Xây dựng 14 tuyến đường sắt sẽ giải quyết được nhiều nút thắt để phát triển Thủ đô

Thảo luận tại Quốc hội ngày 20/6 về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhiều đại biểu quan tâm đến mô hình phát triển Thủ đô, giải quyết ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường... Trong đó, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị.

Giải quyết nút thắt lớn nhất của Hà Nội là ùn tắc giao thông

Cho rằng được tham gia bàn về Quy hoạch Thủ đô là một “vinh dự trong cuộc đời”, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn TP. Hà Nội) nhấn mạnh những nội dung quan trọng của quy hoạch như phát triển trục sông Hồng thành trung tâm phát triển Thủ đô về sự phân bổ hài hòa các không gian về sinh thái, văn hóa, lịch sử, đô thị hiện đại ở hai bờ sông; giải quyết triệt để ô nhiễm các dòng sông; cải tạo chung cư cũ...

Trong đó, đại biểu bày tỏ quan tâm về quy hoạch hệ thống y tế ở Thủ đô, nơi hầu hết các bệnh viện lớn tập trung. Theo đại biểu, các bệnh viện lớn, đặc biệt là chuyên khoa nên tập trung cao độ để phối hợp cho tốt và nên ở vùng ngoại vi với hệ thống đường xá tốt, có sân bay. Ở các quận huyện cần có các bệnh viện đa khoa dưới 500 giường, các khu dân cư cần có phòng khám đa khoa, từ đó tạo nên một hệ thống phục vụ sao cho người dân có thể tiếp cận nhanh khi cần thiết.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) phát biểu tại Quốc hội

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) phát biểu tại Quốc hội

Là nhà khoa học tham gia vào quá trình lập quy hoạch Thủ đô, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, quy hoạch phải tập trung giải quyết được nút thắt lớn nhất của Hà Nội hiện này là ùn tắc giao thông. Trong đó, trọng tâm là đầu tư xây dựng được 14 tuyến đường sắt đô thị thành một hệ thống mạng lưới đường sắt kết nối đến mọi khu vực Thủ đô. Khi đó sẽ giảm bớt các phương tiện giao thông cá nhân, giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường, mở rộng hoạt động kinh tế, phát triển các vùng đô thị mới.

Đặc biệt, hệ thống đường sắt này còn kết nối với các tỉnh như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam. Từ đó biến các địa phương này thành các đô thị vệ tinh để tạo ra kết nối phát triển. Đồng thời, việc có hệ thống đường sắt như vậy cũng sẽ tạo nên những mô hình khu đô thị hiện đại, giải quyết được những vấn đề đang bức xúc như cải tạo chung cư cũ, khu nhà ở mất an toàn. Hệ thống không gian ngầm bên dưới sẽ trở thành các khu thương mại dịch vụ, tạo không gian trống ở phía trên.

Cũng theo đại biểu Hoàng Văn Cường, những việc này sẽ không cần có nguồn lực nhà nước, bởi khi đã có đường sắt thì tự các nhà đầu tư sẽ bỏ tiền ra cải tạo được các đô thị.

Một vấn đề quan trọng nữa được đại biểu đề cập là phải đầu tư xây dựng được một hệ thống thu gom nước thải tách rời khỏi hệ thống nước mưa. Xây dựng, bố trí những khu vực xử lý nước thải cục bộ và nước thải tập trung để khi nước thải từ sinh hoạt thành phố ra hệ thống môi trường là nước sạch, không có ô nhiễm.

Quan trọng nhất là tổ chức thực hiện quy hoạch

Phát biểu sau đó với vai trò cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, quy hoạch của Hà Nội có nhiều đổi mới với nhiều tư duy hết sức đột phá, quan điểm định hướng phát triển như thành phố quay mặt ra sông hay mở rộng các tuyến đường sắt đô thị, phát triển không gian ngầm, giải quyết được các vấn đề về môi trường nước… Trong đó, có việc xử lý và làm sạch các dòng sông Nhuệ, sông Tô Lịch, sông Tích và môi trường không khí của Hà Nội.

Các đại biểu xem video clip về Quy hoạch Thủ đô

Quy hoạch cũng đã chú trọng đến tính liên kết vùng và các địa phương xung quanh, trong đó Hà Nội giữ được vai trò trung tâm, là động lực để phát triển cho vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng động lực của phía Bắc, là 1 trong 2 cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt quan trọng về kinh tế bậc nhất của cả nước.

Tuy nhiên, quan trọng nhất ở đây là việc tổ chức thực hiện cho được quy hoạch. “Chúng ta đã lập ra, đã vẽ ra có thể khó, nhưng chưa khó bằng chúng ta giữ được và chúng ta thực hiện được còn khó hơn rất nhiều” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu quan điểm.

Lấy ví dụ từ ý kiến của đại biểu Hoàng Văn Cường, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, làm một dự án đường sắt của Hà Nội đang mất từ 12-15 năm, nếu làm cả 14 tuyến đường sắt này mà không có cơ chế để huy động, không có cơ chế để thực hiện thì đến bao giờ mới xong.

"Việc huy động nguồn lực, đường sắt của Hà Nội hiện nay đang tính ra cần khoảng 40 tỷ USD, mà chúng ta huy động và thực hiện phấn đấu xong vào năm 2035, tính ra chỉ có 11 năm. Nếu không có cơ chế thực hiện khả thi thì quy hoạch này chỉ là định hướng về tương lai, là kỳ vọng chứ không phải điều chúng ta nhìn thấy được" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lo ngại.

Khẳng định đây là vấn đề lớn, vấn đề khó, Bộ trưởng cho biết sau khi được Quốc hội cho ý kiến, hoàn thiện, Thủ tướng phê duyệt thì Hà Nội phải xây dựng một kế hoạch để thực hiện quy hoạch này một cách khả thi nhất. Trong đó có các cơ chế, chính sách đi kèm, cách huy động nguồn vốn thế nào, tổ chức triển khai thế nào, thứ tự, danh mục dự án thế nào, thứ tự ưu tiên ra sao… Có như vậy mới có thể tổ chức thực hiện được một Thủ đô Hà Nội trong tương lai như chúng ta mong muốn ngày hôm nay.

Nên chăng có mô hình “Thủ đô trong thành phố Hà Nội”

Tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) bày tỏ quan tâm đến nội dung trong đồ án điều chỉnh quy hoạch là áp dụng mô hình thành phố trong thủ đô. Đại biểu cho rằng nên làm ngược lại, Thủ đô trong thành phố Hà Nội. Khi đó, các quận nội thành sẽ là Thủ đô Hà Nội, còn các lại các khu vực xung quanh là thành phố Hà Nội. Các quận nội thành có thể là 4, hoặc 5, 6 quận, tùy theo quy hoạch. Như vậy, sẽ có được nguồn lực tập trung để phát triển Thủ đô Hà Nội, chứ không phải phát triển toàn bộ thành phố Hà Nội.

“Thủ đô Hà Nội phải là trung tâm chính trị, văn hóa chứ không thể là trung tâm chính trị, kinh tế. Nếu chúng ta tư duy như thế chúng ta sẽ phát triển Thủ đô Hà Nội nằm trong thành phố Hà Nội là trung tâm chính trị, văn hóa” - đại biểu nói.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/xay-dung-14-tuyen-duong-sat-se-giai-quyet-duoc-nhieu-nut-that-de-phat-trien-thu-do-153375.html