WHO kêu gọi 8 triệu USD khẩn cấp để ngăn dịch bùng phát tại Myanmar
Hôm 30/3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá trận động đất ở Myanmar là tình trạng khẩn cấp ở mức độ cao nhất, đồng thời kêu gọi tài trợ 8 triệu USD để cứu người và ngăn chặn dịch bệnh bùng phát tại quốc gia này trong 30 ngày tới.

Theo Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, quy mô thảm họa tại Myanmar là chưa từng thấy trong hơn 100 năm qua ở châu Á và nhu cầu hỗ trợ là cực kỳ cấp thiết. Ảnh: Reuters
Trong lời kêu gọi tài trợ khẩn cấp, WHO nêu rõ: "WHO đã phân loại cuộc khủng hoảng tại Myanmar là tình trạng khẩn cấp cấp độ 3 - mức cao nhất theo Khung Ứng phó Khẩn cấp của tổ chức".
Tổ chức này cho hay, số lượng lớn nạn nhân bị chấn thương có nguy cơ nhiễm trùng cao, do năng lực phẫu thuật hạn chế tại quốc gia này, trong khi điều kiện hiện nay ở Myanmar có thể làm tăng nguy cơ dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm như bệnh tả và sốt xuất huyết.

Nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đã gửi lực lượng tinh nhuệ tới Myanmar để hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất. Ảnh: Reuters
Được biết, Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) cũng đã phát động lời kêu gọi khẩn cấp để quyên góp hơn 100 triệu USD nhằm giúp đỡ các nạn nhân động đất tại Myanmar.
Trận động đất 7,7 độ richter hôm 28/3 làm sập nhiều tòa nhà, cầu, đường và gây tàn phá nặng nề tại Mandalay, thành phố có hơn 1,7 triệu cư dân ở Myanmar. Vào chiều 30/3, một dư chấn mạnh 5,1 độ richter khác đã xảy ra tại đây, khiến nhiều người lại lo sợ chạy ra đường và gây gián đoạn công tác cứu hộ.
Ông Alexander Matheou, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của IFRC cho biết: "Đây không chỉ là một thảm họa, mà là một cuộc khủng hoảng nhân đạo phức tạp chồng chất lên những tổn thương hiện hữu. Quy mô thảm họa này rất lớn, chưa từng thấy trong hơn 100 năm qua ở châu Á và nhu cầu hỗ trợ là cực kỳ cấp thiết".
Đến nay, trận động đất đã khiến hơn 1.700 người thiệt mạng ở Myanmar, khoảng 3.400 người bị thương, 300 người khác mất tích và cướp đi sinh mạng của ít nhất 18 người ở nước láng giềng Thái Lan. Theo Reuters, tại một số khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của Myanmar vì động đất, người dân nói rằng sự hỗ trợ của chính phủ vẫn còn khan hiếm, khiến họ phải tự lo liệu.
Mô hình dự báo của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) cảnh báo, số người thiệt mạng ở Myanmar thậm chí có thể vượt quá 10.000 người và thiệt hại về tài sản có thể vượt tổng sản phẩm kinh tế hàng năm của nước này.