Xác minh thông tin 'mất hơn 100 cuốn sách' ở Viện Hán Nôm
Ngày 20/3, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã yêu cầu Viện Nghiên cứu Hán Nôm tiếp tục kiểm kê, làm rõ thông tin mất hơn 100 cuốn sách.
Ngày 20/3, ông Nguyễn Xuân Diện (hiện đang công tác tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm) đăng thông tin trên trang cá nhân cho biết, Viện Nghiên cứu Hán Nôm lại mất thêm 110 cuốn sách. Ngoài ra, 877 cuốn khác trong kho mủn nát, không thể phục chế.
Thông tin ông Nguyễn Xuân Diện đưa ra được rất nhiều người quan tâm. Nhiều ý kiến bày tỏ sự bất bình trước vụ việc này.
Chiều 20/3, trao đổi với báo chí, ông Đặng Xuân Thanh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam xác nhận đã yêu cầu Viện Nghiên cứu Hán Nôm tiếp tục kiểm kê, làm rõ thông tin mất sách.
Đây không phải lần đầu có thông tin mất sách tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Cuối tháng 12/2022, ông Nguyễn Xuân Diện cũng loan tin mất 25 cuốn sách.
Trong số 25 cuốn này có 4 cuốn "Toàn Việt thi lục" (do nhà bác học Lê Quý Đôn soạn) thuộc 3 bộ khác nhau và cuốn "Việt âm thi tập" (do nhà sử học Phan Phu Tiên biên soạn). Ngoài ra, hai cuốn sách về địa chí là cuốn "Hoàng Việt địa dư chí" và "Nam quốc địa dư" - có nội dung viết về cương vực, lãnh thổ Việt Nam.
Sau đó, trong thông cáo phát đi, Viện Nghiên cứu Hán Nôm cho biết, khoảng tháng 3 đến tháng 4/2020, cán bộ quản lý kho sách phát hiện một số cuốn sách ở vị trí quy định trên giá không tìm thấy. Thời điểm phát hiện đang trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Tháng 4/2022, Viện đã cho tổng kiểm kê toàn bộ kho sách Hán Nôm. Qua rà soát, phát hiện không thấy trên giá 29 quyển (tập sách đóng rời), trong đó có 13 quyển thuộc kho A và kho V, 16 quyển thuộc kho ST. Về thác bản bia: thiếu 6 thác bản.
Số sách ít nhiều bị xuống cấp, hư hại vật lý (theo tình trạng tự nhiên của bảo quản) là khoảng 4.000 quyển (hơn 10% số sách gốc), có thể bị rách một vài trang, bị hỏng bìa chưa tu bổ, hoặc bị mủn, mối mọt một vài trang hoặc toàn quyển. Riêng cuốn "Nam quốc địa dư chí" đã được tìm thấy (do ghi nhầm ký hiệu nên tưởng bị mất).
Theo Viện Nghiên cứu Hán Nôm, các cuốn sách bị thất thoát đã có bản scan màu, bản photocopy, được thực hiện từ trước.