Xác định rõ đối tượng tiềm ẩn rủi ro cháy, nổ cao để kiểm soát chặt ngay từ đầu

Tiếp tục Kỳ họp thứ Bảy, chiều nay, 19.6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng không nhân dân và dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự phiên thảo luận tại Tổ 13 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Bắc Ninh, Đắk Lắk, Lạng Sơn và Hậu Giang.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự phiên thảo luận tại Tổ 13. Ảnh: Phạm Thắng

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự phiên thảo luận tại Tổ 13. Ảnh: Phạm Thắng

Không chồng chéo với các luật hiện hành

Các đại biểu Quốc hội tại Tổ 13 nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ và cho rằng, việc tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ là cần thiết, đặc biệt là nhiệm vụ thể chế hóa nội dung về công tác cứu nạn, cứu hộ và xã hội hóa công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho đến nay còn hết sức hạn chế, chưa khuyến khích được doanh nghiệp, người dân và toàn xã hội tham gia.

Về phạm vi điều chỉnh của dự luật, ĐBQH Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) bày tỏ hoàn toàn nhất trí với việc bổ sung quy định về hoạt động cứu nạn, cứu hộ với 1 chương gồm 7 điều. Theo đại biểu, đây là nội dung mới so với Luật Phòng cháy, chữa cháy hiện hành. Thực tế cho thấy, hoạt động phòng cháy, chữa cháy luôn gắn liền với các hoạt động cứu nạn, cứu hộ. Do đó, việc sửa đổi Luật lần này có bổ sung thêm nội dung về cứu nạn, cứu hộ là hết sức cần thiết.

Tại báo cáo thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, một số ý kiến đề nghị thể hiện rõ Luật này chỉ điều chỉnh đối với hoạt động cứu nạ, cứu hội do lực lượng Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thực hiện (trên cơ sở luật hóa quy định của Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18.7.2017), tránh chồng chéo với quy định của pháp luật hiện hành như Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Phòng thủ dân sự, Luật Năng lượng nguyên tử, Luật Đường sắt, Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Luật Biển Việt Nam...; đồng thời cũng tránh hiểu nhầm Luật này là đạo luật có giá trị pháp lý cao nhất về hoạt động cứu nạn, cứu hộ và điều chỉnh đối với mọi hoạt động cứu nạn, cứu hội.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 13. Ảnh: Phạm Thắng

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 13. Ảnh: Phạm Thắng

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Xuân cho rằng, Điều 33 dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp này cũng đã xác định rất rõ hoạt động cứu nạn, cứu hộ trong phạm vi điều chỉnh của Luật này, trong đó, chỉ quy định đối với những sự cố, tai nạn xảy ra trong đời sống hàng ngày, có tác động trực tiếp làm hạn chế quyền con người, quyền công dân và theo quy định của Hiến pháp năm 2013 cần phải được quy định trong luật.

Theo đại biểu, những sự cố, tai nạn quy định trong Luật này là những sự cố, tai nạn chưa đến mức áp dụng chế độ về phòng thủ dân sự cũng như chưa áp dụng chế độ về rủi ro thiên tai theo các quy định của pháp luật có liên quan. "Khoản 2, Điều 13 dự thảo Luật cũng đã cũng xác định rõ, phân định rõ về phạm vi hoạt động cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Quy định cũng đã khá rõ ràng". Nêu quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thị Xuân cũng cho rằng, dự thảo Luật không chồng chéo với phạm vi điều chỉnh của các luật chuyên ngành hiện nay đang thực hiện.

Quy định phù hợp hơn về trách nhiệm người đứng đầu

Nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật, song ĐBQH Lê Minh Nam (Hậu Giang) cũng đề nghị, cần xem lại thời gian vừa qua thì nguyên nhân cháy nổ, nguyên nhân xảy ra các sự cố cần phải cứu hộ, cứu nạn nằm ở đâu, qua đó, để thấy rõ hơn những vấn đề cần phải tập trung quan tâm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho công tác này.

"Nhiều đại biểu đã phân tích, vấn đề cháy thường hay xảy ra ở khu chung cư, cháy ở khu người dân hoặc cháy ở các doanh nghiệp tiềm ẩn rủi ro cao. Vậy thì, chúng ta nên đưa nhóm đối tượng này vào nhóm đối tượng phải quan tâm hơn, đưa ra các quy định kiểm soát ngay từ đầu và làm sao vừa phòng ngừa, hạn chế cả vấn đề xảy ra cũng như bố trí các điều kiện để hạn chế tổn thất nếu xảy ra sự cố", đại biểu Lê Minh Nam đề xuất.

Liên quan đến quy định về các hành vi cấm tại Điều 11 dự thảo Luật, theo đại biểu Lê Minh Nam, các hành vi bị cấm ở khoản 1 chủ yếu là cố ý gây cháy, nổ, tai nạn, sự cố có thể gây tổn hại đến tính mạng, sức khỏe con người.

"Nếu hành vi cố ý gây cháy, nổ, tai nạn thì quá là phải nghiêm cấm rồi, nhưng còn có một thực trạng không phải cố ý nhưng cũng vi phạm các quy định như không tuân thủ quy định về an toàn phòng, chống cháy, nổ dẫn đến sự cố. Ví dụ, trong quá trình đốt rẫy hay hút thuốc ở các vị trí, khu vực không bảo đảm an toàn cháy nổ thì có xếp vào hành vi bị cấm không? Nếu không tuân thủ các quy định thì cũng dẫn đến những hậu quả, hệ lụy rất là lớn", đại biểu Lê Minh Nam nói.

Về trách nhiệm chữa cháy, các đại biểu cho rằng, điểm b, khoản 1 Điều 24 dự thảo Luật đã quy định trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã trở lên thì không cần thiết quy định trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố có trách nhiệm bảo đảm nguồn nước, chất, vật liệu chữa cháy, thông tin liên lạc và thực hiện biện pháp cơ bản trong chữa cháy thuộc phạm vi quản lý.

Ở góc độ cũng là người đứng đầu một cơ quan, ĐBQH Nguyễn Văn Quân (Hậu Giang) cho rằng, quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 24 là quá tầm đối với người đứng đầu bởi khi xây dựng trụ sở thì phải có thiết kế xây dựng, thiết kế phòng cháy chữa cháy, rồi kiểm định, rồi nghiệm thu công trình.

"Bản thân tôi hay các thủ trưởng ngồi đây cũng đâu có rành về công suất điện hay về nguồn nước như thế nào đâu? Nếu mà quy định trách nhiệm khi sự cố xảy ra và bắt thủ trưởng đơn vị phải cung cấp đủ các nguồn nước là quá tầm của người đứng đầu vì không có chuyên môn", đại biểu Nguyễn Văn Quân nói.

Nguyễn Bình

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/xac-dinh-ro-doi-tuong-tiem-an-rui-ro-chay-no-cao-de-kiem-soat-chat-ngay-tu-dau-i376175/