WHO đưa ra khuyến nghị về chuẩn bị ứng phó với đợt dịch mới
WHO khuyến nghị các nước cần củng cố năng lực hệ thống y tế và tiêm phòng vaccine để chuẩn bị ứng phó với đợt dịch mới do biến thể Omicron gây ra, chứ không nên chỉ dựa vào các biện pháp kiểm soát biên giới.
Theo số liệu của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 4/12 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 265.115.695 ca, trong đó có 5.257.124 người tử vong. Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 660.805 trường hợp mắc COVID-19 và 7.030 ca tử vong.
Trong vài ngày qua, số ca mắc COVID-19 và tử vong đang có xu hướng tăng trở lại trên toàn cầu, nhiều nước chứng kiến sự bùng phát của biến chủng mới. Mỹ, Đức Anh, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ số ca mắc mới vẫn ở mức cao. Trong ngày 3/12, Mỹ là nước có số ca mắc mới cao nhất với hơn 120.000 ca, trong khi Nga có số ca tử vong mới cao nhất thế giới ở mức trên 1.200 ca.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Oslo, Na Uy ngày 27/11/2020. Ảnh: AFP
Sự xuất hiện của biến thể Omicron đang ảnh hưởng tới nhiều nước trên thế giới. Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến nghị các nước cần củng cố năng lực của hệ thống y tế và tiêm phòng đầy đủ cho người dân để chuẩn bị ứng phó với đợt dịch mới do biến thể Omicron gây ra, chứ không nên chỉ dựa vào các biện pháp kiểm soát biên giới.
Giám đốc WHO phụ trách khu vực châu Á- Thái Bình Dương Takeshi Kasai cho rằng, các biện pháp kiểm soát biên giới có thể giúp kéo dài thời gian, nhưng mỗi quốc gia và mỗi cộng đồng cần chủ động chuẩn bị ứng phó với làn sóng dịch bệnh mới.
Ông Kasai nhấn mạnh, các thông tin nghiên cứu về Omicron đến nay cho thấy chưa cần thay đổi cách tiếp cận phòng chống dịch hiện nay. Vì vậy, các nước cần tận dụng các bài học kinh nghiệm rút ra từ các đợt bùng phát dịch trước đó, đặc biệt là đợt bùng phát do biến thể Delta. Theo đó, các nước đảm bảo tiêm phòng đầy đủ cho các nhóm dễ tổn thương và triển khai các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội.
Trong khi đó, trước những quan ngại về biến thể mới Omicron, người phát ngôn của WHO Christian Lindmeier cho rằng các hãng dược phẩm nên chuẩn bị cho kịch bản phải điều chỉnh công thức bào chế các loại vaccine ngừa COVID-19. Ông Lindmeier cho biết WHO vẫn đang nghiên cứu khả năng lây nhiễm và mức độ nghiêm trọng của biến thể mới Omicron. Tính đến ngày 3/12, thế giới chưa có ca tử vong nào liên quan Omicron, mặc dù số ca nhiễm biến thể này ngày càng gia tăng tại nhiều nước.
Tuy nhiên, nhà khoa học hàng đầu của WHO, bà Soumya Swaminathan cho rằng, Omicron rất dễ lây truyền, nhưng mọi người không nên hoảng sợ. Theo bà, các nước nên có những biện pháp ứng phó phù hợp và thận trọng, không nên lo lắng thái quá khi đối mặt biến thể mới, do thế giới đang ở trong một tình huống khác với năm trước và người dân hiện đã được phòng vệ tốt hơn nhiều với sự ra đời của vaccine ngừa COVID-19.
Trong một diễn biến liên quan, bác sĩ chuyên khoa bệnh truyền nhiễm ở Singapore, tiến sĩ Leong Hoe Nam nói rằng, mặc dù vaccine chống biến thể Omicron có thể được phát triển nhanh nhưng chúng cần được thử nghiệm trong 3-6 tháng để chứng minh có thể tạo miễn dịch. “Nhưng nói thẳng, biến thể Omicron sẽ thống trị và lan tràn toàn thế giới trong 3-6 tháng tới”, kênh CNBC dẫn lời tiến sĩ Leong Hoe Nam.
Ông Leong Hoe Nam phân tích, hiện nay, biến thể Delta chiếm 99% ca lây nhiễm COVID-19. Ban đầu, biến thể Delta chỉ phổ biến ở bang Maharashtra ở Ấn Độ hồi tháng 3/2021 và thống lĩnh toàn cầu vào tháng 7.
Moderna cho biết sẽ mất vài tháng để phát triển và tạo ra một loại vaccine dành riêng cho biến thể Omicron. Pfizer thì cho biết có thể có vaccine chống Omicron trong chưa đầy 100 ngày hoặc hơn 3 tháng một chút. Theo ông Leong, thế giới sẽ không thể có vaccine kịp thời và tới lúc có vaccine thì lúc đó mọi người đều đã nhiễm Omicron, nếu tốc độ lây lan cao như hiện nay.
Tiến sĩ Leong cho rằng ba mũi vaccine sẽ có thể bảo vệ con người trước nguy cơ nhiễm bệnh nặng, nhưng nhiều quốc gia vẫn có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Theo ông, Omicron đang đe dọa toàn thế giới khi làm tăng vọt số ca mắc và các hệ thống y tế có thể bị quá tải, cho dù chỉ 1 tới 2% trong số đó phải nhập viện.