Xã A Bung nỗ lực giảm nghèo bền vững

Xã biên giới A Bung (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) là một trong những địa phương rất cần các dự án hỗ trợ để thoát khỏi nhóm các địa phương đặc biệt khó khăn. Năm 2024, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã tạo thêm nguồn lực để đồng bào tiếp tục trên chặng đường thoát nghèo.

Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay, BĐBP Quảng Trị giúp bà con thu hoạch ngô. Ảnh: Văn Chương

Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế La Lay, BĐBP Quảng Trị giúp bà con thu hoạch ngô. Ảnh: Văn Chương

Đầu buổi chiều, trên Quốc lộ 15D dẫn từ Cửa khẩu quốc tế La Lay về Quốc lộ 9 ầm ì tiếng xe chở hàng nhập cảnh từ Lào sang Việt Nam. Tuyến đường dài gần 80 km nối với Quốc lộ 9 dẫn về thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị tấp nập giống như một dòng sông không ngừng chảy theo nhịp độ của nền kinh tế. Nhưng có những bản làng nằm dọc 2 bên trục đường thì vẫn diễn ra cảnh sống chậm chạp, người dân vẫn tần tảo sớm hôm trên nương rẫy. Xã A Bung là một địa phương đặc biệt khó khăn, ước mơ thay đổi cuộc sống được bà con trông chờ vào các dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Ngay đầu xã A Bung, bà Kăn Sươm cùng với 3 người con và chồng vội vã lùa ngô vào bao sau 1 ngày phơi nắng. Ở vùng đất giáp với nước bạn Lào, đầu tháng 5 luôn có mưa giông vào buổi chiều. Ở vùng biên giới Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, trước cơn mưa giông thường xuất hiện những trận sấm sét rền vang khiến người ra đồng bỏ chạy tán loạn. Còn ở nơi đầu nguồn con sông Li Liêng này, trời cứ hâm hẩm, mây quần tụ theo nhưng cơn gió trên cao, sau đó mưa sầm sập đổ xuống.

Trên khuôn mặt dính đầy bụi ngô, bà Kăn Sươm cho biết, thành quả gieo trồng mấy tháng mới được hơn 20 bao ngô. Giá ngô khô được thu mua tại địa phương này là 5.000 đồng/kg. Bà chia sẻ câu chuyện cho thấy các Chương trình mục tiêu quốc gia trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đang trong guồng quay, tuy nhiên khi triển khai ở các vùng sâu vùng xa thì gặp nhiều khó khăn, đó là giá nông sản được thu mua rất rẻ do chi phí vận chuyển. Giá ngô trên thị trường khoảng 7.000 đồng/kg, nhưng tại địa phương được thu mua với giá là 5.000 đồng/kg.

Bà Kăn Sươm mang ra cuốn sổ hộ nghèo vay ngân hàng để phát triển kinh tế. Năm 2024, số tiền vay 2 lần là 80 triệu đồng, mục đích vay để trồng rừng tràm, lãi suất vay là 6,6%/năm, thời hạn cuối cùng trả nợ là 2031 và 2038. Vợ chồng bà Sươm cho biết, năm 2024 thì địa phương triển khai nhiều dự án từ chăn nuôi dê, bò, gà, vịt, trồng các loại cây, nên bà con cũng cố gắng nghiên cứu cách làm để vay vốn.

Thiếu tá Lê Văn Thuận, cán bộ biên phòng tăng cường giữ chức Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã A Bung tuyên truyền về kỹ thuật nuôi trồng cho bà con. Ảnh: Văn Chương

Thiếu tá Lê Văn Thuận, cán bộ biên phòng tăng cường giữ chức Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã A Bung tuyên truyền về kỹ thuật nuôi trồng cho bà con. Ảnh: Văn Chương

Ông Hồ Văn Hiền, Chủ tịch UBND xã A Bung cho biết, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024, Đảng ủy và chính quyền địa phương đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo là từ 5 đến 6,5%. Có 11 chương trình cho vay vốn với tổng số tiền là hơn 51 tỷ đồng, địa phương luôn quan tâm tới chính sách dạy nghề, hỗ trợ việc làm, xây dựng nhà tránh lũ.

Thiếu tá Lê Văn Thuận, cán bộ biên phòng tăng cường giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy xã A Bung cho biết, việc xóa đói giảm nghèo, giảm nghèo bền vững của địa phương gặp những khó khăn như: Thời tiết khắc nghiệt nên ảnh hưởng rất lớn đến sinh trưởng và phát triển của con giống và cây giống; đồi núi, chia cắt nên việc lựa chọn diện tích đất tập trung để thực hiện mô hình gặp khó khăn; Chưa có quy định hỗ trợ cho người có kinh nghiệm làm kinh tế giỏi không thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo khi tham gia dự án. Do đó người làm giỏi không được hỗ trợ, người chưa có nhiều kinh nghiệm lại được hỗ trợ….

Trong báo cáo của UBND xã A Bung về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, điểm nhấn là đồng bào đã đầu tư vào giống cây ăn quả và gặp khó khăn vì thời tiết và thổ nhưỡng. Cụ thể, sau khi cấp giống cây trồng cho bà con hưởng lợi thời tiết nắng nóng kéo dài nên phần lớn cây trồng sinh trưởng và phát triển chậm; phần lớn các hộ có tỷ lệ cây sống khoảng 85% đến 90%, cây cao 40-50 cm.

Có một giống cây đã được người dân phát triển nhiều năm và hiện nay được tổ chức trồng, chăm sóc một cách khoa học, đó là chuối lùn. Nhìn chung, tại các xã Tà Rụt, A Bung, A Ngo, Tà Long, A Vao của huyện Đakrông, cây chuối lùn bản địa có quả to tròn, hương vị thơm, ngọt, được thị trường ưa chuộng. Tuy nhiên do bà con không thực hiện đúng quy trình như: trừ sâu bệnh, tỉa cây, đào hố bỏ phân…vì vậy giống chuối lùn bị suy thoái, trái nhỏ dần.

Do đó, cấp ủy, địa phương đang tập trung hướng dẫn đồng bào được hướng dẫn trồng theo đúng phương pháp. Cụ thể: Chọn những cây con có từ 6 - 9 lá mầm và có chiều cao khoảng 70 - 90 cm. Cây con phải to khỏe, không sâu bệnh và là cây thứ 2, thứ 3 ở cây mẹ đã trổ buồng. Nếu bà con chọn cây giống ở những cây mẹ chưa trổ buồng thì khi đào cây giống lên sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển và năng suất của cây mẹ sau này.

Hố trồng chuối phải bón lót phân chuồng, phân lá ủ trước đó 1 tháng, khoảng cách trồng giữa các cây là 2 mét, kích thước hố khoảng 50x60x60cm. Các thành phần phân bao gồm: phân chồng hoai mục và 1kg phân NPK + vôi bột, 30 kg phân/hố. Trồng xong tưới nước ngay cho cây và duy trì việc tưới nước 2 ngày 1 lần trong 1 tháng đầu sau khi mới trồng. Dùng rơm rạ phủ kín bề mặt hố nhằm giữ độ ẩm cho đất đồng thời khi rơm mục sẽ tạo một lượng phân hữu cơ trong đất.

Các hoạt động hỗ trợ cho người dân phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững năm 2024 của xã A Bung còn có hỗ trợ bò giống. Theo đó địa phương lựa chọn các loại giống bò rất dễ thích nghi với thời tiết miền núi, vùng biên giới có khí hậu khắc nghiệt để có thể sinh trưởng, phát triển tốt.

Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/xa-a-bung-no-luc-giam-ngheo-ben-vung-post490141.html