WHO ra khuyến nghị về một vắc-xin Covid-19 mới và 'mũi 4'

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa đưa ra 2 khuyến nghị mới về vắc-xin trong bối cảnh làn sóng Covid-19 bắt đầu tăng tốc ở một số quốc gia chưa qua đỉnh dịch và tỉ lệ tiêm vắc-xin ở nhiều nước còn thấp.

Hãng tin Reuters đưa tin ngày 18-8 rằng WHO vừa khuyến nghị thêm một vắc-xin ngừa Covid-19 mà các quốc gia nên lựa chọn để sử dụng, là vắc-xin của hãng dược phẩm Pháp Valneva.

Cơ quan của Liên Hiệp Quốc này cũng khuyến cáo các quốc gia thành viên nên tiêm liều tăng cường thứ hai cho các cá nhân có nguy cơ mắc bệnh nặng.

Các khuyến cáo được đưa ra trong bối cảnh số ca tử vong do Covid-19 toàn cầu vẫn còn cao (15.000 ca trong tuần thống kê mới nhất), thực tế mà hôm 17-8 Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus từng nhấn mạnh là "không thể chấp nhận được" một khi nhân loại đã có trong tay đầy đủ công cụ chống lại căn bệnh bao gồm vắc-xin.

Nhân viên y tế vận chuyển bệnh nhân mắc Covid-19 ở Nga, quốc gia đang có số ca bệnh tăng cao. Ảnh: AP

Nhân viên y tế vận chuyển bệnh nhân mắc Covid-19 ở Nga, quốc gia đang có số ca bệnh tăng cao. Ảnh: AP

Tiến sĩ Tedros cũng dự báo số ca nhập viện vì Covid-19 thời gian tới "sẽ chỉ có tăng" khi các quốc gia Bắc bán cầu bước vào thời điểm thu - đông, thời tiết lạnh hơn, có thể có các bệnh khác như cúm cùng hoành hành.

Trong khi nhiều quốc gia đã triển khai 2 mũi tăng cường từ lâu, ở một số nơi khác tỉ lệ tiêm mũi tăng cường thứ nhất, thậm chí là mũi cơ bản, vẫn còn thấp.

Tờ Medical Xpress trích dẫn thông báo mới nhất từ Liên minh toàn cầu về vắc-xin và tiêm chủng GAVI rằng hiện tỉ lệ tiêm đủ 2 mũi vắc-xin ngừa Covid-19 cơ bản đã đạt được 50% ở 92 quốc gia có thu nhập thấp trên thế giới; tỉ lệ đạt 80% ở nhóm nguy cơ cao (người cao tuổi, bệnh nền, người làm công tác điều trị và chăm sóc bệnh nhân...) tại các nước này.

Con số này đã là một tiến bộ lớn trong việc thu hẹp khoảng cách vắc-xin giữa các nước giàu và các nước nghèo trên thế giới. Hồi đầu năm 2022, trong khi hầu hết các quốc gia khác đang triển khai mũi 3 (mũi tăng cường thứ nhất), có 34 quốc gia trên thế giới chỉ đạt mức tiêm chủng 2 liều cơ bản dưới 10%.

Lỗ hổng vắc-xin được WHO cho là một trong những vấn đề chính khiến đại dịch kéo dài, số ca bệnh nặng và tử vong vẫn cao.

Số ca Covid-19 tăng nhanh ở Nga, Trung Quốc

Theo Reuters TASS, số ca Covid-19 ở Nga những ngày qua lần đầu tiên đã vượt mốc 30.000 ca kể từ tháng 3 năm nay (làn sóng Omicron trước).

Số liệu từ Trung tâm chống khủng hoảng Coronavirus của Nga ngày 18-8 cho biết trong vòng 24 giờ trước đó, Nga có thêm 35.809 ca Covid-19, là con số cao nhất kể từ ngày 16-3. Ngoài ra, có tới 3.283 người nhập viện vì Covid-19, tăng 3,3% so với 1 ngày trước. Điểm nóng vẫn là Moscow với 9.080 ca trong ngày thống kê gần nhất.

Bloomberg đưa tin số ca Covid-19 ở Trung Quốc đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 3 tháng với tỉnh Hải Nam trở thành tâm điểm.

Hàng ngàn chiếc xe đang bị mắc kẹt trên một đường cao tốc ở Tây Tạng - nơi số ca cũng tăng trong những ngày qua - khi một tỉnh lân cận từ chối cho xe từ khu vực này đi vào.

Nhà chức trách ở thành phố ven biển Hạ Môn đã bắt đầu yêu cầu các ngư dân phải xét nghiệm Covid-19 cho bản thân lẫn cho... các con cá họ đánh bắt được để tìm virus vì lo ngại bệnh có thể lây lan qua hoạt động buôn bán thủy hải sản bất hợp pháp.

Thu Anh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/suc-khoe/who-ra-khuyen-nghi-ve-mot-vac-xin-covid-19-moi-va-mui-4-20220819101213398.htm