Xã Hội | Giáo dục TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Bằng sự chủ động, linh hoạt, những năm qua Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên huyện Tân Uyên luôn nỗ lực đảm bảo chất lượng dạy và học, cũng như định hướng, hỗ trợ việc làm cho học sinh sau khi ra trường. Qua đó, giúp nhiều em có việc làm, ổn định cuộc sống.

Đồng chí Hà Thị Thu Hoài - Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên huyện Tân Uyên cho biết: Ngoài đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động trên địa bàn, trung tâm còn thực hiện các chương trình giáo dục gắn với liên kết đào tạo nghề cho học sinh. Vì vậy, hàng năm trung tâm còn phối hợp với UBND các xã, thị trấn, các trường THCS trong huyện xây dựng kế hoạch tuyển sinh, chọn lựa nghề phù hợp để tuyên truyền, vận động học sinh tham gia chương trình giáo dục THPT (hệ bổ túc) và học nghề. Do đó, khi ra trường các em có được bằng tốt nghiệp THPT và cả bằng trung cấp nghề, tạo rất nhiều thuận lợi cho tương lai các em sau này.

Có mặt tại lớp học nghề thợ hàn (khóa học 2019 - 2022) khi học sinh đang tham gia thực hành hàn các mối nối của công cụ máy cày. Vừa hoàn thành xong bài tập được giao, em Vàng A Phừ (bản Khâu Hỏm, xã Nậm Sỏ) trò chuyện với chúng tôi, sau khi học xong chương trình giáo dục THCS, Phừ đã được cán bộ Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên huyện Tân Uyên, thầy, cô giáo trong Trường THCS Nậm Sỏ tuyên truyền, định hướng nộp hồ sơ tham gia chương trình giáo dục THPT cũng như học nghề để sau này có việc làm ổn định.

Bởi vì yêu thích hàn xì nên Phừ đăng ký tham gia lớp học. Sau 3 năm học văn hóa, 2 năm học nghề (buổi sáng học văn hóa, buổi chiều học hàn xì), đến nay Phừ đã nắm vững kiến thức về nghề thợ hàn; đồng thời thành thạo các mối hàn khó như: hàn bằng cho mối hàn góc, hàn rãnh ở ống nằm ngang, hàn ống ở vị trí 45°…

Vàng A Phừ tâm sự: "Qua tìm hiểu em thấy hiện nay có rất nhiều công ty, doanh nghiệp trong cả nước, hay đi xuất khẩu lao động nước ngoài, khi tuyển dụng lao động làm ở vị trí thợ hàn đều yêu cầu có bằng THPT trở lên và phải có tay nghề. Vì vậy, em quyết định học nghề này để có việc làm ổn định".

Giờ học thực hành hàn của học sinh Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên huyện Tân Uyên.

Giờ học thực hành hàn của học sinh Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên huyện Tân Uyên.

Giống như Vàng A Phừ, em Chang A Sinh ở bản Khau Giềng (xã Hố Mít) cũng chọn học nghề thợ hàn để sau này ra trường có thể kiếm được việc làm. Sinh chia sẻ: Theo em tìm hiểu với nghề thợ hàn sẽ có mức lương ổn định từ 7 - 10 triệu đồng/tháng. Những thợ có thâm niên, tay nghề cao, thì thu nhập có thể lên đến gần 20 triệu đồng/tháng. Vì vậy, mục tiêu của Sinh ra trường sẽ đi làm khoảng 2 năm để tích lũy kinh nghiệm và khi có tay nghề cao tham gia xuất khẩu lao động để tăng thu nhập.

Được biết, từ năm 2017 đến nay, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên huyện Tân Uyên đã liên kết và mở được 5 lớp đào tạo nghề, hệ trung cấp cho 150 học sinh, trong đó chủ yếu là đào tạo các nghề cơ khí, thợ hàn xì, nấu ăn, trên cơ sở hướng nghiệp và đăng ký theo nguyện vọng, sở thích của học sinh.

Công tác đào tạo nghề gắn với chương trình giảng dạy theo phương châm "lý thuyết đi đôi với thực hành", thích ứng nhanh với sự thay đổi của thị trường lao động đã giúp các em dễ hiểu, dễ áp dụng những kiến thức, kỹ năng vào thực tế để tìm kiếm việc làm. Hiện nay, 100% học sinh khi vào học tại trung tâm đều được dạy nghề miễn phí. Khi ra trường, các em vừa có bằng tốt nghiệp THPT vừa có bằng trung cấp nghề. Hàng năm, Ban Giám đốc Trung tâm còn làm tốt công tác đầu mối với các tổ chức, doanh nghiệp để thực hiện liên kết đầu ra cho học sinh. Qua khảo sát cho thấy, hầu hết các em đều tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm, với mức lương ổn định từ 5 - 7 triệu đồng/tháng.

Dự kiến năm học 2022 - 2023, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên huyện Tân Uyên tuyển thêm 60 học sinh với các nghề cơ khí, thợ hàn và nấu ăn. Qua đó, vừa giúp các em có một công việc ổn định, vừa tạo nguồn nhân lực cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/x%C3%A3-h%E1%BB%99i/%C4%91%E1%BB%8Bnh-h%C6%B0%E1%BB%9Bng-ngh%E1%BB%81-nghi%E1%BB%87p-cho-h%E1%BB%8Dc-sinh