Xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để tăng tốc, bứt phá, về đích trong thời gian tới

Chiều ngày 6/2, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp trực tuyến về tổng kết hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Đề án 06 năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025. Đồng chí Trần Văn Lâu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan tham dự phiên họp tại điểm cầu UBND tỉnh Sóc Trăng.

Theo báo cáo, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 71/193 quốc gia trong bảng xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên Hợp quốc (công bố tháng 9/2024), tăng 15 bậc so với 2022. Đây là lần đầu tiên Việt Nam được xếp vào nhóm quốc gia có Chỉ số phát triển chính phủ điện tử (EGDI) ở mức “rất cao” và đã giải quyết được nhiều điểm nghẽn tồn tại từ lâu và tạo không gian, động lực phát triển mới cho nền kinh tế.

Lần đầu tiên sau 15 năm, Việt Nam đấu giá thành công tần số, giúp bổ sung thêm 300 MHz cho 5G để nâng cao chất lượng di động băng rộng. Đồng thời là một trong số ít nước đang phát triển ngừng dịch vụ cho thuê bao 2G khi số thuê bao 2G còn lại chỉ còn khoảng 0,2% (so với trung bình các quốc gia khác khoảng 2 - 5%). Đây là nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp viễn thông và ngành thông tin và truyền thông trong chuyển đổi thuê bao di động.

Lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng và các sở, ngành liên quan tham dự phiên họp tổng kết hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Đề án 06. Ảnh: HẢI HÀ

Lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng và các sở, ngành liên quan tham dự phiên họp tổng kết hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Đề án 06. Ảnh: HẢI HÀ

Về chính phủ số, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện chuyển đổi số có trọng tâm, trọng điểm, có mũi đột phá; đưa hoạt động chỉ đạo, điều hành trực tuyến và dựa trên dữ liệu. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình của cả nước đạt 45%, tăng 2,5 lần so với năm 2023. Cổng Dịch vụ công quốc gia tiếp tục phát huy hiệu quả với 4.475 thủ tục được tích hợp (70,8% tổng số thủ tục hành chính). Từ tháng 7/2024 dùng VNeID để đăng nhập, sử dụng dịch vụ công trực tuyến (khoảng 425.000 lượt/ngày) tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Về kinh tế số, tỷ trọng kinh tế số năm 2024 ước đạt 18,3% GDP, tốc độ tăng trưởng vượt 20%/năm, cao gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP, nhanh nhất Đông Nam Á.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của đất nước trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Ngay sau khi nghị quyết được ban hành, Chính phủ đã khẩn trương chỉ đạo ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW với tinh thần 5 rõ: “rõ người”, “rõ việc”, “rõ trách nhiệm”, “rõ thời gian” và “rõ kết quả”. Đây là Chương trình hành động toàn diện, được thiết kế với tầm nhìn dài hạn, mục tiêu rõ ràng và các giải pháp mang tính khả thi cao, nhằm cụ thể hóa các định hướng, chủ trương lớn của Đảng thành những hành động thiết thực, sát thực tiễn. Đồng thời, Chương trình hành động này cũng là những phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy triển khai chuyển đổi số và Đề án 06 trong thời gian tới.

Theo Thủ tướng, cơ sở dữ liệu dân cư đang được khai thác hiệu quả, nhưng muốn hiệu quả hơn nữa, các cơ quan, đơn vị phải thiết lập cơ sở dữ liệu của riêng mình, kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, để có cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh, là nền tảng thúc đẩy trí tuệ thông minh. Thủ tướng mong muốn các bộ, ngành thảo luận kỹ thống nhất các giải pháp để thúc đẩy mạnh hơn, hiệu quả hơn, thiết thực hơn, người dân được hưởng thụ nhiều hơn thành quả của chúng ta; xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để tăng tốc, bứt phá, về đích trong thời gian tới.

HẢI HÀ

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/chinh-tri/202502/xac-inh-ro-nhiem-vu-giai-phap-trong-tam-e-tang-toc-but-pha-ve-ich-trong-thoi-gian-toi-401314d/