WB: Việt Nam cần nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu

Một báo cáo mới của Ngân hàng Thế giới (WB) với tựa đề 'Việt Nam 2045: Nâng cao vị thế thương mại trong một thế giới đang thay đổi - Con đường dẫn đến tương lai thu nhập cao' đưa ra lộ trình giúp Việt Nam nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu, hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.

Ảnh Internet

Ảnh Internet

Theo Ngân hàng Thế giới, mô hình tăng trưởng hiện nay của Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào xuất khẩu các mặt hàng thâm dụng lao động nhưng đem lại giá trị gia tăng tương đối thấp, tuy đem lại thành công, nhưng chưa đủ để đưa quốc gia lên nhóm thu nhập cao. Như được chứng minh qua kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và hiện nay là Trung Quốc, Việt Nam cần tiếp tục vươn lên cao hơn trong chuỗi giá trị, nhằm chuyển sang các dịch vụ và chế tạo chế biến mang lại giá trị gia tăng cao hơn, qua cải thiện về công nghệ, kỹ năng và đổi mới sáng tạo.

Tuy nhiên, khác với các quốc gia đi trước, Việt Nam phải quản lý quá trình chuyển đổi này giữa thời điểm các vấn đề kinh tế, địa chính trị và công nghệ đang nhanh chóng định hình lại dòng chảy đầu tư và thương mại toàn cầu, vừa đem lại cơ hội mới vừa có những rủi ro mới phát sinh. Đến nay, Việt Nam đã được hưởng lợi trong quá trình tái cơ cấu các chuỗi giá trị toàn cầu đang diễn ra nhưng sự chia rẽ địa chính trị ngày càng gia tăng trong tương lai khiến cho mọi thứ khó đoán định.

Cũng như với những thành tựu trước đây, tiềm năng của Việt Nam chỉ có thể trở thành hiện thực thông qua liên tục cải cách cơ cấu và đầu tư chiến lược cho kết cấu hạ tầng và vốn nhân lực. Để nâng cao vị thế tham gia trong các chuỗi giá trị toàn cầu, vượt qua những hạn chế mới phát sinh trong nước và giảm nhẹ rủi ro trên toàn cầu, Ngân hàng Thế giới khuyến nghị năm gói chính sách bổ trợ nhau như sau:

Một là, từ hạ thuế quan chuyển sang hội nhập thương mại sâu (trong khu vực).

Hai là, từ nền kinh tế kép chuyển sang hội nhập chuỗi giá trị trong nước.

Ba là, từ lắp ráp khâu cuối thâm dụng lao động chuyển sang các hoạt động có hàm lượng công nghệ và kỹ năng cao, đem lại giá trị gia tăng cao

Bốn là, từ giáo dục cơ bản vững vàng chuyển sang lực lượng lao động có kỹ năng cao.

Năm là, từ chế tạo chế biến thâm thải các-bon sang xuất khẩu các mặt hàng giảm thải các-bon và đảm bảo khả năng chống chịu.

Cũng theo Ngân hàng Thế giới, trong 40 năm qua, hội nhập toàn cầu là động lực chính giúp Việt Nam phát triển thành công, tạo nên một trong những giai đoạn tăng trưởng kinh tế dài và nhanh nhất trong lịch sử hiện đại. Hiện nay, Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới, với khoảng 50% GDP và việc làm phụ thuộc trực tiếp hoặc gián tiếp vào xuất khẩu.

Với nền tảng thành công sẵn có, theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đặt mục tiêu đầy tham vọng trở thành nền kinh tế hiện đại, thu nhập cao vào năm 2045. Điều này đòi hỏi phải duy trì tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người hàng năm khoảng 6% trong hai thập kỷ tới. Thành công của mục tiêu này phụ thuộc vào việc nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu, thông qua đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ, kỹ năng và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, thách thức đặt ra là Việt Nam phải thực hiện quá trình chuyển đổi này trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang có nhiều biến động sâu sắc.

Bà Manuela V. Ferro, Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cho biết: “Để duy trì tăng trưởng nhanh chóng, Việt Nam cần chuyển đổi từ tham gia vào khâu lắp ráp cuối cùng thâm dụng lao động và có giá trị gia tăng thấp sang phát triển sản xuất và dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn. Ngoài ra, trong bối cảnh thương mại toàn cầu thay đổi và bất ổn gia tăng, việc đa dạng hóa quan hệ đối tác thương mại và đầu tư sẽ rất cần thiết để xây dựng khả năng phục hồi và đảm bảo thành công lâu dài.”

Theo đó, Ngân hàng Thế giới đề xuất một chiến lược tổng thể nhằm thúc đẩy tăng trưởng năng suất, thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân và nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Các giải pháp chính sách trọng tâm bao gồm: đẩy mạnh hội nhập thương mại chiều sâu; tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với chuỗi giá trị toàn cầu; thúc đẩy các hoạt động sử dụng công nghệ cao và kỹ năng chuyên sâu và khu vực dịch vụ có giá trị gia tăng cao, bao gồm cả lĩnh vực dịch vụ; và chuyển đổi sang mô hình sản xuất các-bon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nhuệ Mẫn

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/wb-viet-nam-can-nang-cao-vi-the-trong-chuoi-gia-tri-toan-cau-post358502.html