WHO cảnh báo nguyên nhân Covid-19 kéo dài sang năm 2022
Đại dịch Covid-19 sẽ hoành hành thêm một năm nữa, dai dẳng hơn là bởi 'các nước nghèo chưa thể có được lượng vắc xin cần thiết', theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Hãng tin BBC dẫn lời Tiến sĩ Bruce Aylward, một lãnh đạo cấp cao thuộc WHO, lý giải điều đó có nghĩa là cuộc khủng hoảng Covid-19 có thể "kéo dài sâu sang năm 2022".
Đến nay, chưa đầy 5% dân số châu Phi được tiêm vắc xin, so với tỷ lệ 40% ở hầu hết các lục địa khác. Anh đã chia sẻ hơn 10 triệu liều vắc xin cho các nước cần đến, trong khi con số được cam kết là 100 triệu liều.
Ý tưởng ban đầu đằng sau Sáng kiến toàn cầu nhằm đảm bảo quyền tiếp cận công bằng với vắc xin Covid-19 (Covax) là tất cả các nước đều có thể mua vắc xin. Tuy nhiên, hầu hết các nước G7 đã quyết định giữ lại ngay khi họ bắt đầu thực hiện các thỏa thuận 1-1 với các công ty dược phẩm. Phần lớn trong tổng lượng vắc xin được sản xuất nằm trong tay các nước giàu. Châu Phi chỉ chiếm 2,6% số liều được tiêm trên toàn cầu.
Tiến sĩ Aylward kêu gọi các nước giàu hãy từ bỏ vị trí của mình trong danh sách nhận vắc xin để các công ty dược có thể ưu tiên cho những nước có thu nhập thấp.
"Tôi có thể nói với các bạn rằng chúng ta đang không đi đúng hướng. Chúng ta thực sự cần phải đẩy nhanh tốc độ, hoặc bạn biết gì không? Đại dịch này sẽ kéo dài quá mức hơn một năm".
Theo Liên minh các quỹ từ thiện The People's Vaccine, hiện chỉ khoảng 1/7 lượng vắc xin mà các công ty dược và các nước giàu cam kết chuyển giao đến được tay các nước nghèo hơn. Ban đầu, Covax đặt mục tiêu phân phối 2 tỷ liều vắc xin vào cuối năm 2021, nhưng đến giờ mới chuyển được 371 triệu liều.