Vượt trăm cây số đến TP.HCM chữa ung thư

Sau cơn đau quặn bụng, chị Hạnh nhận tin mình bị ung thư cổ tử cung. Giấc mơ gia đình có thêm tiếng nói cười trẻ con phút chốc dang dở.

 Anh mắt chị Hạnh không giấu được nỗi buồn khi nhắc hành trình điều trị bệnh ung thư cổ tử cung. Ảnh: Duy Hiệu.

Anh mắt chị Hạnh không giấu được nỗi buồn khi nhắc hành trình điều trị bệnh ung thư cổ tử cung. Ảnh: Duy Hiệu.

Ăn xong bữa cơm tối, chị Phạm Thị Hạnh (35 tuổi, ngụ Đăk Nông) ngồi dặn dò hai con chuyện học hành, phụ giúp ba dọn dẹp nhà cửa. Hơn 22h, khi hai con đã chìm vào giấc ngủ, chồng chị Hạnh dắt con xe máy cũ, đưa vợ ra bến xe để xuống TP.HCM.

Hơn một năm nay, công việc này cứ diễn ra mỗi tháng một lần. Hai đứa trẻ hiểu chuyện đã quen với việc mẹ sẽ vắng nhà 2-3 ngày, sẽ chủ động phụ giúp ba làm nương, dọn dẹp và cơm nước.

"Bão tố" ập đến giữa ngày bình yên

Chưa đến 4h sáng, chị Hạnh đã có mặt ở sảnh Bệnh viện Ung bươu TP.HCM cơ sở 2 (TP Thủ Đức) để đợi lấy số khám bệnh. Gần 2 năm từ lúc được chẩn đoán bị ung thư cổ tử cung, mỗi lần nghĩ đến, người phụ nữ lại bật khóc.

Chị Hạnh đã có hai con. Bé lớn học lớp 9, bé nhỏ vừa lên lớp 6. Gia đình làm nông nên vợ chồng muốn có thêm con cho đông vui. Dự định là vậy, nhưng trong một buổi trưa hè, đang làm ngoài ruộng thì bụng chị bỗng đau nhói kèm theo chảy dịch trắng đục.

Sau khi uống thuốc giảm đau, tình trạng ổn hơn nhưng những ngày sau đó, chất dịch màu trắng đục liên tục xuất hiện. Linh tính không lành, chị Hạnh gác lại công việc, bắt xe đến Bệnh viện Ung bướu TP.HCM thăm khám. Cầm kết quả chẩn đoán ung thư cổ tử cung trên tay, người phụ nữ gục ngã bên hành lang bệnh viện.

"Vậy là từ đó ước mơ có thêm con của vợ chồng tôi mãi mãi không thể thành hiện thực", chị Hạnh nghẹn ngào kể với Tri thức - Znews.

Kể từ đó, vợ chồng chị Hạnh cứ đi đi về về giữa Đắk Nông và TP.HCM để điều trị. Sau khi phẫu thuật cắt tử cung, chỉ còn mình chị Hạnh đi tái khám.

Đều đặn mỗi tháng một lần, chị Hạnh bắt xe lúc 23h, di chuyển hơn 300 km để đến Bệnh viện Ung bướu TP.HCM lúc 4h, lấy số chờ khám bệnh. Mặc dù 7h30 các bác sĩ mới làm việc, nhưng quá đông người cũng đến "chờ lịch" sớm, chị phải đăng ký sớm hơn.

 Cũng giống như chị Hạnh, hàng trăm người bệnh đến Bệnh viện Ung bướu TP.HCM từ tờ mờ sáng để xếp hàng lấy số khám bệnh. Ảnh: Duy Hiệu.

Cũng giống như chị Hạnh, hàng trăm người bệnh đến Bệnh viện Ung bướu TP.HCM từ tờ mờ sáng để xếp hàng lấy số khám bệnh. Ảnh: Duy Hiệu.

Thông thường, sau khi khám và làm các xét nghiệm, đến chiều có kết quả, chị sẽ bắt xe về lại nhà. Có mệt vì di chuyển liên tục, người phụ nữ vẫn cố gắng không thuê phòng trọ nghỉ để tiết kiệm.

"Nếu tái khám ở bệnh viện địa phương, sẽ bớt được chi phí di chuyển và ăn uống, người cũng không mệt nhiều. Nhưng tôi quen khám ở Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, đây cũng là nơi điều trị ban đầu và chuyên sâu về ung thư nên tôi muốn khám ở đây hơn", chị Hạnh chia sẻ trong khi chờ lượt khám.

Lên TP.HCM khám bệnh từ 1h sáng

Cũng giống như chị Hạnh, Yến Linh (24 tuổi, ngụ Bà Rịa - Vũng Tàu) tự chạy xe máy hơn 100 km từ 1h sáng, để có mặt tại bệnh viện lúc 3h sáng.

Linh lấy ghế xếp hàng, ngồi đợi đến 4h30 để có số thứ tự sớm nhất. Đến 5h, cô gái được vào khám với bác sĩ vì đăng ký khám dịch vụ. Sau khi thăm khám, làm các xét nghiệm và nhận kết quả, chiều cùng ngày Linh về lại Vũng Tàu.

Cách đây hai tháng, Linh được chẩn đoán bị bệnh cường giáp với biểu hiện tay chân run, tim đập nhanh, hồi hộp. Dù biết bệnh viện ở Vũng Tàu có thể điều trị được, cô gái chọn vượt trăm km đến TP.HCM.

 Yến Linh được bác sĩ thăm khám tình trạng bệnh cường giáp và chỉ định làm xét nghiệm. Ảnh: Duy Hiệu.

Yến Linh được bác sĩ thăm khám tình trạng bệnh cường giáp và chỉ định làm xét nghiệm. Ảnh: Duy Hiệu.

Theo TS.BS Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, những bệnh nhân như chị Hạnh, Yến Linh không phải là cá biệt. Bởi có đến hơn 84% bệnh nhân đến khám là người ngoại tỉnh, họ đến với bệnh viện vì tin tưởng vào chất lượng điều trị dù biết bệnh viện quá tải.

Khi cơ sở vật chất càng mới, hiện đại thì người dân ở khắp mọi nơi có tâm lý đổ về đây. Họ thấy về cơ sở này tốt hơn, phục vụ tốt hơn nhưng chi phí điều trị không thay đổi so với cơ sở tuyến tỉnh.

Những cơ sở điều trị ung thư ở tuyến tỉnh cũng có đầy đủ trang thiết bị, nhân lực nhưng chưa phát huy hết công suất, chưa thu hút được người bệnh trở về địa phương điều trị.

Đây là một trong những lý do gây nên tình trạng quá tải tại bệnh viện, khiến người bệnh đến khám phải chờ đợi. Việc quá tải kéo dài ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của cả nhân viên y tế và bệnh nhân. Người bệnh cảm thấy bất an, khi kỳ vọng được điều trị ngay nhưng không được đáp ứng.

Bắt đầu tiếp nhận khám từ 4h30 là giải pháp giúp giảm mật độ bệnh nhân mà Bệnh viện Ung bướu đang nỗ lực thực hiện.

"Những giải pháp trên để giải quyết được tình trạng bệnh nhân chờ, nhưng chờ thì vẫn chờ. Bởi, với nguồn lực hiện tại không thể đáp ứng được hết bệnh nhân. Quan trọng là phải có biện pháp lâu dài, giải quyết vấn đề từ gốc. Giải pháp căn cơ là bệnh viện tuyến tỉnh cần phát triển năng lực, tăng cường đầu tư để giữ bệnh nhân ở lại", lãnh đạo Bệnh viện Ung bướu TP.HCM nhấn mạnh.

Nguyễn Thuận

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/vuot-tram-cay-so-den-tphcm-chua-ung-thu-post1476744.html