả chiếm từ 65-70% tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng của cả nước.

Qua thực hiện khảo sát, 100% các cơ sở sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp và kinh doanh, xây dựng đã xây dựng hệ thống quản lý năng lượng. Tuy nhiên đối với lĩnh vực giao thông vận tải thì hầu hết các doanh nghiệp chưa xây dựng quy định về xây dựng mô hình quản lý năng lượng. Nguyên nhân là do đặc thù ngành nghề nên các doanh nghiệp giao thông vận tải khó áp dụng các quy định chung về xây dựng mô hình quản lý năng lượng, kiểm toán năng lượng.

Vụ Năng lượng - Bộ Công Thương

Còn việc áp dụng mô hình quản lý năng lượng ở các tập đoàn, tổng công ty nhà nước được Vụ Năng lượng đánh giá là tương đối tốt. 100% tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã có chương trình, kế hoạch tiết kiệm năng lượng.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực phân phối, kinh doanh xăng dầu còn thiếu đồng bộ và nhất quán. Đánh giá này dựa trên kết quả khảo sát nhận được từ 13 tập đoàn, tổng công ty sản xuất, kinh doanh, phân phối năng lượng.

Trong lĩnh vực điện lực, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các Tổng công ty Điện lực và các đơn vị trực thuộc là doanh nghiệp tiên phong, gương mẫu trong triển khai các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Tuy nhiên, ở các Tập đoàn, tổng công ty trong lĩnh vực xăng dầu vẫn có sự khác biệt trong việc xây dựng triển khai các hoạt động hiệu quả năng lượng.

Các công ty thực hiện quản lý tốt định mức hao hụt xăng dầu như Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) triển khai hệ thống quy định kỹ thuật về hao hụt xăng dầu rất tốt và bài bản. Các doanh nghiệp khác như Công ty cổ phần Dầu khí Đông Phương, Công ty cổ phần PetroTimes có xây dựng hệ thống quản lý hao hụt xăng dầu theo tiêu chuẩn ISO và hệ thống quản lý riêng. Trong khi đó, còn một số doanh nghiệp lớn chưa dành nhiều quan tâm tới quy định này.

Điều này cũng đặt ra những yêu cầu về điều chỉnh quy định đối với các đối tượng áp dụng cho phù hợp với tình hình thực tế, với đặc thù của các ngành nghề. Đặc biệt, cần điều chỉnh phương thức quản lý năng lượng theo hướng tăng cường trách nhiệm giám sát của các cơ quan chủ quản đối với các đơn vị cấp dưới để nâng cao tính tuân thủ của Luật./.

ĐỨC HUY

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/vuot-thach-thuc-nho-sua-luat-su-dung-nang-luong-tiet-kiem-va-hieu-qua-38347.html