World Bank: Tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 duy trì ổn định
World Bank cho biết, kinh tế Mỹ tăng trưởng vượt kỳ vọng đã khiến tổ chức này nâng nhẹ triển vọng tăng trưởng toàn cầu năm 2024. Tuy nhiên, con số tổng thế vẫn sẽ thấp hơn nhiều so với trước đại dịch Covid-19 cho đến năm 2026.
Reuters đưa tin, trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu công bố ngày 11/6, World Bank dự báo nền kinh tế toàn cầu duy trì mức tăng trưởng ổn định 2,6% vào năm 2024, không thay đổi so với năm 2023. Con số này tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 1 của World Bank, phần lớn nhờ vào tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ.
Ông Ayhan Kose – Phó chuyên gia kinh tế trưởng tại World Bank, nhận định có dấu hiệu cho thấy nền kinh tế toàn cầu “hạ cánh mềm”. Ông lưu ý rằng lãi suất tăng mạnh đã làm giảm lạm phát nhưng không gây ra tình trạng mất việc làm lớn và các gián đoạn khác ở Mỹ hoặc các nền kinh tế lớn. “Đó là tin tốt. Nhưng tin không tốt là chúng ta có thể bị mắc kẹt trong làn đường chậm,” ông nói.
World Bank dự báo mức tăng trưởng toàn cầu là 2,7% trong cả năm 2025 và 2026. Tuy nhiên, con số này hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu 3,1% trong thập kỷ trước đại dịch Covid-19.
Tổ chức này cũng dự báo rằng lãi suất toàn cầu trong 3 năm tới sẽ vẫn gấp đôi mức trung bình giai đoạn 2000-2019, kìm hãm tốc độ tăng trưởng và gây thêm áp lực nợ đối với các quốc gia thị trường mới nổi đã vay bằng đồng USD.
World Bank dự báo nền kinh tế Ấn Độ sẽ tăng trưởng 6,6% trong năm nay, giảm từ mức 8,2% vào năm 2023. Mặc dù tăng trưởng kinh tế Ấn Độ được dự đoán sẽ chậm lại, nhưng quốc gia này vẫn tiếp tục là nền kinh tế lớn tăng tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Báo cáo của World Bank chỉ ra rằng, tăng trưởng kinh tế ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương – bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, các quốc gia ASEAN và các quốc đảo Thái Bình Dương – dự kiến sẽ giảm từ mức 4,2% xuống 4% trong năm nay.
Đối với nền kinh tế Trung Quốc, World Bank nâng mức dự báo tăng trưởng năm 2024 của quốc gia này từ mức 4,5% trong tháng 1 lên mức 4,8%, phần lớn là nhờ xuất khẩu tăng bù đắp cho nhu cầu trong nước yếu. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ giảm xuống còn 4,1% vào năm 2025, trong bối cảnh niềm tin đầu tư và tiêu dùng yếu kém cũng như tình trạng suy thoái trong lĩnh vực bất động sản đang diễn ra.
Trong khi đó, Việt Nam và Indonesia được World Bank coi là điểm sáng trong số các nền kinh tế lớn trong khu vực, với dự báo tăng trưởng lần lượt là 5,5% và 5%. Trong số các nền kinh tế tiên tiến, Nhật Bản – với tốc độ tăng trưởng tiêu dùng và xuất khẩu chậm lại, được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 0,7% vào năm 2024, so với mức 1,9% của năm ngoái.
Đối với Mỹ, World Bank dự báo rằng nền kinh tế nước này tiếp tục duy trì ổn định ở mức tăng trưởng 2,5% trong năm thứ hai liên tiếp vào năm 2024, với cơ hội tăng trưởng mạnh hơn dự kiến.
Tuy nhiên, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm có khả năng làm leo thang căng thẳng địa chính trị, phân tán thương mại và cản trở các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương. Các bên cho vay toàn cầu cho biết các chính sách thương mại bảo hộ của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sẽ là một vấn đề nếu ông giành chiến thắng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.
Báo cáo của World Bank đã cảnh báo về một kịch bản lãi suất “cao hơn trong thời gian dài”, lạm phát dai dẳng ở các nền kinh tế tiên tiến khiến lãi suất cao hơn khoảng 40 điểm cơ bản so với dự báo của bên cho vay, khiến mức tăng trưởng toàn cầu năm 2025 lao dốc xuống 2,4%.
Tổ chức này cũng đề cập đến những rủi ro lớn nhất đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu, bao gồm sự tác động lớn từ các cuộc xung đột vũ trang ở Dải Gaza và Ukraine.
Một cuộc chiến lan rộng hơn ở Trung Đông có thể gây ra sự gián đoạn hơn nữa trong vận chuyển và đẩy giá dầu và lạm phát toàn cầu tăng cao. Tương tự như vậy, cuộc xung đột Nga – Ukraine vẫn chưa đi đến hồi kết cũng được dự báo có thể làm gián đoạn thị trường dầu và ngũ cốc, bóp nghẹt đầu tư vào các nước lân cận trong khu vực.
Việc gia tăng các hạn chế thương mại do cạnh tranh địa chính trị cũng có thể cản trở sự phục hồi của tăng trưởng khối lượng thương mại toàn cầu. Chủ nghĩa bảo hộ và các chính sách công nghiệp nổi lên ở nhiều quốc gia có thể dẫn đến sự kém hiệu quả hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu và giảm đầu tư vào các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển.