World Bank hỗ trợ Việt Nam khử carbon trong giao thông
Sáng 22/11, World Bank kết hợp cùng Đại sứ quán Úc đã công bố báo cáo và các đề xuất cho lộ trình chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện tại Việt Nam.
Báo cáo chỉ rõ để đạt được mục tiêu giảm carbon từ các phương tiện giao thông chạy bằng động cơ đốt trong là một quá trình phức tạp cần có sự hợp tác liên chính phủ. Trong tương lai gần, xe máy vẫn là phương tiện chiếm lĩnh thị trường xe Việt Nam, và bước đầu tiên để thay đổi, để xanh hóa là khuyến khích người dân chuyển đổi sang xe máy điện thay vì xe xăng.
Trong ngành giao thông vận tải, tỷ lệ phát thải khí carbon trong quá trình đốt cháy nhiên liệu xăng, dầu từ các phương tiện giao thông đường bộ là tác nhân lớn nhất gây ra phát thải khí nhà kính, chiếm khoảng 85%. Điện khí hóa phương tiện vận tải đường bộ là chiến lược then chốt để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Trọng tâm chuyển đổi của mỗi quốc gia phụ thuộc vào cơ cấu sở hữu xe hiện tại và sự thay đổi dự kiến của cơ cấu này trong tương lai.
Với Việt Nam, khoảng 90% tổng số phương tiện đăng ký trong năm 2022 là xe 2 bánh, bao gồm cả xe máy và xe gắn máy các loại. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2035, các cơ quan quản lý cần vạch ra lộ trình khuyến khích người dân chuyển đổi sang phương tiện cá nhân sử dụng năng lượng sạch.
Ông Benedict Eijbergen - Giám đốc Ban quản lý giao thông khu vực Đông Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB), cho biết: “Chuyển đổi từ động cơ đốt trong sang xe điện không phải việc đơn giản. Quá trình này đòi hỏi phải có kế hoạch chặt chẽ, phù hợp với từng phân khúc phương tiện tại Việt Nam. Từ xe máy cá nhân đến phương tiện công cộng, chi phí cho việc điện hóa đều khác nhau”.
Hiện nay, nước ta là thị trường xe điện 2 bánh lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Trong phân khúc xe máy, xe mô tô 2 bánh, quá trình chuyển đổi từ xăng sang điện đã bắt đầu diễn ra tại Việt Nam. Tuy nhiên trên thực tế, hạ tầng dành cho xe điện và xe sử dụng năng lượng sạch khác đang là thách thức lớn nhất đối với cuộc cách mạng xanh giao thông.
Hiện, nguồn nhiên liệu sạch cung cấp cho xe buýt, tàu điện còn eo hẹp chứ chưa nói đến lượng phương tiện cá nhân cao gấp hàng trăm lần. Để kế hoạch này có hiệu quả, Việt Nam cần thêm những nguồn lực hỗ trợ khác. Tại Hội thảo, đại diện Ngân hàng Thế giới cam kết sẽ hỗ trợ và chung tay cùng chính phủ Việt Nam vượt qua các thách thức để phát triển bền vững trong thời gian tới.
Bà Mariam J. Sherman - Giám đốc quốc gia của World Bank tại Việt Nam, cho biết: “Việc khử carbon trong ngành giao thông vận tải là một bước chuyển đổi quan trọng nhưng cũng rất phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp cẩn thận giữa các cơ quan chính phủ. Ngân hàng Thế giới cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong chương trình khử carbon trong lĩnh vực giao thông vận tải và các lĩnh vực năng lượng khác nữa”.
Với Hà Nội, thành phố đã tiên phong trong việc “xanh hóa” phương tiện vận tải công cộng khi vừa phê duyệt "Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn thành phố". Tuy nhiên, thành phố còn gần 9 triệu xe cơ giới đang sử dụng xăng, dầu, là một trong những nguồn phát thải chính gây ô nhiễm môi trường không khí. Do đó, Thủ đô Hà Nội cần có những lộ trình phù hợp để xanh hóa các phương tiện cá nhân, thực hiện một cuộc “cách mạng xanh” thực sự với môi trường của thành phố, góp phần mạnh mẽ vào công cuộc chuyển đổi xanh của quốc gia.