Xã Hội | Giáo dục TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh
Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, bước vào năm học 2021 - 2022, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Mường Tè phải thực hiện hiệm vụ kép: vừa phòng chống dịch, vừa thực hiện hiệu quả công tác giáo dục. Phòng GD&ĐT huyện đã chủ động tham mưu với UBND huyện chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn tổ chức tu sửa trường lớp, huy động học sinh ra lớp. Đồng thời, yêu cầu các nhà trường triển khai hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch, bước vào năm học mới ổn định, an toàn và đảm bảo kế hoạch.
Đến Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Thu Lũm, xã biên giới xa nhất của huyện những ngày đầu tháng 8, hình ảnh tập thể cán bộ, giáo viên cùng bà con đang tập trung quét dọn, tu sửa trường lớp giúp chúng tôi cảm nhận được nỗ lực chuẩn bị cho năm học mới tại mảnh đất biên cương Tổ quốc. Được biết, năm học 2021-2022, trường có 224 học sinh theo học tại 8 lớp, 100% là học sinh dân tộc Hà Nhì, La Hủ. Năm 2021, xã Thu Lũm được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nên chế độ chính sách dành cho học sinh và cán bộ giáo viên (CBGV) đã bị điều chỉnh, tác động đến công tác dạy và học của nhà trường.
Thầy giáo Đinh Ngọc Linh – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Thu Lũm chia sẻ: Năm học 2021 – 2022, trường phấn đấu đạt chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, trường vẫn còn thiếu các phòng ở cho học sinh bán trú; việc duy trì tỷ lệ chuyên cần sẽ bị ảnh hưởng do học bị cắt chế độ bán trú. Để chuẩn bị tốt cho năm học mới với, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Phòng GD&ĐT với mục tiêu vừa chống dịch, vừa thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục, nhà trường tuyên truyền, vận động CBGV hạn chế ra khỏi địa bàn, tuyệt đối không đi lại vùng có dịch.
Đối với CBGV thực hiện chế độ nghỉ phép phải đảm bảo tốt công tác phòng, chống dịch theo quy định, thực hiện xét nghiệm Covid-19 khi ra khỏi tỉnh và phải có mặt tại trường trước ngày 1/8. Đến thời điểm hiện tại 100% CBGV đã có mặt tại trường sau khi tham gia tập huấn bồi dưỡng chính trị và chuyên môn. Ban Giám hiệu đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các bản tổ chức sắp xếp, vệ sinh trường lớp, vận động học sinh ra lớp và tổ chức dạy học đúng theo kế hoạch. Cùng với đó, nhà trường cũng chuẩn bị lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cần thiết để tổ chức nuôi dậy học sinh bán trú.
Năm học 2021-2022, toàn huyện Mường Tè có 37 trường (trực thuộc huyện), 619 lớp, trên 14.500 học sinh. Bước vào năm học mới, ngành GD&ĐT huyện gặp không ít khó khăn, số phòng học bán kiên cố còn trên 200 phòng, phòng học tạm chiếm 57 phòng; cơ sở hạ tầng dành cho công tác nuôi dạy bán trú thiếu, phòng ở cho học sinh nhiều trường tạm bợ, ở phòng lắp ghép, nhà ăn, nhà bếp còn thiếu... Cùng với đó, chế độ dành cho giáo viên và học sinh bán trú bị điều chỉnh theo sự thay đổi chính sách của Nhà nước. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp gây khó khăn cho công tác GD&ĐT trên địa bàn.
Đồng chí Tống Thanh Sơn – Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Mường Tè cho biết: Khắc phục mọi khó khăn, thách thức, ngành GD&ĐT huyện Mường Tè quyết tâm hoàn thành công tác giáo dục trên địa bàn năm học 2021-2022 và những năm tiếp theo. Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các đơn vị trường phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn tổ chức rà soát cơ sở vật chất; tham mưu với UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, chính quyền các xã, thị trấn đẩy nhanh tiên độ thi công các công trình trường lớp học, thông các tuyến đường đến trường và các điểm trường. Thành lập các đoàn kiểm tra về công tác chuẩn bị cho năm học mới tại các trường.
Đồng thời, yêu cầu các thầy, cô giáo phải tập trung trước ngày 1/8 tham gia phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã tu sửa trường lớp, tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp, chuẩn bị tốt công tác nuôi dạy học sinh bán trú. Phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định 5K của Bộ Y tế. Đón học sinh tựu trường đúng thời gian theo văn bản chỉ đạo của Sở GD&ĐT. Để đảm bảo cơ sở vật chất cho năm học mới, Phòng GD&ĐT đã tham mưu huyện vận dụng các nguồn vốn hoàn thành đầu tư xây dựng, tiếp nhận bàn giao 16 phòng học văn hóa kiên cố, 27 phòng ở bán trú học sinh. Ngoài ra, từ nguồn chi thường xuyên phòng đầu tư hàng tỷ đồng sửa chữa nâng cấp 22 phòng học văn hóa, 2 bếp nấu ăn cho học sinh bán trú bị xuống cấp, xây mới 3 nhà vệ sinh.
Đặc biệt, Phòng GD&ĐT huyện đã rà soát và có kế hoạch mua sắm bổ sung các thiết bị dạy học còn thiếu cho các đơn vị trường trong toàn ngành, nhất là thiết bị thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa mới, lớp 2, lớp 6 đáp ứng yêu cầu dạy học 2 buổi/ngày năm học 2021-2022. Công tác nhân sự cho năm học mới được chủ động triển khai, Phòng yêu cầu các đơn vị trường rà soát cán bộ quản lý, giáo viên để tổng hợp danh sách; tiến hành họp bàn, xét từng trường hợp trước tập thể lãnh đạo và phụ trách các bộ phận chuyên môn, bám sát quyết định giao biên chế và kế hoạch kiện toàn cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của UBND huyện. Kết quả được công khai minh bạch trước tập thể với quan điểm đảm bảo cân đối tỷ lệ đều đối với bậc học, vùng miền... Cán bộ, giáo viên thuộc diện luân chuyển đều được làm công tác tư tưởng và đồng thuận nhận nhiệm vụ mới...
Là xã có số lượng học sinh đông nhất của huyện, nhiệm vụ chuẩn bị cho năm học mới đã được cấp ủy, chính quyền xã Tà Tổng triển khai quyết liệt. Trao đổi với chúng tôi, ông Sùng A Chứ - Chủ tịch UBND xã Tà Tổng cho biết: Để chuẩn bị tốt cho năm học mới, UBND xã chỉ đạo các bản trên địa bàn huy động nhân công, quyên góp hàng chục khối gỗ để tổ chức tu sửa các điểm trường bị hư hỏng và yêu cầu cán bộ, các ban, ngành, đoàn thể xã phối hợp với các nhà trường tổ chức tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp đúng thời gian quy định. Đồng thời, xây dựng văn bản đề nghị Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Ban Quản lý Dự án phát triển kinh tế - xã hội huyên và các nhà thầu thi công tiến hành thông các tuyến đường từ trung tâm xã đến các bản, tạo điều kiên thuận lợi cho giáo viên, học sinh tựu trường và vận chuyển vật tư, thiết bị dạy học...
Năm học 2021-2022, ngành GD&ĐT huyện Mường Tè đã đặt ra mục tiêu: “Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt nâng cao chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn nơi có học sinh dân tộc La Hủ. Phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra”. Bằng những giải pháp cụ thể, chủ động khắc phục khó khăn của ngành GD&ĐT cùng sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ tích cực của các cấp chính quyền, Nhân dân các dân tộc trên địa bàn trong công tác chuẩn bị năm học mới; tin rằng, năm học 2021-2022 và những năm tiếp theo công tác giáo dục của huyện Mường Tè sẽ có nhiều khởi sắc, tạo nên những chuyển biến tích cực trong nhiệm vụ “trồng người” trên mảnh đất biên cương Tổ quốc.