Xanh hóa công nghiệp hóa chất tăng cơ hội cạnh tranh cho doanh nghiệp

Xanh hóa trong công nghiệp hóa chất, phân bón là yêu cầu cấp bách, do đó cần nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về sản xuất xanh để tối ưu hóa hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Xanh hóa công nghiệp đang trở thành xu hướng phát triển đem lại hiệu quả trong tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường. Trong khi đó hiện nay, sản xuất hóa chất và phân bón là những ngành công nghiệp tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây phát thải cao, sử dụng nhiều năng lượng do đó yêu cầu về tiêu chuẩn xanh còn được đặt ra khắt khe hơn.

Xanh hóa nâng cao vị thế của DN

Đề cao việc loại bỏ các tạp chất, chất thải cũng như quản lý công tác bảo vệ môi trường, ông Phùng Ngọc Bộ, Trưởng Ban Kỹ thuật Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho rằng, khi làm tốt điều này, DN sẽ giảm được định mức tiêu hao, giảm được các chi phí xử lý chất thải từ đó mang lại những hiệu quả hết sức tích cực về mặt kinh tế.

Sản xuất hóa chất và phân bón là những ngành công nghiệp tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây phát thải cao

Sản xuất hóa chất và phân bón là những ngành công nghiệp tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây phát thải cao

Bên cạnh đó, tiêu chuẩn xanh trong công nghiệp hóa chất còn nâng cao vị thế của DN, đặc biệt là khi DN hòa nhập với chuỗi cung ứng toàn cầu. Đối với những DN hóa chất khi đã quản lý môi trường tốt, loại bỏ được các chất thải có thể dễ dàng xâm nhập được các thị trường khó tính, đặc biệt là thị trường EU.

“Hiện nay vẫn còn những khó khăn khi thực hiện xanh hóa ngành hóa chất, do các công nghệ hiện nay đang sử dụng tỉ lệ các nguyên liệu hóa thạch rất lớn. Cùng đó là chi phí công nghệ cũng như giá thành sản xuất cho các sản phẩm xanh hiện nay còn cao. Ngoài ra các cơ chế, chính sách dù đã có nhưng đối với ngành hóa chất để tiếp cận chưa thực sự rõ ràng”, ông Bộ nêu.

Phân bón là 1 trong 10 phân ngành của ngành hóa chất, nên khi nói tới sản xuất xanh gắn với nông nghiệp xanh, phải chọn đầu vào tiết kiệm được năng lượng, tiết kiệm được nguồn tài nguyên thiên nhiên và đầu ra phải đảm bảo môi trường bền vững. Nhưng thực tế đưa ra từ ông Phùng Hà, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, việc sử dụng phân bón trong nông nghiệp hiện nay ở Việt Nam rất lãng phí.

“Theo thống kê của của IFA - Hiệp hội phân bón thế giới, bình quân trên thế giới lượng phân bón sử dụng cho nông nghiệp chỉ vào khoảng 135 - 140 kg/ha, nhưng ở Việt Nam đã sử dụng tới 400 kg/ha. Điều này rất lãng phí nên muốn sản xuất xanh chúng ta cần tập trung giải quyết ngay vấn đề này”, ông Hà quả quyết.

Còn nhiều khó khăn trong triển khai xanh hóa

Xanh hóa công nghiệp đến nay vẫn còn là một khái niệm khá mới, nên chưa có một định nghĩa cụ thể tại bất cứ một quy định văn bản pháp luật nào. Theo bà Nguyễn Thanh Phương, Cục Kỹ thuật An toàn và môi trường Công nghiệp (Bộ Công Thương), nhận thức về xanh hóa công nghiệp vẫn là khó khăn lớn nhất trong nhận thức cũng như triển khai thực hiện.

“Năng lực triển khai thực hiện xanh hóa đối với các DN ngành hóa chất liên quan từ việc chuyển đổi nguồn nguyên liệu đầu vào, chuyển đổi nguồn năng lượng sử dụng đến việc thay đổi các công nghệ, áp dụng các công nghệ mới, công nghệ xanh, thân thiện với môi trường,… Tất cả những nội dung này các DN đều phải đầu tư, nhưng đối với các DN vừa và nhỏ sẽ là một khó khăn rất là lớn”, bà Phương cho biết.

Với những khó khăn kể trên, để thúc đẩy xanh hóa tất cả các ngành công nghiệp nói chung và ngành hóa chất nói riêng, bà Phương cho rằng trong thời gian tới các DN cần tập trung thực hiện đầy đủ và đúng các quy định về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính. Trong đó, bản thân các DN phải tự nghiên cứu tính toán các phương án xanh hóa trong giảm phát thải, tiết kiệm năng lượng để giải bài toán về chi phí sản xuất. Từ những mô hình thí điểm, các DN sẽ lựa chọn được giải pháp nào là tối ưu nhất.

“Hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo quyết định trình Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt về tiêu chí môi trường dành cho những dự án đầu tư liên quan đến dự án xanh, để các DN có thể tiếp cận những nguồn hỗ trợ từ các chính sách nhà nước liên quan đến tín dụng xanh và trái phiếu xanh. Các DN hóa chất cũng phải cập nhật và tiếp cận những thông tin mới, các quy định mới về bảo vệ môi trường để phát triển theo hướng bền vững, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn”, bà Phương nêu.

Các DN hóa chất, phân bón cần nâng cao nhận thức về sản xuất xanh

Các DN hóa chất, phân bón cần nâng cao nhận thức về sản xuất xanh

Cho biết những giải pháp để sản xuất xanh hơn, ông Phùng Ngọc Bộ, Trưởng Ban Kỹ thuật Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đề cập đến nhóm sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Tập trung giảm phát thải khí nhà kính cũng như tiết kiệm nguyên, nhiên liệu đồng coi trọng quá trình xử lý chất thải và tái chế.

“Các đơn vị trong tập đoàn không chỉ coi việc sản xuất xanh, bảo vệ môi trường là trách nhiệm, thực tế quá trình này đã mang lại những hiệu quả kinh tế rất rõ nét cho DN cũng như cho cộng đồng. Tập đoàn đang đặt ra mục tiêu đến năm 2025 các DN phải trồng cây xanh ít nhất là 15% diện tích trong nhà máy”, ông Bộ cho biết.

Để thích ứng với những thách thức và tận dụng tốt các cơ hội từ xu hướng xanh hóa sản xuất, các DN cần có những giải pháp đồng bộ từ sự chủ động của DN đến việc đồng hành của các hiệp hội, chuyên gia đến những chính sách trợ lực hiệu quả của Nhà nước. Trong đó, các DN hóa chất, phân bón cần nâng cao nhận thức về sản xuất xanh, thay đổi tư duy và áp dụng các phương thức chuyển đổi xanh trong các khâu của quá trình sản xuất kinh doanh, qua đó giúp tối ưu hóa hiệu quả hoạt động của DN.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/xanh-hoa-cong-nghiep-hoa-chat-tang-co-hoi-canh-tranh-cho-doanh-nghiep-post1130702.vov