Xả rác xuống sông, hồ bị xử phạt như thế nào?

Tôi thấy rất nhiều người có thói quen xả rác xuống sông, hồ, đặc biệt là thói quen thả ban thờ, bát hương xuống sông. Xin hỏi, những hành vi này có chế tài xử lý như thế nào? (Lê Minh, Hà Nội)

Hỏi: Tôi từng xem 1 video clip về một người đàn ông dừng xe giữa cầu và vứt đồ xuống sông ở tỉnh Thanh Hóa. Sau đó, người đàn ông này đã bị xử phạt 13,5 triệu đồng về các lỗi vi phạm: Đỗ xe trên cầu và xe không có giấy chứng nhận kiểm định. Tuy nhiên, hành vi vứt đồ xuống sông lại chưa bị xử lý. Không chỉ người đàn ông này mà tôi thấy rất nhiều người có thói quen xả rác xuống sông, hồ, đặc biệt là thói quen thả ban thờ, bát hương xuống sông. Xin hỏi, những hành vi này có chế tài xử lý như thế nào? (Lê Minh, Hà Nội)

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trả lời:

Việc thả ban thờ, bát hương xuống sông, hồ khi không còn sử dụng từ xưa đến nay là tập quán của người dân. Tuy nhiên, hành vi này không được các nhà nghiên cứu tâm linh khuyến khích và có thể gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường nước.

Thả ban thờ, bát hương xuống sông, hồ và hành vi tùy tiện xả rác ra đường, kênh mương, mặt nước hay bất cứ nơi công cộng nào là hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Trong trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền có căn cứ và chứng minh được hành vi xả rác ra nơi công cộng, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính về hành vi thải rác thải trái quy định về bảo vệ môi trường theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 25 Nghị Định 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường:

“Điều 25. Vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường nơi công cộng, khu đô thị, khu dân cư; vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường

2. Hành vi thu gom, thải rác thải trái quy định về bảo vệ môi trường bị xử phạt như sau:

d) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt; đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố; thải bỏ chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt vào ao hồ, kênh rạch, sông, suối, biển”.

Ngoài ra, người vi phạm còn có thể phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 7 Điều 25 Nghị định 45/2022/NĐ-CP:

“7. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; nếu gây ô nhiễm môi trường phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do vi phạm hành chính gây ra đối với trường hợp vi phạm tại điểm c, d khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều này”;

Trong trường hợp người nào thải ra môi trường trái pháp luật chất thải có thành phần nguy hại đặc biệt với số lượng lớn, người đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về "Tội gây ô nhiễm môi trường" theo quy định tại Điều 235 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Luật sư Nguyễn Thị Hảo (Trưởng Văn phòng Luật sư Hảo Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội )

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thong-tin-phap-luat/xa-rac-xuong-song-ho-bi-xu-phat-nhu-the-nao--i774268/