WHO khuyến cáo châu Âu đẩy nhanh tiêm vắc xin, đeo khẩu trang trở lại
Giám đốc WHO châu Âu Hans Kluge. Ảnh: ICN
Trong bối cảnh dòng phụ của biến thể Omicron đang làm gia tăng số ca mắc COVID-19 ở châu Âu, các quốc gia cần phải đẩy nhanh chiến dịch tiêm vắc xin và tái áp đặt các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang để tránh phải triển khai các biện pháp nghiêm ngặt hơn khi mùa thu và đông đang đến gần.
Đây là nhận định được Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại châu Âu Hans Kluge đưa ra trong cuộc phỏng vấn mới đây với hãng tin Reuters.
Trong cuộc phỏng vấn, Giám đốc Kluge cho biết số ca mắc mới COVID-19 đã gia tăng tại châu Âu trong thời gian gần đây. Khoảng gần 3 triệu ca mắc mới COVID-19 đã được ghi nhận tại châu Âu trong tuần qua, chiếm gần 50% trong tổng số ca mắc mới trên toàn cầu. Tỉ lệ bệnh nhân nhập viện đã tăng gấp đôi trong cùng giai đoạn và gần 3.000 người tử vong vì COVID-19 mỗi tuần.
Trước tình hình này, ông Kluge nhấn mạnh sự cần thiết phải tiêm mũi tăng cường thứ hai vắc xin ngừa COVID-19 (mũi thứ tư) trước khi có các vắc xin đặc hiệu đối với các biến thể. Ông cũng khuyến khích việc đeo khẩu trang và cải thiện hệ thống thông khí để tránh phải áp đặt các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hơn như phong tỏa.
Quan chức WHO đồng thời kêu gọi các quốc gia hành động ngay lập tức để tránh khiến hệ thống y tế bị "choáng ngợp" trước sự lây lan mạnh của BA.5 - biến thể phụ của Omicron.
Hiện BA.5 đã trở thành biến thể lây nhiễm chủ đạo tại Mỹ và khiến làn sóng dịch COVID-19 tăng trở lại ở một số nước châu Âu. Theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí khoa học Nature, BA.5 có khả năng kháng vắc xin ngừa COVID-19 công nghệ RNA (bao gồm cả vắc xin của Pfizer và Moderna) gấp 4 lần so với các biến thể phụ khác của Omicron là BA.1, BA.2, BA.3 và BA.4.
Theo tiến sĩ Gregory Poland, người đứng đầu nhóm nghiên cứu vắc xin của Mayo Clinic, những người không tiêm vắc xin có nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn khoảng 5 lần so với những người được tiêm chủng và tiêm mũi tăng cường.
Nguy cơ cần nhập viện điều trị và tử vong ở nhóm người này cũng cao hơn, lần lượt là 7,5 lần và 15 lần so với người đã tiêm chủng.
Trong một nghiên cứu khác công bố ngày 19/7 tại Mỹ, các mũi tiêm nhắc lại vắc xin ngừa COVID-19 tạo ra lượng kháng thể trung hòa cao đối với biến thể Omicron, song lượng kháng thể này suy giảm đáng kể trong vòng 3 tháng.
Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Cell Reports Medicine, các nhà khoa học đã thử nghiệm và đánh giá hiệu quả bảo vệ của hệ thống miễn dịch qua thời gian ở những người trên 18 tuổi đã hoàn thành liều cơ bản vắc xin ngừa COVID-19.
Kết quả cho thấy gần như tất cả loại vắc xin đang lưu hành tạo ra lượng kháng thể trung hòa cao đối với dòng phụ BA.1 của biến thể Omicron.
Tuy nhiên, số lượng kháng thể suy giảm từ 2,4-5,3 lần trong vòng 3 tháng kể từ khi tiêm các mũi nhắc lại. Các nhà nghiên cứu cho biết phát hiện này phù hợp với các báo cáo công bố gần đây cho thấy ở những người đã tiêm liều cơ bản vắc xin ngừa COVID-19 và tiêm một mũi nhắc lại, khả năng bảo vệ chống lại virus SARS-CoV-2 đã suy yếu trong đợt lây nhiễm Omicron.