Xá lợi Đức Phật sẽ được cung thỉnh về chùa Tam Chúc theo cung đường nào?
Sau khi kết thúc thời gian chiêm bái tại chùa Quán sứ, Hà Nội, xá lợi Đức Phật sẽ được cung thỉnh về chùa Tam Chúc - ngôi chùa lớn nhất thế giới ở phường Ba Sao, thị xã Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.

Xá lợi Đức Phật sẽ được cung thỉnh về chùa Tam Chúc theo cung đường nào? (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Theo kế hoạch, hơn 5 giờ ngày 17/5, xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sẽ được cung tiễn từ chùa Quán Sứ, Hà Nội đến chùa Tam Chúc và được tôn trí tại điện Tam Thế - nơi có không gian linh thiêng hướng ra hồ nước rộng và núi non bao quanh, để tăng ni, phật tử đến chiêm bái.
Rước xá lợi Đức Phật theo cung đường nào?
Thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam, lễ cung rước xá lợi Đức phật từ Hà Nội về Hà Nam sẽ được tổ chức theo nhiều chặng, kéo dài từ hơn 5 giờ sáng đến đầu giờ chiều ngày 17/5.
Cụ thể, từ hơn 5 giờ đến 10 giờ, đoàn cung rước sẽ xuất phát từ chùa Quán Sứ, di chuyển bằng xe chuyên dụng qua các tuyến đường lớn về nút giao Liêm Tuyền, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.
Từ 10 giờ đến 11 giờ 30, xá lợi Đức Phật tiếp tục được rước về cổng Tam Quan ngoại chùa Tam Chúc. Từ 11 giờ 30 đến 13 giờ, nghi lễ cung rước diễn ra quanh hồ Tam Chúc, tiến vào Tam Quan nội, là trung tâm chính của ngôi đại tự.
Từ 13 giờ đến 14 giờ, xá lợi Đức Phật được rước lên điện Tam Thế và chính thức an vị. Ngay sau đó sẽ diễn ra lễ cầu an, tụng kinh và chiêm bái, mở đầu cho chuỗi hoạt động tâm linh trọng thể ở chùa Tam Chúc.

Xá lợi Phật được tôn trí tại chùa Quán Sứ từ ngày 13/5 đến 16/5. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
Thời gian mở cửa cho du khách chiêm bái xá lợi Đức Phật từ 5 giờ 30 đến 22 giờ mỗi ngày. Khoảng 12 giờ ngày 20/5, xá lợi Đức Phật sẽ được cung tiễn trở về Ấn Độ.
Thông tin từ Khu du lịch tâm linh Tam Chúc, từ 17-20/5 tại chùa Tam Chúc sẽ diễn ra các hoạt động thuộc khuôn khổ đại lễ Phật đản Vesak 2025 (trong đó có nghi lễ cung rước xá lợi Đức Phật).
Đáng chú ý, trong thời gian đại lễ, du khách và Tăng ni, Phật tử đến chùa sẽ được miễn phí vé đi thuyền và xe điện (giá vé niêm yết từ 250.000-480.000/người/lượt). Ban tổ chức sẽ huy động khoảng 300-400 xe điện (và thêm xe khách nếu cần) nhằm đáp ứng nhu cầu di chuyển cho người dân và đại biểu.
Ước tính từ ban tổ chức, chùa Tam Chúc sẽ đón 40.000-70.000 Phật tử và du khách hàng ngày. Đặc biệt, nhà chùa sẽ chuẩn bị khoảng 50.000 suất ăn chay miễn phí mỗi ngày phục vụ khách thập phương.
Du khách nên làm gì cho hành trình chiêm bái?
Từ Hà Nội, du khách có thể đến chùa Tam Chúc bằng ôtô cá nhân, xe khách, xe buýt hoặc xe limousine, thời gian di chuyển khoảng hơn một giờ.

Chùa Tam Chúc sẽ là điểm cuối cùng tôn trí xá lợi Đức Phật trong khuôn khổ đại lễ Phật đản Vesak 2025. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Bên trong quần thể chùa lớn nhất Việt Nam có khách xá Tam Chúc với 156 phòng, 5 hạng khác nhau. Nếu không dùng bữa miễn phí của ban tổ chức đại lễ, du khách có thể chọn thưởng thức đồ chay ở nhà hàng chay trong khu du lịch. Chọn lưu trú tại các khách sạn, homestay ở thành phố Phủ Lý, du khách sẽ có cơ hội khám phá thêm về văn hóa, ẩm thực địa phương.
Không chỉ được chiêm bái xá lợi Đức Phật, đến chùa Tam Chúc dịp này du khách còn được trải nghiệm nhiều hoạt động văn hóa ý nghĩa như: lễ mừng Đại lễ Phật đản (sáng 18/5), đêm hoa đăng cầu nguyện quốc thái dân an, hành hương trên cung đường cầu đạo.
Được biết, trong thời gian diễn ra đại lễ, chùa Tam Chúc không nhận bất kỳ chi phí nào từ người dân, du khách đến chiêm bái xá lợi; không tiếp nhận vòng hoa, lễ phẩm cúng dường cũng như không thực hiện nghi thức dâng cúng tại nơi tôn trí.
Nhằm đảm bảo an ninh, an toàn cho đại lễ, ban tổ chức khuyến cáo người dân, du khách khi vào chiêm bái cần tuân thủ hướng dẫn, xếp hàng theo thứ tự, không di chuyển tắt ngang đoàn rước, tuyệt đối giữ im lặng, trang nghiêm, không tự ý chụp hình, quay phim bên trong nơi tôn trí xá lợi cũng như các khu vực lưu ý nội dung liên quan.

Chùa Ngọc trên đỉnh núi Thất Tinh, nằm trong trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc. (Ảnh: TTXVN)
Trẻ em dưới hai tuổi, người mặc trang phục không phù hợp sẽ không được tiếp đón vào nơi tôn trí xá lợi Đức Phật. Người già yếu, người khuyết tật hoặc không đảm bảo sức khỏe được cân nhắc đi làn đường ưu tiên.
Buổi sáng hoặc chiều tối là thời gian thường diễn ra các nghi lễ chính, vì vậy du khách nên đến sớm để ổn định chỗ ngồi, tránh chen lấn, nhất là trong ngày đầu và ngày cuối thời gian an vị xá lợi./.