WHO kêu gọi các nước cùng chung tay loại bỏ siro ho gây nguy hiểm cho trẻ em

Sau khi ghi nhận hơn 300 trẻ nhỏ tử vong tại nhiều quốc gia do sử dụng các loại siro ho, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa ra tuyên bố kêu gọi các quốc gia khẩn trương xử lý và loại bỏ các loại dược phẩm không đạt tiêu chuẩn.

WHO nhấn mạnh trong 4 tháng qua, tổ chức này đã tiếp nhận báo cáo về một số vụ việc liên quan các loại siro ho không kê đơn dành cho trẻ em có chứa hàm lượng diethylene glycol (DEG) và ethylene glycol (EG) ở mức cao. Đây là những hóa chất độc hại được sử dụng làm dung môi công nghiệp và các chất chống đông, chúng có thể gây tử vong dù chỉ nuốt phải một lượng rất nhỏ và lẽ ra không được xuất hiện trong các loại dược phẩm.

Phát hiện các vụ nguy hại tới trẻ em khi uống một loại siro

Các vụ việc như vậy đã được phát hiện tại ít nhất 7 quốc gia. Trước đó, vào ngày 29/12, Bộ Y tế Uzbekistan cho biết 18 trẻ em đã chết sau khi uống một loại siro ho do hãng dược Ấn Độ Marion Biotech sản xuất.

Sản phẩm có tên Doc-1 Max, được nhập khẩu vào Uzbekistan thông qua công ty Quramax Medical. Loại thuốc này được quảng cáo như một phương pháp điều trị cảm lạnh và cúm.

Trong khi đó, Gambia, Indonesia cũng ghi nhận các trường hợp trẻ nhỏ tử vong do các loại siro họ có chứa những hóa chất độc hại này. Hầu hết là trẻ dưới 5 tuổi.

Từ đó, WHO đã ban bố các cảnh báo toàn cầu về các mặt hàng dược phẩm có liên quan những vụ việc như trên, đồng thời xác định được 6 công ty dược phẩm tại Ấn Độ và Indonesia sản xuất các loại siro ho gây nguy hiểm cho trẻ em.

WHO nghi ngờ bốn trong số các loại siro ho do Maiden sản xuất, bao gồm Promethazine Oral Solution, siro ho trẻ em Kofexmalin, siro ho trẻ em Makoff và siro cảm lạnh Magrip N, có chứa hàm lượng các hóa chất gây hại cho não, phổi, gan và thận của những người uống chúng.

Kêu gọi các tổ chức liên quan cùng phối hợp

WHO cho rằng các sự cố không phải riêng lẻ, đồng thời kêu gọi các đơn vị trong chuỗi cung ứng y tế phối hợp hành động khẩn cấp. Tổ chức này cũng khuyến nghị các quốc gia cần kịp thời kiểm tra, phát hiện và loại bỏ khỏi thị trường các loại thuốc nhiễm độc, cũng như tăng cường khâu giám sát chặt chẽ đối với các chuỗi cung ứng. Các bên liên quan cũng cần báo cáo cho WHO ngay khi phát hiện các sản phẩm không đạt chuẩn, đồng thời khuyến cáo để người dân nhận thức rõ về mối nguy hiểm và các tác dụng phụ của những loại thuốc như vậy.

Ngoài ra, WHO cũng kêu gọi các chính phủ và các cơ quan quản lý đảm bảo rằng tất cả các mặt hàng dược phẩm trên thị trường tại đất nước của họ đều được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành và chỉ các nhà cung cấp được ủy quyền mới được phép bán các mặt hàng này. Trong khi đó, các nhà sản xuất chỉ nên mua tá dược từ các nhà cung cấp uy tín và đầy đủ tiêu chuẩn. WHO còn cho rằng nên tiến hành thử nghiệm toàn diện khi nhận được các nguyên liệu dược phẩm và trước khi sử dụng cho quá trình sản xuất thành phẩm.

Ngoài ra, WHO khuyến nghị các nhà cung cấp và phân phối dược phẩm cần thường xuyên kiểm tra nhằm sớm phát hiện các dấu hiệu làm giả, cũng như xác định chất lượng thuốc và các sản phẩm y tế khác. WHO một lần nữa nhấn mạnh rằng chỉ những loại thuốc được cơ quan có thẩm quyền cấp phép mới được phân phối hoặc lưu hành trên thị trường.

Nguồn: TTXVN

PV

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/who-keu-goi-cac-nuoc-cung-chung-tay-loai-bo-siro-ho-gay-nguy-hiem-cho-tre-em-179230125205851663.htm