Áp thuế nước ngọt theo hàm lượng đường: phải bảo đảm công bằng

Việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với nước giải khát có đường là giải pháp cấp bách, nhằm bảo vệ sức khỏe người dân.

Tuy nhiên, cần cân nhắc về các bậc thuế khác nhau theo hàm lượng đường để hướng tới mục tiêu điều tiết vĩ mô, giúp người dân ý thức khi tiêu dùng, đồng thời bảo đảm tính công bằng giữa các DN trong ngành đồ uống.

Định hướng tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng

Tại dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, Bộ Tài chính đã bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB. Theo lập luận của Bộ Tài chính, việc bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB là để thực hiện các chủ trương chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về bảo vệ sức khỏe Nhân dân, khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc UNICEF và Bộ Y tế về thực tế bệnh tật liên quan đến nước giải khát có đường tại Việt Nam.

Việc này nhằm nâng cao nhận thức và hạn chế tiêu thụ nước giải khát có đường, mang lại lợi ích về sức khỏe cộng đồng, đặc biệt đối với giới trẻ, thế hệ tương lai của quốc gia, phù hợp với thông lệ quốc tế. Kịp thời ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng thừa cân, béo phì đáng báo động ở trẻ em và thanh thiếu niên, nhằm dự phòng giảm thiểu rủi ro bệnh tật và gánh nặng y tế đối với bệnh không lây nhiễm.

Đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt đồ uống có đường để bảo vệ sức khỏe người dân. Ảnh: Hải Linh

Đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt đồ uống có đường để bảo vệ sức khỏe người dân. Ảnh: Hải Linh

Bộ Tài chính cũng tính toán rằng, giá nước ngọt có thể tăng 10% khi chịu thuế TTĐB mức tương ứng. Việc áp thuế có thể làm giảm sản lượng, doanh thu, lợi nhuận của các công ty sản xuất, nhập khẩu mặt hàng này trong thời gian đầu, nhưng sẽ khuyến khích DN sản xuất các sản phẩm tốt hơn cho sức khỏe người tiêu dùng. Đồng thời, định hướng người tiêu dùng chuyển sang dùng sản phẩm thay thế hoặc loại ít đường, tốt hơn cho sức khỏe.

Chia sẻ về tác hại của đồ uống có đường, TS Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, đã có bằng chứng cho thấy tiêu thụ đồ uống có đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2, sâu răng và khiến mọi người thừa cân và béo phì. Đây là những vấn đề sức khỏe quan trọng, thậm chí tiêu thụ đồ uống có đường có thể dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ, kể cả gây ra ung thư.

Đồng tình việc đánh thuế nước giải khát có đường, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (giảng viên cao cấp Học viện Tài chính) viện dẫn, đánh thuế đồ uống có đường trở thành xu thế chung trên thế giới. Hiện có khoảng 117 quốc gia và vùng lãnh thổ (chiếm 57% dân số thế giới) đã áp thuế TTĐB đối với đồ uống có đường. Các quốc gia này coi áp thuế là một công cụ chính sách hiệu quả để định hướng sản xuất và tiêu dùng xã hội đối với những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ không được khuyến khích tiêu dùng. Trong đó, đặc biệt phải kể đến những sản phẩm không có lợi cho sức khỏe và môi trường.

Đối với Việt Nam, việc áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường trở thành vấn đề cấp bách. Việc xem xét, chỉnh sửa và đề nghị Quốc hội phê duyệt Luật Thuế TTĐB với đồ uống có đường có thể thực hiện ngay trong năm 2024 để góp phần bảo vệ sức khỏe Nhân dân.

Hiện nay, Việt Nam chưa có thuế TTĐB đánh vào đồ uống có đường, sản phẩm này chỉ chịu ảnh hưởng của thuế giá trị gia tăng 10%. Về bản chất, thuế TTĐB đánh vào người tiêu dùng nhằm điều chỉnh hành vi tiêu dùng. Kinh nghiệm thế giới và Việt Nam cho thấy, việc tăng thuế đối với rượu, bia, nước ngọt không làm ảnh hưởng đến thu ngân sách, việc làm của người lao động, mà vẫn bảo đảm hạn chế tiêu thụ.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng đưa ra những con số báo động về tình trạng gia tăng đột biến sản lượng tiêu thụ đồ uống có đường trong những năm qua tại Việt Nam. Năm 2018 tăng 5,15% so với 2017; năm 2019 tăng 4,9% so với 2018; năm 2020 tăng 4,5% so với 2019; năm 2021 tăng 4,2%; năm 2022 sản xuất và tiêu thụ hơn 10 tỷ lít với mức tăng hơn 5% so với 2021.

Cân nhắc tính bậc thuế theo hàm lượng đường

Do nước giải khát có đường là mặt hàng mới bổ sung vào đối tượng chịu thuế TTĐB, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng mức thuế suất 10% đối với mặt hàng này. Lý giải về ngưỡng chịu thuế 5g trong 100ml, Bộ Tài chính cho biết, nhiều nước áp thuế với nước ngọt theo hàm lượng này như một số nước EU. Nhưng cũng có quốc gia chọn ngưỡng cao hơn, như Pháp đánh thuế với hàm lượng trên 11g trong 100ml; Ireland và Anh theo hai ngưỡng: 5 - 8g chịu một mức thuế và trên 8g sẽ cao hơn 1,5 lần.

Cùng với đó, khi thực hiện áp thuế 10% với mặt hàng này, số thu ngân sách Nhà nước tăng năm đầu tiên, do đây là đối tượng chịu thuế TTĐB mới bổ sung. Đối với DN, việc áp thuế TTĐB đối với các sản phẩm nước giải khát có đường có hàm lượng đường trên 5g/100ml sẽ khuyến khích các DN thay đổi thành phần, công thức sản xuất nước giải khát, giảm tỷ lệ đường trong sản phẩm để không chịu thuế TTĐB. Từ đó, khuyến khích sản xuất các sản phẩm tốt hơn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Trước đề xuất này của Bộ Tài chính, có nhiều ý kiến trái chiều về mức thuế suất 10% và việc đánh đồng một mức thuế suất chung các loại đồ uống với tỷ lệ đường khác nhau. Ở góc độ DN sản xuất nước giải khát, Tổng Giám đốc Công ty cà phê trái cây Meet More Nguyễn Ngọc Luận cho rằng, mức thuế TTĐB 10% là quá cao, thuế chồng thuế, gây nhiều khó khăn cho DN, nhất là trong bối cảnh thị trường ảm đạm. Vì vậy, ông Nguyễn Ngọc Luận đề xuất chỉ nên áp thuế 5% là phù hợp.

Trong khi đó, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, cần đánh thuế đủ mạnh mới đem lại hiệu quả rõ ràng trong việc thay đổi hành vi tiêu dùng, hạn chế các hệ lụy tiêu cực đến sức khỏe người dân. PGS.TS Đinh Trọng Thịnh lấy ví dụ tại Ấn Độ xếp đồ uống có đường bổ sung vào danh mục đánh thuế cao nhất. Người tiêu dùng phải trả 28% thuế, giống như đối với ô tô hạng sang và các sản phẩm thuốc lá. Điều này khiến giá loại đồ uống này tăng cao, kéo theo doanh số bán hàng giảm sút.

Hay tại Anh, năm 2018, Chính phủ Anh đã đưa ra hệ thống hai cấp, người tiêu dùng phải trả thuế 18 xu/lít cho 5g đường/100ml và 24 xu cho 8g đường trở lên. Mặc dù điều này dẫn đến việc giảm nhanh chóng việc tiêu thụ đồ uống có đường nhưng nó cũng tạo ra động lực cho các nhà sản xuất giảm đáng kể hàm lượng đường trong nước ngọt của họ. Kết quả là nhiều nhà sản xuất đã giảm lượng đường trong đồ uống.

Cũng đồng tình việc áp thuế suất cao với các loại nước ngọt, TS Nguyễn Thùy Duyên, Đại học Queen's University Belfast (Anh) cho rằng, nên xem xét áp các bậc thuế khác nhau theo hàm lượng đường, tương tự rượu, bia chia theo nồng độ cồn. Việc này đảm bảo mục tiêu điều tiết vĩ mô, giúp người dân ý thức hạn chế dùng sản phẩm không tốt cho sức khỏe. Ngược lại, phương án này minh bạch, công bằng với DN trong ngành đồ uống.

Đưa ra các kịch bản tăng thuế, TS Nguyễn Thị Duyên khuyến nghị, có thể đánh thuế tuyệt đối theo hàm lượng đường, thuế tuyệt đối theo thể tích, thuế theo giá xuất xưởng, tuy nhiên, cần tính phương án khả thi để đạt hiệu quả cao trong việc hạn chế tiêu thụ đồ uống có đường.

“Mỗi chính sách có ưu nhược điểm khác nhau, nhưng tôi cho rằng thuế tuyệt đối theo hàm lượng đường là ưu việt cho Việt Nam, bởi đánh thuế trọng tâm vào sản phẩm có hàm lượng cao và đề nghị người tiêu dùng cân nhắc khi sử dụng sản phẩm. Đồng thời, tạo áp lực cho các nhà sản xuất thay đổi trọng tâm chiến lược từ sản phẩm chứa lượng đường cao sang sản phẩm có lợi cho sức khỏe” - TS Nguyễn Thị Duyên nhấn mạnh.

Thuế TTĐB đối với đồ uống có đường là một công cụ mạnh mẽ để bảo vệ sức khỏe. Việc tăng giá đồ uống có đường bằng cách đánh thuế sẽ khuyến khích mọi người giảm tiêu thụ các đồ uống này và chuyển sang đồ uống lành mạnh hơn như nước suối và các loại đồ uống không đường khác.
TS Angela Pratt - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam

Phương Nga

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ap-thue-nuoc-ngot-theo-ham-luong-duong-phai-bao-dam-cong-bang.html