WHO sẽ tiếp tục hỗ trợ triển khai giải pháp kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, tình trạng kháng kháng sinh cùng mối đe dọa từ vi khuẩn đa kháng thuốc đang ngày càng gia tăng và sự xuất hiện của các dịch bệnh mới nổi và tái nổi.

Nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Kiểm soát nhiễm khuẩn là một trong những trụ cột quan trọng trong bảo đảm an toàn người bệnh, chất lượng dịch vụ y tế và năng lực ứng phó của hệ thống y tế trước các bệnh truyền nhiễm. Đại dịch COVID-19 đã qua khẳng định vai trò không thể thiếu của công tác này, không chỉ trong phòng chống dịch mà còn trong công tác bảo vệ đội ngũ y tế và cộng đồng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh giai đoạn 2025-2030, do Bộ Y tế tổ chức sáng 10/4.

Chênh lệch về nguồn lực và năng lực giữa các cấp

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, trong thời gian qua, ngành y tế đã có nhiều nỗ lực để kiện toàn hệ thống, xây dựng hành lang pháp lý, phát triển nhân lực và triển khai chuyên môn kỹ thuật về kiểm soát nhiễm khuẩn. Những kết quả bước đầu đó đã tạo nền tảng quan trọng cho việc nâng cao chất lượng và bảo đảm an toàn trong các cơ sở khám, chữa bệnh.

“Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như sự chênh lệch về nguồn lực và năng lực giữa các cấp khám chữa bệnh; hạ tầng, thiết bị, vật tư kiểm soát nhiễm khuẩn còn thiếu thốn. Bên cạnh đó, ý thức tuân thủ quy trình của một bộ phận nhân viên y tế và người bệnh, người nhà người bệnh còn hạn chế. Đặc biệt, tình trạng kháng kháng sinh cùng mối đe dọa từ vi khuẩn đa kháng thuốc đang ngày càng gia tăng và sự xuất hiện của các dịch bệnh mới nổi và tái nổi. Những thách thức đó đòi hỏi ngành y tế cần có hành động mạnh mẽ, đồng bộ và kịp thời hơn nữa,” Giáo sư Trần Văn Thuấn phân tích.

 Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trên cơ sở đó, Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát nhiễm khuẩn giai đoạn 2025-2030. Đây là tài liệu định hướng quan trọng, có tính chiến lược, nhằm đồng bộ hóa các hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn trên phạm vi cả nước, phù hợp với chiến lược nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và các khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới. Đây sẽ là kim chỉ nam quan trọng để các đơn vị, cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước triển khai bài bản, đồng bộ và hiệu quả công tác kiểm soát nhiễm khuẩn.

Ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, cho hay Kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh giai đoạn 2025-2030 được ban hành kèm theo Quyết định số 38/QĐ-BYT ngày 03 tháng 01 năm 2025 của Bộ trưởng Bộ Y tế nhằm nâng cao năng lực phòng và kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám chữa bệnh nhằm tăng cường chất lượng, bảo đảm an toàn người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng.

Kế hoạch hướng tới 7 mục tiêu gồm: Tăng cường năng lực hệ thống quản lý và chính sách về kiểm soát nhiễm khuẩn; Nâng cao nhận thức và năng lực nhân viên y tế về kiểm soát nhiễm khuẩn; Cải thiện cơ sở hạ tầng và thiết bị kiểm soát nhiễm khuẩn; Giảm thiểu nguy cơ nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế; Tăng cường hệ thống giám sát, báo cáo nhiễm khuẩn bệnh viện và tình hình sử dụng kháng sinh; Tăng cường năng lực đáp ứng với bệnh dịch; Thúc đẩy nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và ứng dụng công nghệ trong kiểm soát nhiễm khuẩn.

WHO sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam

Thạc sỹ Hà Thị Kim Phượng, Phòng Điều dưỡng-Tiết chế và Kiểm soát Nhiễm khuẩn (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh) cho hay dự báo đến năm 2050, gần 3,5 triệu người trên thế giới có thể tử vong do nhiễm khuẩn bệnh viện mỗi năm, gấp 4,4 lần so với HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục cộng lại.

Thống kê trên toàn cầu do WHO thực hiện năm 2022 cho thấy 100 người bệnh tại các bệnh viện chăm sóc cấp tính có 7 người bệnh ở các quốc gia có thu nhập cao và 15 người bệnh ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình mắc ít nhất một loại nhiễm khuẩn bệnh viện trong thời gian nằm viện.

Trung bình, 1 trong 10 người bệnh bị ảnh hưởng sẽ tử vong do nhiễm khuẩn bệnh viện. Đặc biệt, hằng năm, có khoảng 136 triệu ca nhiễm khuẩn bệnh viện do vi khuẩn kháng kháng sinh.

Trong khi đó, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện ở các nước đang phát triển cao gấp 3 lần so với các nước phát triển đồng thời, hệ thống y tế chịu áp lực lớn hơn do hạn chế về nguồn lực và kiểm soát nhiễm khuẩn.

 Tiến sỹ Angela Pratt - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tiến sỹ Angela Pratt - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Về phía Tổ chức Y tế Thế giới, Tiến sỹ Angela Pratt - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh kiểm soát nhiễm khuẩn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc đảm việc dịch vụ y tế ở bất kỳ quốc gia nào. Điều này giúp bảo vệ nhân viên y tế và bệnh nhân trước bất kỳ dịch bệnh nào. Do đó, những nỗ lực kiểm soát nhiễm khuẩn ở bất kể cơ sở y tế nào dù công hay tư ở bất kể cấp độ nào đều vì lợi ích của cả hệ thống. Bà cũng đánh giá cao những tiến bộ mà Việt Nam đã đạt được trong kiểm soát nhiễm khuẩn tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

Theo bà, để đạt hiệu quả cao hơn, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia, các tổ chức quốc tế và các ngành liên quan.

Tổ chức Y tế Thế giới cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc cải thiện hệ thống y tế, đồng thời xây dựng và triển khai các giải pháp kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám, chữa bệnh một cách hiệu quả hơn trong tương lai.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh để Kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh giai đoạn 2025-2030 đi vào thực tiễn một cách hiệu quả, các cơ sở y tế, các đơn vị, địa phương phải tập trung vào các nội dung trọng tâm.

Các cơ sở y tế cần xác định kiểm soát nhiễm khuẩn là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, có tính nền tảng, gắn chặt với quản lý chất lượng và an toàn người bệnh. Đây không chỉ là trách nhiệm của riêng khoa kiểm soát nhiễm khuẩn mà là trách nhiệm chung của toàn thể cán bộ y tế trong mỗi cơ sở khám, chữa bệnh.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và mở rộng hợp tác quốc tế, tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển trong triển khai các hoạt động chuyên môn và nâng cao năng lực hệ thống./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/who-se-tiep-tuc-ho-tro-trien-khai-giai-phap-kiem-soat-nhiem-khuan-benh-vien-post1026940.vnp