Xanh đồi chè, tươi màu no ấm

Đến xóm Đồng Bòng (xã Yên Lạc, Phú Lương) đúng ngày lứa chè chính vụ được thu hái, chúng tôi thấy trên khắp những đồi chè búp xanh mơn mởn có rất đông người dân đang hái chè đổi công, tiếng cười nói rộn ràng.

Xóm Đồng Bòng hiện có 45ha chè, với 100% là các giống chè mới.

Xóm Đồng Bòng hiện có 45ha chè, với 100% là các giống chè mới.

Anh Nguyễn Văn Vinh, Trưởng xóm Đồng Bòng, giới thiệu: Xóm có 93 hộ, với 110 nhân khẩu, trong đó 60% là bà con dân tộc Sán Chí. Cơ bản các hộ ở đây đều trồng và chế biến chè kinh doanh. Trước đó, giai đoạn 1970-1980, một số hộ dân di cư từ các tỉnh dưới xuôi lên đây khai hoang, làm kinh tế, thấy cây chè trung du sống tự nhiên xanh tốt, sản phẩm uống ngon nên bà con đã nhân rộng diện tích trồng.

Ông Hầu Văn Tường, một trong những người trồng chè đầu tiên ở đây, nhớ lại: Ban đầu chỉ có 2 hộ trồng, rồi tăng lên 6 hộ. Dần dần, bà con được các cán bộ "cầm tay chỉ việc", hướng dẫn nên đã xác định chè là cây trồng mũi nhọn để xóa đói, giảm nghèo, các hộ trong xóm bảo nhau cùng trồng trên những triền đồi thấp, đất soi bãi. Nhờ sức người, đến nay những nương chè xanh ngát đã thay thế đồi cây cối rậm rạp trước kia.

Niềm vui đến với người làm chè xóm Đồng Bòng khi cuối năm 2014, xóm được UBND tỉnh công nhận là Làng nghề sản xuất, chế biến chè truyền thống. Đây cũng là xóm đầu tiên, làng nghề chè đầu tiên ở xã Yên Lạc có 100% diện tích trồng chè được người dân chuyển sang trồng các giống chè cành cho năng suất, chất lượng cao, góp phần nâng cao thu nhập của nhân dân.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Thuận, Bí thư Chi bộ xóm Đồng Bòng, cho biết: Với đặc thù là xóm thuần nông, những năm qua, Chi bộ đã chỉ đạo, khuyến khích nhân dân tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp, trong đó thúc đẩy sản phẩm mũi nhọn là chè để nâng cao thu nhập cho bà con.

Từ năm 2004, thực hiện nghị quyết của Đảng ủy xã Yên Lạc về phát triển kinh tế, địa phương đã có chủ trương chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, tạo điều kiện để bà con nhân dân san lấp những diện tích ruộng dốc hoặc sình lầy, cấy lúa kém hiệu quả để trồng chè giống mới.

Với hơn 2 mẫu chè, gia đình ông Vũ Văn Hội ở xóm Đồng Bòng thu được khoảng 3 tạ chè búp khô/lứa, giá bán trung bình từ 200-250 nghìn đồng/kg.

Với hơn 2 mẫu chè, gia đình ông Vũ Văn Hội ở xóm Đồng Bòng thu được khoảng 3 tạ chè búp khô/lứa, giá bán trung bình từ 200-250 nghìn đồng/kg.

Được sự lãnh đạo của Chi bộ, cùng với sự nhanh nhạy thay đổi nếp nghĩ, cách làm, ngoài việc phát triển 200ha rừng trồng, người dân Đồng Bòng đã mở rộng diện tích trồng chè giống mới. Trong 45ha chè ở xóm hiện nay có 30ha chè giống mới (như Kim Tuyên, Thúy Ngọc, Phúc Vân Tiên, TRI 777…). Không chỉ mở rộng diện tích thâm canh cây chè, chuyển đổi từ giống chè trung du sang trồng các giống chè lai có năng suất, chất lượng cao, bà con còn tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.

Một trong những hộ làm chè giỏi ở xóm Đồng Bòng là gia đình ông Vũ Văn Hội, với diện tích gần 8.000m2 chè, chủ yếu là giống TRI 777. Tham gia trồng, chế biến chè từ năm 1979 đến nay, vợ chồng ông dường như “ăn ngủ cùng chè” và “yêu chè như con”. “Mỗi lứa, gia đình tôi thu được khoảng 3 tạ chè búp khô, với giá bán từ 200-250 nghìn đồng/kg” - ông Hội cho biết.

Cùng với đó, gia đình anh Vũ Văn Bảy là hộ đầu tiên sản xuất chè đen trong xóm. Ngoài chế biến các loại chè xanh truyền thống, những năm gần đây, anh Bảy sản xuất thêm chè đen theo công nghệ của Thái Lan để cung cấp ra thị trường. Anh cho biết: Nguyên liệu đầu vào vẫn là chè xanh ở địa phương, nhưng khi thu hái không áp dụng cách thức hái "một tôm, hai lá" như thông thường mà có thể thu hoạch búp dài hơn, mang về hong cho héo, cho vào máy sao khoảng 30 phút, rồi lại cho ra hong tiếp khoảng 3-5 giờ để cho chè lên men, sau đó mới cho vào máy sao chè thành phẩm. Cách chế biến này nhằm khử hết vị chát của chè, để dành cho những thực khách không thích vị chát của chè xanh truyền thống.

Nhờ phát triển cây chè, đời sống của người dân xóm Đồng Bòng từng bước được nâng lên, thu nhập bình quân hiện nay đạt khoảng 6 triệu đồng/người/tháng - là một trong những xóm có thu nhập cao nhất trên địa bàn. Số hộ khá, giàu trong xóm chiếm 80% (tăng 10% so với năm 2018), hộ nghèo giảm còn 4 hộ (đều là những hộ có hoàn cảnh đặc biệt, như bệnh tật, đơn thân)...

Duy Phương

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202408/xanh-doi-che-tuoi-mau-no-am-4db05a9/