WHO cảnh báo dịch bại liệt xuất hiện tại Papua New Guinea

Theo phóng viên TTXVN tại châu Đại Dương, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 15/5 xác nhận phát hiện virus bại liệt tại Papua New Guinea (PNG) thông qua mẫu nước thải ở thành phố Lae và mẫu môi trường tại thủ đô Port Moresby.

Cụ thể, các xét nghiệm bổ sung do WHO phối hợp với Bộ Y tế PNG, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và các cơ quan y tế địa phương tiến hành đã phát hiện 2 trường hợp trẻ em khỏe mạnh nhiễm virus ở Lae. Phân tích trình tự gene cho thấy chủng virus này có liên quan đến virus bại liệt được phát hiện tại Indonesia.

WHO cho biết virus bại liệt hoang dại (WPV) tuýp 2 đã bị loại trừ từ năm 1999 và tuýp 3 bị xóa sổ vào năm 2020. Tính đến năm 2022, chỉ còn Pakistan và Afghanistan là hai quốc gia vẫn còn ghi nhận sự lưu hành của virus bại liệt hoang dại tuýp 1. Do đó, đợt bùng phát bại liệt mới tại PNG được cho là xuất phát từ tỷ lệ tiêm chủng thấp và khả năng lây truyền cao của virus.

Theo các chuyên gia y tế, bại liệt là bệnh truyền nhiễm có mức độ lây lan mạnh, đặc biệt trong các cộng đồng chưa được tiêm vaccine đầy đủ. Trước tình hình đó, WHO và UNICEF đã nhanh chóng triển khai các biện pháp ứng phó, chẳng hạn như giám sát diện rộng các trường hợp liệt mềm cấp tính và thực hiện chương trình tiêm chủng 3 giai đoạn nhằm bảo vệ trẻ em cũng như nâng cao tỷ lệ bao phủ vaccine trên toàn quốc để ngăn chặn nguy cơ lây lan.

Bà Linda Selvey, Phó Giáo sư danh dự tại Trường Y tế Công cộng, Đại học Queensland, nhận định nguy cơ virus bại liệt lây lan sang Australia là “khá thấp”. Bà cho biết Australia chưa ghi nhận đợt bùng phát lớn nào của bệnh này kể từ năm 1961, và trẻ em tại quốc gia này hiện được tiêm vaccine phòng bệnh như một phần của chương trình tiêm chủng định kỳ.

Tuy nhiên, bà Selvey cảnh báo một số khu vực tại bang Queensland, đặc biệt là vùng Eo biển Torres, nơi có sự qua lại thường xuyên giữa PNG và Australia, có thể tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao hơn. Nguyên nhân là do điều kiện nhà ở và y tế tại các khu vực này vẫn còn hạn chế, ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát dịch bệnh.

Từng có kinh nghiệm làm việc trong các chương trình xóa sổ bại liệt tại Ấn Độ và Nepal, bà Selvey đánh giá tác động của virus bại liệt đối với PNG có thể rất nghiêm trọng. Bà cho biết tỷ lệ tiêm chủng tại quốc gia này nhìn chung còn rất thấp, trong khi hệ thống y tế ở nhiều khu vực vẫn còn yếu kém. Điều này khiến nguy cơ một số ca mắc bại liệt không được phát hiện kịp thời, tạo điều kiện để virus lây lan nhanh chóng trong cộng đồng.

Trong một diễn biến khác, cùng ngày, Bộ Ngoại giao và Thương mại Austraia (DFAT) cho biết nước này đang hỗ trợ chiến dịch tiêm chủng khẩn cấp tại PNG. Theo người phát ngôn DFAT, Australia đang hợp tác chặt chẽ với PNG, WHO và UNICEF để ứng phó với việc phát hiện virus bại liệt. Ngoài ra, Australia cũng hỗ trợ Kế hoạch Ứng phó Bại liệt Quốc gia của PNG, bao gồm các hỗ trợ kỹ thuật chuyên sâu về lĩnh vực này.

Văn Linh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/who-canh-bao-dich-bai-liet-xuat-hien-tai-papua-new-guinea-20250516132422780.htm