WHO: Omicron khiến người tiêm rồi vẫn nhiễm, người đã khỏi bệnh cũng tái nhiễm
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết biến thể Omicron lây nhanh hơn chủng Delta, gây tái nhiễm ở những người đã khỏi COVID-19 và khiến những người đã tiêm vaccine cũng nhiễm bệnh.
Hôm 20-12, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết biến thể Omicron đang lây lan nhanh hơn biến thể Delta và khiến những người đã được tiêm chủng vẫn nhiễm COVID-19, thậm chí làm cho những người đã khỏi COVID-19 bị tái nhiễm, hãng Reuters đưa tin.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Hiện đã có bằng chứng nhất quán cho thấy Omicron đang lây lan nhanh hơn nhiều so với biến thể Delta. Nhiều khả năng những người được tiêm chủng có thể bị nhiễm hoặc khỏi COVID-19 có thể tái nhiễm".
Bình luận về biến thể Omicron của WHO trùng với kết quả nghiên cứu của Đại học Imperial College London vào tuần trước. Nghiên cứu này chỉ ra rằng Omicron gây nguy cơ tái nhiễm cao hơn gấp 5 lần và không có dấu hiệu bệnh nhẹ hơn Delta.
Tuy nhiên, các quan chức của WHO cho biết các hình thức tiêm chủng tạo miễn dịch có thể ngăn ngừa lây nhiễm và bệnh nặng.
Trong ngắn hạn, ông Tedros nói rằng các hoạt động lễ hội ở nhiều nơi sẽ dẫn đến sự gia tăng các ca nhiễm khiến hệ thống y tế quá tải và nhiều ca tử vong hơn. Đồng thời, ông kêu gọi mọi người hoãn các cuộc hội họp, tụ tập đông người.
Ngoài ra, ông Tedros cũng mong muốn Trung Quốc - nơi phát hiện ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên phải cung cấp dữ liệu và thông tin liên quan đến nguồn gốc của virus để hỗ trợ việc ứng phó trong tương lai.
Nhà khoa học trưởng của WHO Soumya Swaminathan nói rằng sẽ "thiếu khôn ngoan" nếu vội vàng đưa ra kết luận từ những bằng chứng ban đầu rằng Omicron là một biến thể gây bệnh nhẹ hơn so với Delta.
Bà Soumya Swaminathan cho rằng với số ca nhiễm đang gia tăng, tất cả các hệ thống y tế sẽ rơi vào tình trạng căng thẳng.
Bên cạnh đó, bà cũng cho biết biến thể này có khả năng né tránh một số phản ứng miễn dịch. Điều này đồng nghĩa với việc các quốc gia triển khai tiêm mũi tăng cường nên hướng tới những người có hệ miễn dịch yếu hơn.
Trong khi khả năng bảo vệ của kháng thể khỏi một số tác nhân gây bệnh đã bị suy giảm, vẫn có hy vọng rằng tế bào T - trụ cột thứ hai của phản ứng miễn dịch có thể ngăn bệnh trở nặng bằng cách chống các tế bào nhiễm bệnh của con người.
Chuyên gia Abdi Mahamud của WHO cho biết thêm: "Mặc dù chúng tôi thấy lượng kháng thể trung hòa giảm nhưng hầu như tất cả các phân tích sơ bộ đều cho thấy khả năng miễn dịch trung gian qua tế bào T vẫn còn nguyên. Đó là những gì chúng tôi thực sự cần."
Nhóm nhà khoa học của WHO bày tỏ hy vọng rằng đại dịch sẽ kết thúc vào năm 2022. Bởi lúc này, thế giới sẽ phát triển được vaccine thế hệ thứ hai và thứ ba, phát triển được các phương pháp điều trị kháng sinh và có những đổi mới khác trong việc chống COVID-19.
Chuyên gia hàng đầu của chương trình y tế khẩn cấp WHO Mike Ryan phát biểu rằng WHO hy vọng sẽ phân loại căn bệnh này vào nhóm bệnh tương đối nhẹ, dễ phòng ngừa và dễ điều trị.
Ông cho rằng: "Nếu chúng ta có thể giữ cho sự lây nhiễm ở mức tối thiểu thì có thể chấm dứt đại dịch."