Xác lập rõ trách nhiệm pháp lý đối với những người có ảnh hưởng
Theo chương trình dự kiến, ngày mai 10.5, Quốc hội sẽ thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Đây là một trong những dự án luật được kỳ vọng sẽ tạo ra khung pháp lý đầy đủ, phù hợp với bối cảnh truyền thông, tiếp thị hiện đại.

Ngày 10.5, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Ảnh: TR.HUẤN
Đồng thời qua đây góp phần xây dựng ngành công nghiệp quảng cáo phát triển theo hướng chuyên nghiệp, sáng tạo và nhân văn.
Xây dựng ngành công nghiệp quảng cáo hiện đại, minh bạch
Theo đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn (Hà Nội), việc sửa đổi Luật Quảng cáo vào thời điểm hiện nay là yêu cầu tất yếu, mang tính chiến lược và cấp bách nhằm bắt kịp sự thay đổi nhanh chóng của xã hội số, đồng thời bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, doanh nghiệp cũng như lợi ích quốc gia.
“Sau hơn một thập niên kể từ khi Luật Quảng cáo được ban hành vào năm 2012, thế giới truyền thông và tiếp thị đã có những thay đổi sâu sắc. Hoạt động quảng cáo hiện không chỉ dừng lại ở báo giấy, truyền hình hay bảng biển ngoài trời, mà đã chuyển dịch mạnh mẽ lên không gian mạng, hiện diện trong từng thiết bị cầm tay, tác động trực tiếp đến hành vi và thói quen tiêu dùng của mỗi cá nhân”, đại biểu Bùi Hoài Sơn phát biểu.
Ông nhấn mạnh, trong bối cảnh các nền tảng kỹ thuật số xuyên biên giới như Facebook, YouTube, TikTok ngày càng mở rộng ảnh hưởng, nếu thiếu hành lang pháp lý phù hợp, không gian mạng rất dễ trở thành môi trường “vô chủ”, tiềm ẩn nhiều nguy cơ như nội dung độc hại, quảng cáo sai sự thật, cạnh tranh không công bằng và thất thu ngân sách nhà nước.
Luật sửa đổi lần này đã bổ sung và chính thức hóa các khái niệm mới như “quảng cáo xuyên biên giới”, “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo”, đặc biệt là nhóm người có ảnh hưởng (influencer), từ đó đặt ra các nghĩa vụ pháp lý rõ ràng, gắn trách nhiệm với ảnh hưởng mà họ tạo ra.
Đây là một bước đi cần thiết trong việc kiểm soát chất lượng nội dung truyền thông, bảo vệ người tiêu dùng và thúc đẩy đạo đức nghề nghiệp trong môi trường số.
“Quảng cáo không chỉ là công cụ thúc đẩy thương mại, mà còn phản ánh bản sắc văn hóa, thể hiện hình ảnh của quốc gia. Một quảng cáo cẩu thả có thể làm tổn thương hình ảnh đất nước; trong khi một sản phẩm quảng cáo sáng tạo, nhân văn có thể giúp Việt Nam tạo ấn tượng tốt trong mắt bạn bè quốc tế”, ông Sơn nhấn mạnh.
Những điểm mới đáng chú ý
Theo đại biểu Bùi Hoài Sơn, dự án Luật Quảng cáo (sửa đổi) lần này mang tinh thần cải cách mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm của Nhà nước trong việc xây dựng một hệ sinh thái truyền thông lành mạnh, hiện đại và có trách nhiệm.
Cụ thể, dự thảo luật có một số điểm mới quan trọng. Thứ nhất, luật hóa hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng và các nền tảng xuyên biên giới. Theo đó, các tổ chức, cá nhân nước ngoài khi quảng cáo tới người tiêu dùng Việt Nam phải thông qua đơn vị cung cấp dịch vụ quảng cáo hợp pháp tại Việt Nam, đồng thời thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế, báo cáo và kiểm soát nội dung.Quy định này nhằm chống thất thu ngân sách, bảo vệ thị trường nội địa và ngăn chặn nội dung vi phạm trên không gian mạng.
Thứ hai, xác lập rõ trách nhiệm pháp lý đối với những người có ảnh hưởng (influencer). Từ nay, các cá nhân chuyển tải nội dung quảng cáo phải chịu trách nhiệm xác minh thông tin sản phẩm, minh bạch về mối quan hệ thương mại và không được quảng bá nội dung sai lệch. Đây là bước tiến quan trọng nhằm nâng cao đạo đức truyền thông và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Thứ ba, bổ sung quy định về tiêu chuẩn nội dung quảng cáo. Các thông điệp quảng cáo phải rõ ràng, trung thực, không gây hiểu nhầm. Các nội dung cảnh báo, khuyến cáo phải được thể hiện bằng tiếng Việt chuẩn, dễ đọc, dễ hiểu và không được chen ngang một cách gây khó chịu trong các chương trình có thời lượng ngắn.
Thứ tư, siết chặt quản lý quảng cáo ngoài trời thông qua việc quy hoạch đồng bộ, đảm bảo mỹ quan đô thị, và đặt ra nghĩa vụ cụ thể đối với chủ sở hữu công trình quảng cáo về phòng cháy chữa cháy, bảo trì, tháo dỡ. Người dân và doanh nghiệp có quyền được bồi thường nếu việc điều chỉnh quy hoạch ảnh hưởng đến hoạt động quảng cáo đang thực hiện hợp pháp.
Thứ năm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực quảng cáo, bãi bỏ nhiều quy định không còn phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo tính minh bạch, tuân thủ pháp luật.
Theo đại biểu Bùi Hoài Sơn, dự án luật lần này không chỉ là sự điều chỉnh về mặt kỹ thuật mà còn thể hiện tầm nhìn chính sách sâu rộng về quản trị truyền thông trong thời đại số. Luật sửa đổi chính là sự tái cấu trúc toàn diện ngành quảng cáo, nhằm xây dựng một nền công nghiệp truyền thông hiện đại, hiệu quả, có trách nhiệm và mang đậm giá trị nhân văn.
“Dự án Luật Quảng cáo (sửa đổi) là lời khẳng định rằng Việt Nam không đứng ngoài xu thế đổi mới toàn cầu, mà đang chủ động kiến tạo một môi trường truyền thông nhân văn, minh bạch, phục vụ cho sự phát triển bền vững của đất nước và cộng đồng”, ông Sơn nhấn mạnh.
Luật Quảng cáo (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực mới cho ngành quảng cáo Việt Nam phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hội nhập quốc tế nhưng vẫn gìn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần lan tỏa các giá trị tốt đẹp của Việt Nam đến với thế giới.