WHO dự đoán Omicron là sự kết thúc 'hợp lý' cho đại dịch ở châu Âu
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Moscow, Nga ngày 11/10/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
* Những câu hỏi cần giải đáp về dòng phụ của biến thể Omicron
Ngày 23/1, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực châu Âu Hans Kluge dự đoán biến thể Omicron có thể lây nhiễm cho 60% người dân châu Âu từ nay tới tháng 3.
Như vậy, đã bắt đầu một giai đoạn mới của đại dịch COVID-19 trong khu vực và có thể khiến đại dịch gần kết thúc.
Phóng viên TTXVN tại Brussels dẫn lời ông Hans Kluge nhận định việc khu vực châu Âu sắp kết thúc đại dịch là chính đáng, đồng thời kêu gọi sự thận trọng vì tính linh hoạt của loại virus này.
Ông ước tính: “Một khi làn sóng Omicron giảm xuống, trong vài tuần và vài tháng sẽ có khả năng miễn dịch tổng thể, do tiêm vaccine hoặc do miễn dịch vì mọi người mắc bệnh, cũng vì dịch bệnh giảm theo mùa”.
Tuy nhiên, quan chức WHO cho hay "chúng ta không ở trong 'giai đoạn đặc hữu' để có thể dự đoán điều gì sẽ xảy ra vì virus này đã nhiều lần khiến chúng ta ngạc nhiên".
Theo số liệu của WHO, trong khu vực bao gồm 53 quốc gia, trong đó một số nằm ở Trung Á (theo phân chia khu vực của WHO), biến thể Omicron chiếm 15% số ca mắc COVID-19 mới tính đến ngày 18/1, cao hơn một nửa so với tuần trước đó.
Tại Liên minh châu Âu (EU) và Khu vực kinh tế châu Âu (EEA), biến thể này xuất hiện vào cuối tháng 11/2021, dễ lây lan hơn so với biến thể Delta và hiện đang chiếm đa số ca mắc COVID-19.
Ông Hans Kluge cho rằng với sự bùng nổ của số ca bệnh, vấn đề hiện nay là “giảm thiểu sự xáo trộn và bảo vệ những người dễ bị tổn thương”, cũng như không còn chỉ tập trung vào việc giảm lây truyền.
* Dòng phụ của biến thể Omicron, được xác định là BA.2 được cơ quan an ninh y tế Anh (UKHSA) đưa vào nhóm “biến thể đang được điều tra” (VUI), trong khi các dữ liệu quốc tế cho thấy dòng biến thể này có thể lây lan tương đối nhanh.
Theo UKHSA, trong 10 ngày đầu năm nay, trên toàn nước Anh ghi nhận hơn 400 ca nhiễm BA.2, và biến thể này đã được phát hiện ở khoảng 40 quốc gia khác, trong đó có Ấn Độ, Đan Mạch và Thụy Điển.
Thông báo của UKHSA ngày 21/1 nêu rõ “vẫn còn nhiều điều không chắc chắn về mức độ biến đổi ở bộ gene của virus” do đó cần quan sát thêm.
Trong khi đó, theo chuyên gia dịch tễ học người Pháp Antoine Flahault, Giám đốc Viện Sức khỏe toàn cầu thuộc Đại học Geneva, mặc dù hiện tại BA.2 chưa được coi là biến thể đáng quan ngại, nhưng các nước cần cảnh giác trước diễn biến mới này trong khi các nhà khoa học đang tích cực giám sát để đánh giá mức độ nguy hiểm của biến thể mới xuất hiện này.
Ông cho biết điều khiến các chuyên gia thấy bất ngờ là mức độ lây lan nhanh chóng của BA.2 khi tới Đan Mạch, dù trước đó đã xuất hiện trên diện rộng ở châu Á.
Các nhà khoa học đang đánh giá xem liệu virus SARS-CoV-2 sẽ tiếp tục tiến hóa và đột biến như thế nào. Định dạng mới nhất của virus này không sở hữu đột biến cụ thể nào từng được dùng để truy vết và so sánh biến thể Omicron gốc (BA.1) với biến thể chủ đạo trước đây là Delta.
Theo chuyên gia Flahault: “Nước Pháp đã dự kiến đỉnh điểm lây nhiễm sẽ là vào giữa tháng 1/2022, nhưng điều đó không xảy ra - có thể là do dòng phụ BA.2 dễ lây lan hơn như độc lực ít hơn so với BA.1". Ông cho biết điều các chuyên gia quan tâm là liệu BA.2 có những đặc tính khác biệt nào so với Omicron.
Trong khi đó, chuyên gia virus học Tom Peacock thuộc Đại học Hoàng gia London, Anh, cho biết những quan sát ban đầu ở Ấn Độ và Đan Mạch cho thấy không có khác biệt lớn về khả năng gây bệnh nghiêm trọng giữa BA.2 và Omicron. Do đó ông cho rằng biến thể phụ BA.2 sẽ không đặt ra câu hỏi về mức độ hiệu quả của các vaccine hiện có, tuy nhiên nhấn mạnh tất cả chỉ là dự đoán từ quan sát ban đầu chứ chưa có cơ sở vững chắc nào cho nhận định này.
Ông dự báo, làn sóng dịch do biến thể Omicron ở nhiều nước đã gần đạt đỉnh điểm, thậm chí có nước đã vượt qua giai đoạn này, và ít có khả năng BA.2 sẽ gây ra một làn sóng kế tiếp.