'Xanh hóa' làng nghề để sản phẩm vươn ra thị trường lớn
Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ là mặt hàng xuất khẩu mang lại kim ngạch cao với nhiều thị trường có sức tiêu thụ lớn. Tuy nhiên, để không bị loại khỏi cuộc chơi bởi các tiêu chuẩn ngày càng cao của các thị trường nhập khẩu, việc ứng dụng thiết bị tiên tiến vào sản xuất, giảm ô nhiễm môi trường là yếu tố quan trọng các làng nghề cần chú ý thay đổi để đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới.
Đây là ý kiến được nhiều đại biểu nêu tại Hội thảo “Phát triển làng nghề:Cân bằng kinh tế và môi trường” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức chiều 27.12.
Muốn xuất khẩu, phải đạt các tiêu chuẩn về môi trường
EU, Mỹ, Canda… là những thị trường không ngừng cập nhật chính sách hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững, có tiêu chuẩn rất cao về môi trường cho các mặt hàng nhập khẩu. Các sản phẩm phải tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường, khả năng tái chế, nhãn thông tin cho bao bì đóng gói. Các yêu cầu này đòi hỏi các đơn vị sản xuất, kinh doanh có những nỗ lực lớn trong cải thiện các hoạt động bảo vệ môi trường.
Trong khi đó, các làng nghề của nước ta bên cạnh những đóng góp lớn vào phát triển kinh tế địa phương, giải quyết hiệu quả bài toán lao động nông thôn, thì cũng tạo sức ép không nhỏ đối với môi trường. Do cách làm nặng tính tự phát, quy mô nhỏ, thiết bị, công nghệ còn lạc hậu, nhiều doanh nghiệp hoặc cơ sở sản xuất bỏ qua yếu tố môi trường. Đặc biệt, các làng nghề thường nằm xen kẽ trong khu dân cư, nên trong quá trình sản xuất gây ra nhiều ảnh hưởng tới cộng đồng.
Theo báo cáo công tác bảo vệ môi trường của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2020, mới có 16,1% làng nghề có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt yêu cầu về bảo vệ môi trường; tỷ lệ làng nghề có điểm thu gom chất thải rắn công nghiệp chỉ đạt 20,9%... Bên cạnh đó, hầu hết các làng nghề đang hoạt động hiện nay đều có những ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp tới môi trường không khí.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi, trong bối cảnh kinh tế hội nhập quốc tế, đẩy mạnh xuất khẩu hiện nay, nếu không chú ý đến vấn đề môi trường, sản phẩm hàng hóa từ làng nghề sẽ rất khó tiêu thụ. Ông nhấn mạnh, việc thay đổi tư duy, nhận thức rất quan trọng, cần ưu tiên giải quyết cấp bách.
GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách khẳng định, nếu không giải quyết được vấn đề ô nhiễm làng nghề, những sản phẩm từ các làng nghề chưa chắc đã đạt tiêu chuẩn để đặt chân vào những thị trường khó tính, các nước phát triển vốn có rào cản kiểm soát về môi trường rất mạnh mẽ.
Do đó, GS.TS. Hoàng Văn Cường đề nghị áp dụng, sử dụng công nghệ mới để thay đổi quy trình sản xuất mới không tiếp tục gây ô nhiễm môi trường. Để thực hiện, cần chính sách, chương trình hỗ trợ của nhà nước. Ví dụ như chương trình hỗ trợ về chuyển giao khoa học công nghệ hoặc hỗ trợ về mặt pháp lý các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cùng với đó, tách riêng làng nghề thành không gian phát triển độc lập để đầu tư về hạ tầng đồng bộ, bài bản xử lý hoạt động gây ô nhiễm. Đó chính là là phát triển các cụm công nghiệp, cụm làng nghề, tức là tạo ra một không gian phát triển mới cho làng nghề, tách biệt khỏi khu vực cộng đồng dân cư truyền thống.
Để đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao của các thị trường nhập khẩu, bà Trần Thị Loan, Trưởng phòng Ngành nghề nông thôn, Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, không còn cách nào khác là phải triển khai nghiêm túc các nhóm giải pháp giảm ô nhiễm môi trường. Thậm chí, để xuất khẩu, phải đầu tư cho vùng nguyên liệu đạt chuẩn đối với các sản phẩm như tre, song, mây, cói...
Cần giải pháp linh hoạt và căn cơ
Nhiều năm tham gia giải quyết môi trường tại các làng nghề, GS.TS.NGND Đặng Thị Kim Chi, Chủ tịch Hội đồng khoa học và kỹ thuật, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam nêu thực tế, nhiều nghiên cứu thực tế, công trình đề xuất để xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề đã trở thành mô hình hoạt động rất hiệu quả, thu hút sự vào cuộc của các tổ chức chính trị - xã hội. Thế nhưng, khi dự án kết thúc, công trình đó rơi vào quên lãng.
Từ kinh nghiệm thực tế tại địa phương, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc Leo Thị Lịch cho biết, nhiều dự án kết thúc, việc duy trì rất khó khăn, dở dang, gây lãng phí. Đơn cử như trạm xử lý rác thải ở làng nghề sản xuất bánh đa nem Thổ Hà (xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) trước đây làm rất tốt nhưng khi bàn giao lại cho xã, xã không đủ nguồn lực duy trì bộ máy của nhà máy rác thải khiến nhà máy dừng hoạt động, thiết bị hỏng hóc, han gỉ…
Từ thực tế đó, GS.TS.NGND Đặng Thị Kim Chi cho rằng, vai trò của chủ thể của người dân trong làng nghề hết sức quan trọng. Đây là yếu tố quyết định sự thành công trong vấn đề giải quyết ô nhiễm môi trường. Dù công nghệ tốt, phù hợp nhưng người dân phải thấy sự cần thiết, phù hợp với trình độ kỹ thuật của làng nghề, phù hợp với đặc thù ô nhiễm của các loại hình sản xuất nghề, lúc ấy mới có thể có kết quả.
Bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Khoa học và Công nghệ phát triển làng nghề nhấn mạnh, bên cạnh việc phát huy vai trò của cộng đồng địa phương, cần xác định cụ thể hơn trách nhiệm của các cơ quan các cấp, nguồn lực và nhân lực thực hiện. Đồng quan điểm, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi, việc phân định chức năng nhiệm vụ về quản lý nhà nước với làng nghề được nêu ở Quyết định 577/QĐ-TTg, tuy nhiên, cần phân định rõ hơn chức năng giữa cơ quan trung ương và chính quyền địa phương trong việc thực hiện quy định pháp luật, trong việc quản lý với các làng nghề.
Ngoài ra, các vấn đề khác như điều tra, thống kê, kiểm kê, xây dựng cơ sở dữ liệu về làng nghề ta dù đề ra từ rất lâu nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Cần thiết lập hệ thống quan trắc, cảnh báo liên quan đến ô nhiễm môi trường ở các làng nghề, đo lường được mức độ ô nhiễm nước thải, rác thải, ô nhiễm không khí… từ đó thông tin đến người dân, cộng đồng, hỗ trợ cho công tác quản lý nhà nước. “Quan trọng nhất vẫn là trách nhiệm tham gia của cộng đồng và công cụ kinh tế, tài chính là đòn bẩy trực tiếp để hỗ trợ bảo đảm cân bằng kinh tế và môi trường ở các làng nghề” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi nhấn mạnh.