'Xa xỉ thầm lặng', xu hướng du lịch mới của giới siêu giàu
Thay vì lựa chọn các điểm đến xa hoa, nổi tiếng, giới siêu giàu đang chuyển sang những nơi kín đáo, đảm bảo cả về trải nghiệm dịch vụ lẫn tính riêng tư.
Ít ánh đèn, nhiều trải nghiệm
“Quiet luxury” hay “xa xỉ thầm lặng” là thuật ngữ phổ biến trong giới thời trang, để chỉ những trang phục đắt đỏ, cao cấp nhưng thường không đính kèm tên thương hiệu.
Hiện nay, xu hướng trên đang tràn vào ngành du lịch, khi những người thuộc nhóm 1% giàu nhất thế giới có xu hướng từ bỏ những điểm đến nổi tiếng, để hướng về những nơi nghỉ ngơi kín đáo hơn. Đó có thể là chuyến đi bằng trực thăng tới Nam Cực trượt tuyết, với giá 2,2 triệu USD; một chuyến đi săn gấu Bắc Cực ở Svalbard (Na Uy) với chi phí 300.000 USD; hay theo dấu chân báo tuyết trên dãy Himalaya cùng các nhà thám hiểm nổi tiếng với giá 100.000 USD.
Ông Phạm Hà, Chủ tịch kiêm CEO LuxGroup chỉ ra, khách hàng sang trọng thầm lặng có thể chia làm ba nhóm. Một là nhóm thể hiện sự sang trọng thông qua căn nhà họ sở hữu. Hai là nhóm thích sử dụng các đồ dùng cao cấp để thể hiện đẳng cấp một cách tinh tế. Ba là nhóm dùng các dịch vụ và trải nghiệm giúp họ thể hiện sự giàu có và sang trọng như việc đi nghỉ ở khu nghỉ dưỡng 5 sao, đi máy bay hạng thương gia hoặc chuyên cơ. Du khách xa xỉ thầm lặng nằm trong nhóm ưa thích các dịch vụ cao cấp, sang trọng và độc đáo.
“Du khách giàu có nhưng chưa chắc đã là sang trọng và tinh tế. Du khách xa xỉ thầm lặng thường là người sang trọng kiểu tinh tế với vốn kiến thức về văn hóa uyên thâm. Do đó, họ cần những đơn vị cung cấp dịch vụ có gu và hiểu được họ”, ông Hà nói.
Bà Jaclyn Sienna India, người sáng lập công ty du lịch siêu sang Sienna Charles, cho biết bà tự coi mình là một “tín đồ” lâu năm của xu hướng xa xỉ thầm lặng. Trong khi nhiều người giàu có thể thích những đại lộ ở Paris hay bờ biển Monaco, bà Sienna India thích đến TP.HCM mỗi năm một lần.
Bà Sienna India cho biết khách hàng của bà đang tập trung hơn vào việc dành thời gian cho gia đình, quan tâm đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, “bởi thế giới trở nên căng thẳng hơn rất nhiều”. Kết quả là, họ đi du lịch để gia tăng tính kết nối, chứ không đơn thuần tìm kiếm những nơi hào nhoáng, xa xỉ.
Theo báo cáo của Henley & Partners năm 2023, có 28.420 triệu phú trên toàn thế giới, là những người có tài sản có thể đầu tư ít nhất 100 triệu USD. Con số này cao hơn gần 12% so với ước tính năm 2022 và gấp đôi số tài sản được thống kê vào năm 2003.
Sự gia tăng về mặt tài sản cũng dẫn tới sự chuyển đổi trong quan điểm và ưu tiên. Từ việc tìm kiếm sự nổi bật và đẳng cấp tại các điểm đến, tầng lớp thượng lưu trọng xã hội chuyển sang tìm kiếm sự riêng tư, yên bình và trải nghiệm độc đáo. Đáng chú ý, họ vẫn có xu hướng trải nghiệm dịch vụ sang trọng để khẳng định sự giàu có, quyền lực, địa vị nhưng cũng rất tinh tế về các giá trị văn hóa, di sản.
Erica Jackowitz, nhà sáng lập Roman & Erica-công ty chuyên về phong cách sống sang trọng cho giới siêu giàu, ví von xu hướng du lịch “xa xỉ thầm lặng” với sự sang trọng tinh tế của vải cashmere, một phong cách đối lập với xu hướng “đeo Chanel trước ngực” trước đây.
Bà nói rằng đại dịch đã thúc đẩy mong muốn của giới siêu giàu với những trải nghiệm giàu ý nghĩa, từ những buổi du thuyền được thiết kế theo lịch trình riêng, cho đến buổi chơi tennis riêng với tay vợt nổi tiếng thế giới Roger Federer.
Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam
Theo giới chuyên gia, Việt Nam có nhiều tiềm năng thu hút nhóm khách hàng chú trọng vào các trải nghiệm “xa xỉ thầm lặng”, bởi sự đa dạng, phong phú trong cảnh sắc thiên nhiên, thậm chí, nhiều điểm đến độc đáo vẫn đang trên hành trình được khám phá.
Việt Nam cũng là một điểm đến giàu có về mặt văn hóa, lịch sử; giúp du khách có thể vừa tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên, vừa có được những trải nghiệm sâu sắc với văn hóa bản địa.
Khách du lịch xa xỉ thường chú trọng an ninh, an toàn nên Việt Nam, với nền chính trị và xã hội ổn định, là điểm đến được ưu tiên.
Bằng chứng là vài năm trở lại đây, nhiều ngôi sao, tỷ phú, doanh nhân tầm cỡ quốc tế đã lựa chọn các trải nghiệm du lịch riêng tư tại Việt Nam.
Như trong tháng 3/2024, tỷ phú Bill Gates và bạn gái có chuyến du lịch bằng chuyên cơ riêng đến Đà Nẵng. Trong 4 ngày tại Đà Nẵng, Bill Gates cùng bạn gái tham quan bán đảo Sơn Trà, thưởng trà, ngồi thiền, ngắm thành phố trên đỉnh bàn cờ Ông Tiên, chơi tennis tại khu nghỉ dưỡng.
Hay sau dịch Covid-19 đến nay, khu nghỉ dưỡng P’apiu resort (Hà Giang) cũng đón ba đoàn khách siêu giàu, trong đó đoàn đầu tiên là một cặp đôi tỉ phú Mỹ (tháng 12/2022), tiếp theo là cặp đôi vợ chồng tỉ phú Thái Lan (tháng 9/2023) và đoàn khách các thiếu gia Mỹ (tháng 12/2023).
Dù không nhiều, nhưng số lượng doanh nghiệp du lịch hướng tới phục vụ nhóm khách siêu giàu đang dần gia tăng. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là làm sao để tiếp cận nhóm khách hàng “chịu chi” nhưng không bao giờ ra mặt trục tiếp này. Muốn làm vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần thiết lập mối quan hệ đối tác với các đại lý du lịch và công ty lữ hành chuyên phục vụ khách hàng cao cấp ở từng thị trường, từ đó mới có thể tiếp cận đối tượng khách hàng mục tiêu tốt hơn.
Như chia sẻ của ông Nguyễn Đức Hạnh, CEO All Asia Vacation, đơn vị tổ chức chuyến đi cho tỷ phú Mỹ Bill Gates hồi đầu tháng 3, họ từng mất tới 5 năm để tiếp cận một công ty du lịch cao cấp có trụ sở ở Mỹ. Để được gia nhập cộng đồng do công ty này quản lý, mức phí phải trả ban đầu vào khoảng 150.000 USD, chưa kể các khoản phí thường niên khác. Sau đó, họ phải chờ tới 5 năm để được đối tác sắp xếp một cuộc hẹn ở Mỹ, từ đó mở ra những cơ hội tiếp cận thêm các khách hàng tiềm năng.
Trong khi đó, ông Phạm Hà, Chủ tịch kiêm CEO LuxGroup, đơn vị chuyên cung cấp các tour du thuyền hạng sang cho nhóm khách siêu giàu, thì đề cao yếu tố nhân sự trong việc tạo ra các trải nghiệm độc đáo, riêng tư cho khách hàng. Sau nhiều năm phục vụ 80-90% lượng khách hàng thuộc nhóm “xa xỉ thầm lặng”, ông Hà đúc rút ra một bài học quan trọng: Trải nghiệm ấn tượng, cả tích cực và tiêu cực thường đến từ yếu tố con người.
Vì vậy, CEO LuxGroup nhấn mạnh vào việc các doanh nghiệp du lịch Việt Nam cần chú trọng đào tạo đội ngũ nhân viên có kỹ năng giao tiếp tốt, am hiểu văn hóa, ngôn ngữ và phong cách phục vụ của khách hàng đến từ các quốc gia khác nhau.
Bản thân khách hàng thuộc nhóm siêu giàu có đặc điểm là luôn hiểu chính xác về nhu cầu của mình, biết mình sẽ ở đâu, muốn gì, làm gì. Vậy nên để phục vụ được họ, mỗi nhân viên không chỉ luôn trong tâm thế hết lòng mà còn phải nỗ lực trở thành những người có gu, thực sự là chuyên gia trong lĩnh vực của mình.
“Doanh nghiệp chỉ có thể cung cấp cho khách hàng trải nghiệm tốt nhất của tốt nhất khi họ sở hữu một đội ngũ nhân sự tương ứng”, ông Hà nhấn mạnh.