'Xanh hóa' các làng nghề tại Hà Nội

Trong bối cảnh hiện nay, việc thúc đẩy các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là giải pháp có tính kinh tế cao, được ưu tiên, đẩy mạnh thực hiện trong tất cả các lĩnh vực, ngành nghề. Trong đó, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là chìa khóa cho bài toán phát triển bền vững của các cơ sở công nghiệp nông thôn trong các làng nghề Việt Nam.

Cả nước hiện có gần 2.000 làng nghề truyền thống. Các sản phẩm của làng nghề hiện nay không chỉ đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước mà còn phục vụ cho xuất khẩu. Tuy nhiên, để không bị loại khỏi cuộc chơi bởi các tiêu chuẩn ngày càng cao của các thị trường nhập khẩu, việc ứng dụng thiết bị tiên tiến vào sản xuất, giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng là giải pháp quan trọng giúp “xanh hóa” và phát triển bền vững các làng nghề của Hà Nội.

Trước đây, mỗi ngày làng nghề gốm Bát Tràng tiêu thụ khoảng 800 tấn than và thải vào môi trường các loại khí độc hại: CO, SO2, H2S, bụi silic, chất thải rắn... Để giải quyết bài toán phát triển bền vững, các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất làng nghề Bát Tràng đã tích cực tham gia chuyển đổi công nghệ nung gốm từ lò than, lò gas truyền thống sang lò gas hiện đại, góp phần tăng lợi nhuận.

Tại Hà Nội, các làng nghề đã và đang tạo việc làm cho hàng triệu lao động, tổng doanh thu của các làng nghề lên tới 22-25.000 tỷ đồng/năm. Rõ ràng, vai trò của kinh tế làng nghề đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế là không nhỏ. Hiệu quả từ việc sử dụng nhiên liệu thay thế cũng như áp dụng khoa học kỹ thuật trong phát triển bền vững làng nghề đã được minh chứng. Tuy nhiên, để áp dụng rộng rãi cũng còn nhiều rào cản đối với các cơ sở, như điều kiện mặt bằng sản xuất, trình độ kỹ thuật, nguồn vốn.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/xanh-hoa-cac-lang-nghe-tai-ha-noi-205768.htm