WHO tin tưởng Việt Nam có năng lực làm chủ công nghệ vaccine mRNA

Theo Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, với năng lực và cam kết mạnh mẽ, Việt Nam sẽ có thể chuyển sang giai đoạn sản xuất vaccine mRNA tương đối nhanh chóng.

Ngày 23/2 vừa qua, WHO đã tổ chức buổi họp báo, trong đó công bố thêm năm nước gồm Bangladesh, Indonesia, Pakistan, Serbia và Việt Nam được lựa chọn tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine mRNA theo sáng kiến của Trung tâm chuyển giao công nghệ mRNA được WHO thành lập tại Nam Phi.

Nhân dịp này, Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, đã chia sẻ với Báo Thế giới & Việt Nam về ý nghĩa và những kỳ vọng của mình đối với việc tiếp nhận công nghệ sản xuất vaccine mRNA tiên tiến của Việt Nam.

Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam. (Nguồn: WHO)

Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam. (Nguồn: WHO)

Thưa Tiến sĩ Kidong Park, xin ông đánh giá ý nghĩa trước mắt và lâu dài của việc Việt Nam là một trong năm nước được lựa chọn tiếp nhận chuyển giao công nghệ vaccine mRNA theo danh sách WHO công bố mới đây?

Mục tiêu của sáng kiến chuyển giao công nghệ vaccine mRNA của WHO là xây dựng năng lực ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình để sản xuất vaccine mRNA thông qua một trung tâm đào tạo chuyên môn.

Vào tháng 7/2021, WHO đã chỉ định Nam Phi là nơi thành lập Trung tâm chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine mRNA.

Cho đến nay, WHO đã công bố 11 quốc gia tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine mRNA, bao gồm Bangladesh, Ai Cập, Indonesia, Kenya, Nigeria, Senegal, Nam Phi, Pakistan, Serbia, Tunisia và Việt Nam

Việc tập huấn chuyên môn sẽ được cung cấp cho một công ty vaccine tại Việt Nam thông qua Trung tâm đào tạo sản xuất sinh phẩm toàn cầu và bởi WHO. Thông qua quá trình này, Việt Nam có thể bắt đầu sản xuất vaccine theo quy mô an toàn, hiệu quả và theo Thực hành sản xuất tốt (GMP) của WHO càng sớm càng tốt.

Các liều vaccine mRNA sẽ giúp Việt Nam và các quốc gia khác giải quyết tình trạng thiếu hụt vaccine trên toàn cầu. Thông qua sáng kiến này, Việt Nam sẽ đóng góp vào nỗ lực toàn cầu trong việc thu hẹp bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine và bảo đảm an ninh vaccine ở quốc gia và khu vực.

Công nghệ vaccine mRNA là công nghệ tiên tiến để sản xuất vaccine an toàn và hiệu quả cao như Moderna, Pfizer ngừa Covid-19; cho phép cập nhật với các biến chủng mới và sản xuất với số lượng lớn. Đồng thời, công nghệ mRNA có rất nhiều tiềm năng để sử dụng sản xuất các loại vaccine khác và phát triển nâng cao hơn thế.

Do đó, việc chuyển giao công nghệ này không chỉ có ý nghĩa trong phòng chống dịch Covid-19 mà còn là đòn bẩy giúp Việt Nam có cơ hội phát triển năng lực công nghệ sinh phẩm của mình hơn nữa, góp phần chủ động ứng phó tốt hơn với các dịch bệnh khác trong tương lai.

“Việt Nam là nước đang phát triển nhưng đã có nhiều kinh nghiệm trong phát triển vaccine trong nhiều thập kỷ qua, hệ thống quản lý chất lượng vaccine quốc gia của Việt Nam cũng đã được WHO công nhận. Chúng tôi tin tưởng rằng khi tham gia sáng kiến này, Việt Nam có thể sản xuất vaccine mRNA trên quy mô lớn, không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn cung cấp cho các nước trong khu vực và trên thế giới, góp phần khắc phục sự bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine”

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long

Theo ông, vì sao Việt Nam được lựa chọn để tiếp nhận công nghệ sản xuất vaccine tiên tiến này?

Với sự hỗ trợ của một nhóm chuyên gia, WHO đã xem xét đơn đăng ký của nhiều quốc gia và chọn ra 11 quốc gia vào danh sách các nước nhận chuyển giao công nghệ mRNA, trong đó có Việt Nam. Điều này chứng tỏ Việt Nam có khả năng tiếp nhận tốt công nghệ vaccine mRNA.

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng cam kết xây dựng năng lực quốc gia về sản xuất vaccine.

Với năng lực và cam kết của Việt Nam, cùng với việc đào tạo có mục tiêu từ sáng kiến chuyển giao công nghệ, tôi tin rằng Việt Nam sẽ có thể chuyển sang giai đoạn sản xuất vaccine mRNA tương đối nhanh chóng.

Trong quá trình chuyển giao công nghệ vaccine mRNA, Việt Nam có thể gặp những khó khăn và thách thức gì? Và Việt Nam cần làm gì để quá trình chuyển giao diễn ra thành công và tận dụng tối đa cơ hội này?

Có hai yếu tố quan trọng mà Việt Nam cần xem xét lúc này.

Một là, xây dựng năng lực sản xuất bền vững về quy mô theo Thực hành sản xuất tốt (GMP) của WHO.

Hai là, tăng cường năng lực của cơ quan quản lý vaccine để đánh giá, thẩm định chất lượng vaccine và giám sát hiệu quả vaccine trên thực tế (Giám sát tính an toàn của thuốc sau khi được cấp phép sử dụng rộng rãi).

Những điều này đòi hỏi sự đầu tư dài hạn và cam kết cao của cả Chính phủ cũng như các nhà sản xuất vaccine.

Kỳ vọng của ông về quá trình Việt Nam tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine mRNA?

Tôi hy vọng rằng, vaccine Covid-19 được sản xuất tại Việt Nam bằng công nghệ mRNA được chuyển giao thông qua sáng kiến này sẽ đáp ứng nhu cầu vaccine cho tiêu dùng trong nước và cho các nước trong khu vực và trên thế giới. Qua đó, góp phần giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine.

Việt Nam cũng có thể đặt kỳ vọng tiến thêm một bước thông qua sáng kiến này, hướng tới việc trở thành Trung tâm chuyển giao công nghệ mRNA trong khu vực.

Xin cảm ơn Tiến sĩ!

Trung tâm chuyển giao công nghệ mRNA được WHO thành lập tại thành phố Cape Town, Nam Phi vào tháng 6/2021 theo sáng kiến WHO đưa ra tháng 4/2021, trên cơ sở quan hệ đối tác giữa WHO với công ty Afrigen của Nam Phi, các đối tác Nam Phi và các đối tác quốc tế.

Liên minh châu Âu (EU), đặc biệt là các nước Bỉ, Đức, Pháp ủng hộ nỗ lực của WHO, đã hỗ trợ và đầu tư lớn cho trung tâm này.

Mục tiêu của trung tâm là hỗ trợ các nhà sản xuất ở các nước thu nhập thấp và trung bình tự sản xuất được vaccine công nghệ mRNA, thông qua cung cấp hỗ trợ cần thiết về bí quyết sản xuất, quản lý chất lượng, bảo đảm sản xuất vaccine theo công nghệ mRNA ở quy mô lớn và đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Thu Trang

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/who-tin-tuong-viet-nam-co-nang-luc-lam-chu-cong-nghe-vaccine-mrna-175748.html