WB 'hiến kế' để Việt Nam phát triển thị trường vốn dài hạn

Theo các chuyên gia WB, Việt Nam cần phát triển thị trường vốn mạnh mẽ tạo ra nguồn vốn dài hạn cho nền kinh tế thay vì đang phụ thuộc nhiều từ nguồn vốn ngân hàng, từ đó giúp Việt Nam đạt mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.

Trong cuộc họp báo ngày 26/8, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,1% trong năm 2024, sau đó tăng lên 6,5% trong các năm 2025 - 2026; lạm phát năm 2024 dự báo sẽ ở mức 4,5%, trước khi giảm xuống 4% vào năm 2025 và 3,5% vào năm 2026.

Trước đó, trong báo cáo công bố vào tháng 4/2024, WB dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam chỉ đạt 5,5% trong năm 2024 và tăng lên 6% vào năm 2025. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa quay lại lộ trình tăng trưởng như trước đại dịch COVID-19.

Chi tiêu của người tiêu dùng vẫn dừng ở mức thấp hơn so với trước đại dịch COVID. Doanh số bán lẻ tăng 8,8% (tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ổn định kể từ cuối năm 2022) nhưng vẫn thấp hơn bình quân ghi nhận trước đại dịch (tăng 11,6%).

Các chuyên gia WB cho rằng Việt Nam cần tận dụng được quỹ bảo hiểm xã hội, xem đây là một nguồn lực chủ đạo tiềm năng trong việc thúc đẩy phát triển thị trường vốn.

Các chuyên gia WB cho rằng Việt Nam cần tận dụng được quỹ bảo hiểm xã hội, xem đây là một nguồn lực chủ đạo tiềm năng trong việc thúc đẩy phát triển thị trường vốn.

Bên cạnh đó, tăng trưởng đầu tư của khu vực tư nhân dù có cải thiện trong nửa đầu năm 2024 (tăng 3,9%) song vẫn thấp hơn mức bình quân hàng năm là 4,7% trong giai đoạn 2017-2019. Mức tăng của đầu tư công cũng chững lại còn 4% trong nửa đầu năm 2024, so với mức 20,5% trong nửa đầu năm 2023.

Đáng chú ý, bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp của WB cho biết: “Kinh tế đang phục hồi, tăng trưởng tín dụng có cải thiện, tuy nhiên chất lượng tài sản ngân hàng vẫn là quan ngại kể từ năm 2023”.

Theo đó, nợ xấu toàn hệ thống tăng mạnh, từ 1,9% năm 2022 lên 4,6% tổng dư nợ cho vay năm 2023. Số liệu đến cho quý I/2024 cho thấy, tỷ lệ nợ xấu của 27 ngân hàng thương mại niêm yết (chiếm 83% tổng dư nợ tín dụng trong khu vực ngân hàng) đã tăng từ 1,9% trong quý IV/2023 lên 2,2% trong quý I/2024, trong điều kiện nợ xấu tăng kết hợp với tăng trưởng tín dụng chững lại.

Ngoài ra, các biện pháp gia hạn cơ cấu nợ nhằm ứng phó đại dịch, dự kiến sẽ chấm dứt vào tháng 12/2024, có thể khiến cho tỷ lệ nợ xấu còn cao hơn nữa. Nhu cầu dự kiến về tăng dự phòng, bổ sung dự phòng tổn thất vốn vay, đang gây thêm áp lực cho lợi nhuận của các ngân hàng vốn đã bị co hẹp do thu nhập lãi thuần, phí… đang chững lại.

Để Việt Nam khai mở ra tiềm năng của thị trường vốn, chuyên gia WB cho rằng cần phải vượt qua một số rào cản cụ thể nhằm đảm bảo tăng trưởng lành mạnh và bền vững. Trong đó, cần tận dụng được quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH), xem đây là một nguồn lực chủ đạo tiềm năng trong việc thúc đẩy phát triển thị trường vốn.

Các chuyên gia đánh giá, BHXH là nhà đầu tư tổ chức lớn nhất ở Việt Nam, quản lý một danh mục tương đương 10% GDP, lớn hơn toàn bộ các nhà đầu tư tổ chức trong nước khác cộng lại. Song do các quy định pháp lý, tài sản của BHXH đang tập trung chủ yếu vào trái phiếu chính phủ.

Nếu BHXH đa dạng hóa đầu tư sang các thị trường chứng khoán doanh nghiệp như cổ phiếu và trái phiếu, sự đầu tư của BHXH sẽ hỗ trợ sự phát triển của các thị trường đó qua đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư và tạo ra tình trạng ổn định tương đối với tư cách là nhà đầu tư dài hạn.

"Nếu được triển khai hợp lý theo từng bước nhỏ, đa dạng hóa đầu tư sẽ làm tăng lợi nhuận đầu tư cho BHXH về lâu dài", WB khuyến nghị và cho rằng cần có khung chính sách mạnh mẽ hơn để BHXH trở thành nhân tố chính thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn.

Điểm lại các vụ việc liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp vừa qua, ông Andrea Coppola, Chuyên gia kinh tế trưởng và quản lý Chương trình Tăng trưởng công bằng, tài chính và thể chế của WB tại Việt Nam, cho rằng đã tới lúc Việt Nam cần có một cơ quan mang tính sàng lọc và giám sát các nhà phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Cụ thể là đối với các nhà phát hành trái phiếu cần phải có một bảng xếp hạng tín nhiệm. Còn về phía các nhà đầu tư, cần đảm bảo có được đầy đủ thông tin qua một bên thứ ba có uy tín, giúp họ có được quyết định sáng suốt.

"Hàng tỷ USD của các quỹ đầu tư toàn cầu sẽ được rót vào các thị trường vốn nếu Việt Nam được nâng cấp thành thị trường mới nổi", ông Ketut Ariadi Kusuma, chuyên gia cao cấp về khu vực tài chính của WB nói. Đồng thời, cần từng bước đa dạng hóa kênh đầu tư quỹ của BHXH để cải thiện lợi nhuận dài hạn, tăng nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế thông qua đầu tư vào khu vực doanh nghiệp.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/wb-hien-ke-de-viet-nam-phat-trien-thi-truong-von-dai-han-1101939.html