Xác minh nhóm đối tượng 'kích sóng' đấu giá đất nền ven đô Hà Nội

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đang phối hợp với cơ quan công an thu thập, xác minh nghi vấn có nhóm đối tượng 'kích sóng' đất nền vùng ven Hà Nội thông qua các phiên đấu giá đất.

Khu đất có 19 lô ở huyện Hoài Đức được đấu giá vào ngày 19/8. Ảnh: Nguyễn Trường

Khu đất có 19 lô ở huyện Hoài Đức được đấu giá vào ngày 19/8. Ảnh: Nguyễn Trường

Theo chia sẻ của một lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, việc đấu giá đất do cấp địa phương tự tổ chức, nhưng vẫn cần theo dõi nên đã cử cán bộ theo dõi các phiên đấu giá đất vùng ven ở các huyện Đan Phượng, Thanh Oai và Hoài Đức vừa qua.

Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng ghi nhận tình trạng một số lô đất được trả giá cao vọt lên gấp nhiều lần trong các phiên đấu giá. Giá trúng đấu giá các huyện vùng ven Hà Nội liên tục đội lên, phiên sau luôn cao hơn trước. Do đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đang phối hợp với cơ quan công an xác minh nhóm đối tượng kích sóng đất nền thông qua các phiên đấu giá.

Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội nhấn mạnh: "Chúng tôi đang đợi đến hạn nộp tiền trúng đấu giá để xem xét rõ hơn tình hình, dấu hiệu liên kết hội nhóm vì động cơ không lành mạnh. Tình trạng giá trúng đấu giá đất qua các phiên liên tục bị đẩy lên sẽ có tác động khiến đất nền vùng ven ngoại thành Hà Nội bị đẩy lên, tiềm ẩn bất ổn định cho thị trường bất động sản".

Đấu giá đất ven Hà Nội liên tục bị "kích sóng"

Đấu giá đất ở các huyện Đan Phượng, Thanh Oai, Hoài Đức có giá trúng cao nhất tăng dần. Trước đó, ngày 28/7, huyện Đan Phượng tổ chức đấu giá 85 lô đất ở các xã Đan Phượng, Hạ Mỗ và Phương Đình, có 1.252 bộ hồ sơ nộp vào tham gia đấu giá. Kết quả, có lô đất tại xã Hạ Mỗ được trả giá lên đến 99,2 triệu đồng/m2 khiến nhiều người không khỏi giật mình.

Tiếp đó, phiên đấu giá 68 lô đất ở xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai còn nóng hơn tại huyện Đan Phượng khi có tới 7.000 bộ hồ sơ do khoảng 1.600 người nộp vào tham gia trả giá.

Kết thúc phiên đấu giá, lô đất góc có giá trúng cao nhất là hơn 100,5 triệu đồng/m2. Hầu hết các lô đất có giá trúng từ trên 80-90 triệu đồng/m2, lô trúng thấp nhất là 63,5 triệu đồng/m2. So với giá khởi điểm, giá các lô trúng cao gấp 5-8 lần.

Người dân ở các tỉnh thành lân cận đến nơi tổ chức đấu giá tại Hoài Đức từ sáng sớm. Ảnh: Trần Hoàng

Người dân ở các tỉnh thành lân cận đến nơi tổ chức đấu giá tại Hoài Đức từ sáng sớm. Ảnh: Trần Hoàng

Gần đây nhất, tại "chảo lửa" đấu giá 19 lô đất ở khu Lòng Khúc xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức tiếp tục "sốt giá" khi có cả nghìn hồ sơ nộp vào tham gia đấu giá. Cuộc đấu giá đất tại huyện Hoài Đức này kéo dài từ 9 giờ sáng 19/8 đến 4 giờ 30 phút rạng sáng 20/8 với 9 vòng đấu.

Giá trúng đấu giá cao nhất lên đến 133,3 triệu đồng/m2 đối với LK03-12 là thửa ở góc, có 3 mặt tiền, rộng hơn 113 m2; tổng giá trị lên đến hơn 15 tỉ đồng. So với giá khởi điểm là 7,3 triệu đồng, lô đất này được nhà đầu tư trả gấp hơn 18 lần.

2 lô đất có giá trúng đấu giá cao thứ 2 là LK03-6 và LK04-6 lên đến 127,3 triệu đồng/m2. 14 lô còn lại có giá trúng đấu giá từ 97,3 - 121,3 triệu đồng/m2. Có 2 lô trúng có giá đấu giá thấp nhất cũng lên đến 91,3 triệu đồng/m2.

Theo công cụ lịch sử giá của nền tảng công nghệ Batdongsan.com.vn, giá rao bán phổ biến đất nền ở xã Tiền Yên trong quý 2/2024 là 43 triệu đồng/m2. Trong vòng 1 năm qua, giá đất ở địa phương này đã tăng hơn 48%. Tuy nhiên, giá đất trúng đấu giá trong phiên vừa qua vẫn cao gấp 2 - 3 lần so với mặt bằng giá phổ biến. Công cụ lịch sử giá của Batdongsan.com.vn còn cho thấy giá rao bán tại các xã lân cận trong huyện Hoài Đức dao động từ 22-62 triệu đồng/m2 trong quý 2/2024.

Cần quy định chặt chẽ hơn để tránh biến tướng đấu giá đất ven Hà Nội

Việc hình thành mặt bằng giá đất mới sẽ kéo theo nhiều hệ lụy. Trong đó đầu cơ, thổi giá bất động sản làm nhiễu loạn thị trường tạo ra bong bóng không bền vững, trong khi các vùng này đều chưa được đầu tư về hạ tầng đô thị, khiến nhà đầu tư dè chừng khi muốn đầu tư vì phải bỏ ra chi phí nhiều hơn để đền bù, làm hạ tầng.

Trên thực tế, không ít lần giá bất động sản vùng ven các đô thị lớn bị "thổi giá". Trước đó, tại Thành phố Hồ Chí Minh, cả 4 lô đất khu vực Thủ Thiêm đều bị đẩy lên quá cao so với giá khởi điểm. Đáng chú ý, một công ty con của Tập đoàn Tân Hoàng Minh trúng đấu giá một lô đất hơn 10.000m2 với mức 24.500 tỉ đồng, nghĩa là hơn 2,4 tỉ đồng/m2. Mức giá này chênh lệch rất lớn so với mặt bằng giá tại Thành phố Hồ Chí Minh và thậm chí cao hơn giá tại một số tuyến đường đắt đỏ như Nguyễn Huệ, Đồng Khởi hay Lê Lợi (quận 1). Tuy nhiên sau đó, các doanh nghiệp trúng đấu giá lần lượt xin bỏ cọc.

Sau cơn "kích sóng", mặt bằng giá bất động sản tại khu vực, thậm chí là cả tỉnh, thành phố đều chứng kiến sự tăng giá chóng mặt. Kèm theo đó, vấn đề đáng lo ngại là các nhà đầu tư đang quen với tư duy hễ có đất đấu giá là nhảy vào cọc, sau đó bán chênh lệch để kiếm lời.

Nhằm ngăn chặn những biến tướng trong đấu thầu, Luật Đấu giá tài sản 2024 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 tới đây đưa ra nhiều quy định mới về xử lý vi phạm đối với người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức có liên quan.

Theo đó, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức có liên quan có hành vi vi phạm, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự…

Trang Linh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/xac-minh-nhom-doi-tuong-kich-song-dau-gia-dat-nen-ven-do-ha-noi-179240821162259051.htm