Xác định rõ thẩm quyền phê duyệt chủ trương cải tạo, phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ

Sáng nay (31/8), Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân (HĐND) Thành phố 'về việc sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 10 Nghị quyết số 17/2013/NQ-HĐND ngày 23/7/2013 về một số biện pháp cải tạo, phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ và công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn thành phố Hà Nội'.

Dự, chủ trì Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Nguyễn Lan Hương - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội; Dương Đức Tuấn - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội; và Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Sỹ Trường.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương phát biểu tại Hội nghị.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương phát biểu tại Hội nghị.

Báo cáo tại Hội nghị về nội dung cải tạo, phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ và các công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: Hiện nay, một số nhà cổ, biệt thự cũ, công trình kiến trúc khác đã xuống cấp, nguy hiểm cần có ngay biện pháp cải tạo, phục hồi, phá dỡ, xây dựng lại; một số tổ chức, cá nhân đã chủ động tự bỏ kinh phí thực hiện việc kiểm định, đánh giá chất lượng và lập hồ sơ xin cải tạo, phục hồi, xây dựng lại theo đúng quy định tại Nghị quyết số 17/2013/NQ-HĐND của HĐND Thành phố và Quyết định số 52/2013/QĐ-UBND của UBND Thành phố, tuy nhiên việc phê duyệt chủ trương cho phép cải tạo, phục hồi, phá dỡ, xây dựng lại công trình đang vướng mắc.

Cụ thể: Việc quy định UBND Thành phố lập danh mục nhà cổ, biệt thự cũ và công trình kiến trúc khác đã hư hỏng, xuống cấp, nguy hiểm để trình HĐND Thành phố phê duyệt danh mục (tại Khoản 2 Điều 10 Nghị quyết số 17/2013/NQ- HĐND) khó thực hiện trên thực tế vì các đơn vị chưa xây dựng xong danh mục nhà cổ và công trình kiến trúc khác; chưa bố trí kịp kinh phí để thực hiện việc kiểm định, đánh giá chất lượng và kinh phí bảo tồn, cải tạo, chỉnh trang công trình, dự kiến khối lượng và chi phí rất lớn, gồm 1.216 biệt thự; khoảng 509 nhà cổ và 1.167 công trình kiến trúc (UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 115/KH-UBND ngày 4/4/2023 về khảo sát, đánh giá và kiểm định chất lượng 1.216 biệt thự và 8 công trình kiến trúc khác, dự kiến hoàn thành xong trước 30/6/2024).

Theo quy định tại Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/1/2021 của Chính phủ quy định về quản lý chất lượng công trình, yêu cầu các chủ sở hữu, quản lý công trình phải tự bỏ kinh phí để thực hiện việc kiểm định chất lượng công trình cũng như đầu tư cải tạo, phục hồi, xây dựng lại công trình (đan xen sở hữu của tư nhân, giữa tư nhân và Nhà nước, người đang sở hữu, sử dụng công trình không tự bỏ kinh phí, vẫn trông chờ vào Nhà nước).

Về thẩm quyền: Việc quy định HĐND Thành phố quyết định danh mục nhà cổ, biệt thự cũ và công trình kiến trúc khác đã hư hỏng, xuống cấp, nguy hiểm cần cải tạo, phục hồi, phá dỡ, xây dựng lại (tại Khoản 2 Điều 10 Nghị quyết số 17/2013/NQ-HĐND) sẽ không đáp ứng kịp thời đối với công trình nguy hiểm, có nguy cơ sập đổ, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người sử dụng công trình, tiến độ thực hiện các dự án cải tạo, bảo tồn, chỉnh trang 24 biệt thự cũ, 8 công trình kiến trúc khác theo Chương trình số 03-CTr/TU.

Vì vậy, Khoản 2 Điều 10 Nghị quyết số 17/2013/NQ-HĐND cần được điều chỉnh theo hướng giao cho UBND Thành phố quyết định sau khi có ý kiến thống nhất của Thường trực HĐND Thành phố.

Ngày 15/6/2023, UBND Thành phố đã có Báo cáo số 178/BC-UBND gửi HĐND Thành phố về công tác xây dựng danh mục biệt thự cũ và công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954 đã hư hỏng, xuống cấp, nguy hiểm cần cải tạo, phục hồi, phá dỡ, xây dựng lại.

Sở Xây dựng đã có Tờ trình số 185/TTr-SXD(QLN) ngày 27/7/2023, UBND Thành phố đã có Tờ trình số 294/TTr-UBND ngày 28/7/2023 trình Thường trực HĐND Thành phố chấp thuận chủ trương xây dựng Nghị quyết điều chỉnh Khoản 2 Điều 10 Nghị quyết số 17/2013/NQ-HĐND ngày 23/7/2013 của HĐND Thành phố về cải tạo, phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ và các công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954, dự kiến trình HĐND Thành phố thông qua tại kỳ họp chuyên đề tháng 9/2023 của HĐND Thành phố.

Thảo luận tại Hội nghị, phần lớn các ý kiến phản biện đều tán thành với việc cần thiết sửa đổi Khoản 2 Điều 10 Nghị quyết số 17/2013/NQ-HĐND, qua đó nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay trong việc thực hiện Nghị quyết số 17.

Nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa đổi Khoản 2 Điều 10 Nghị quyết số 17/2013/NQ-HĐND, TS Nguyễn Viết Chức - Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội cho rằng đây là việc làm hết sức đúng đắn, có ý nghĩa, góp phần xây dựng Thành phố xanh - sạch - đẹp - văn minh.

TS Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ đóng góp ý kiến tại Hội nghị.

TS Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ đóng góp ý kiến tại Hội nghị.

Góp ý tại Hội nghị, TS Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng: Trong quá trình thực hiện, đề nghị HĐND và UBND Thành phố cần có biện pháp tích cực để nhanh chóng xác định một cách chính xác và thực hiện sớm các công trình cần phải cải tạo, phá dỡ để không những đảm bảo cảnh quan văn minh đô thị mà còn để đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống, làm việc trong các công trình đó. Đảm bảo các biệt thự, nhà cổ, công trình có giá trị đã được phân loại phải được bảo tồn, nâng cấp, tránh những trường hợp vi phạm vào các công trình văn hóa, có ý nghĩa lịch sử.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn bày tỏ cảm ơn, xin tiếp thu các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học; đồng thời làm rõ thêm một số thông tin liên quan đến việc triển khai Đề án, Nghị quyết của HĐND, Quyết định của UBND Thành phố về cải tạo, phục hồi các nhà cổ, biệt thự cũ và các công trình xây dựng có giá trị trước năm 1954 trên địa bàn Thành phố.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố cho biết hội nghị trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu, Thành phố sẽ xem xét điều chỉnh nội dung tờ trình và báo cáo ngắn gọn, súc tích, đánh giá được các nội dung đã và đang triển khai.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn phát biểu tại Hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Lan Hương ghi nhận và đánh giá cao sự tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học đã tham gia đóng góp trực tiếp và bằng văn bản tại Hội nghị; đồng thời khẳng định MTTQ sẽ chắt lọc những ý kiến đúng, trúng, cần thiết tổng hợp gửi về Ban soạn thảo để hoàn thiện Tờ trình và Dự thảo sửa đổi Nghị quyết.

Đồng chí cũng đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp thu những ý kiến tại Hội nghị để hoàn thiện quy phạm văn bản pháp luật, đảm bảo tính khoa học, rõ ràng, rành mạch; cần có mục giải thích từ ngữ, để nhân dân dễ hiểu khi tiếp cận, qua đó tạo sự đồng thuận, thống nhất cao.

Nhấn mạnh việc sửa đổi Khoản 2 Điều 10 Nghị quyết số 17/2013/NQ-HĐND mấu chốt ở vấn đề thẩm quyền: HĐND hay UBND phê duyệt chủ trương cải tạo, phục hồi các công trình, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố đề nghị Ban soạn thảo cần quan tâm nghiên cứu làm sao để chuyển tải được những nội dung các luật mới ban hành, sắp ban hành, để nội dung sửa đổi trong Nghị quyết có giá trị lâu dài; cần phân loại khi lập danh mục công trình (thời gian, hình thức sở hữu - Nhà nước hay tư nhân...); đưa ra những phụ lục cụ thể, mức độ hiện trạng (đặc biệt nguy hiểm, nguy hiểm, còn sử dụng tốt…)

Đồng chí Nguyễn Lan Hương cũng đề nghị việc triển khai sửa chữa, cải tạo các công trình phải đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch; làm rõ vai trò của Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cùng tham gia tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong nhân dân; đặc biệt cần nhấn mạnh vai trò giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố trong quá trình thực hiện.

B.D

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/xac-dinh-ro-tham-quyen-phe-duyet-chu-truong-cai-tao-phuc-hoi-nha-co-biet-thu-cu-159867.html